Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Câu đối cụ Phan, chữ nghè Đàn
    "Trước năm 1945, ở Huế có ông Hoàng Hữu Đàn, với nét chữ đẹp tuyệt nam bắc đều lấy làm ngưỡng mộ. Ông Đàn người gốc làng Bích Khê, tỉnh Quảng Trị, học rộng, đậu tú tài cả Hán học lẫn Tây học, làm thông phán tòa sứ ở Huế. Ông hoạt động yêu nước, đã hai lần đi dự lớp huấn luyện tại Côn Minh (Trung Quốc). Chữ của ông nghè Đàn đẹp nổi tiếng. Du khách ở xa đến Huế có thói quen đi tìm cho được cụ Phan Bội Châu để xin một câu đối, rồi ra tận Quảng Trị tìm ông Hoàng Hữu Đàn để nhờ viết hộ câu đối. Đó là món quà trang nhã, kỉ niệm một chuyến đi xa được người đương thời ưa chuộng...'" (Thư pháp - Hoàng Phủ Ngọc Tường)
  2. Tui
    Tôi (khẩu ngữ).
  3. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  4. Ve
    Cũng thường được gọi là ve sầu, là loài côn trùng có hai cánh dài, mỏng, nhiều vân. Con đực kêu ve ve suốt mùa hè. Trong văn chương, xác ve hay mình ve thường được dùng để chỉ tấm thân gầy gò, khô héo.

    Ruột tằm ngày một héo hon
    Tuyết sương ngày một hao mòn mình ve

    (Truyện Kiều)

    Con ve sầu

    Con ve sầu

  5. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  6. Xỏ chân lỗ mũi
    Câu thành ngữ này vốn chỉ hành động uốn dẻo, tự xỏ chân vào lỗ mũi mình, nghĩa bóng là khoe khoang sự mềm dẻo khéo léo. Sau này "xỏ chân lỗ mũi" được hiểu là xỏ chân mình vào lỗ mũi người khác, nghĩa bóng chỉ sự hỗn láo. Câu này có một dị bản là "Xỏ dùi lỗ mũi" với ý nghĩa tương tự.

    Xỏ chân lỗ mũi

    Xỏ chân lỗ mũi

    Xỏ dùi lỗ mũi

    Xỏ dùi lỗ mũi

  7. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  8. Gạo hom
    Một loại gạo đặc sản của tỉnh Thái Bình. Cây lúa hom thân dài, ưa những chân ruộng trũng. Hạt lúa hom bầu như hạt nếp cái hoa vàng, đuôi hạt thóc có râu. Cơm nấu bằng gạo hom vừa thơm, vừa dẻo vừa đậm đà.
  9. Giường hòm
    Loại giường trên giường dưới hòm, vừa dùng để nằm vừa dùng chứa quần áo, đồ trang sức hoặc thóc gạo, ngày xưa chỉ những nhà khá giả mới có.
  10. Hải Triều
    Tên Nôm là làng Hới, một làng nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, có nghề truyền thống là dệt chiếu. Chiếu Hới có nhiều loại khác nhau: cải, đậu, đót, trơn, kẻ dọc màu, ít hoa, cạp điều, sợi xe... Chiếu mới có màu trắng ngà, ưa nhìn, mùi thơm dễ chịu của cói đồng, dùng lâu ngả sang màu vàng, trơn nhẵn, độ mềm vừa phải. Chiếu Hới còn gọi là chiếu Hưng Nhân theo tên huyện cũ, là chiếu Hưng Hà theo tên huyện mới, và chiếu Thái Bình theo tên tỉnh.

    Chiếu Hới

    Chiếu Hới

  11. Gia cương
    Những giềng mối, kỉ cương trong gia đình, hiểu theo nghĩa hẹp chỉ tình cảm vợ chồng. Cũng đọc là gia cang.
  12. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  13. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  14. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  15. Hoa hiên
    Cũng gọi là kim châm, một loại cây thân cỏ sống lâu năm ra hoa vào mùa hạ và mùa thu. Hoa hiên màu vàng hoặc màu đỏ, có mùi thơm, được dùng làm màu nhuộm, gọi là màu hoa hiên.

    Hoa hiên

    Hoa hiên

  16. Mùi huyền
    Màu đen (mùi là từ cổ của màu, ví dụ phơi mùi nghĩa là phai màu, theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  17. Ông Ích Đường
    Một chí sĩ yêu nước quê ở làng Phong Lệ, xã Hòa Thọ, huyện Hòa Vang, Quảng Nam. Năm Mậu Thân (1908), hưởng ứng phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ, ông chỉ huy nhân dân Hòa Vang đi chống sưu thuế, đồng thời đi vây bắt viên quan “sâu dân mọt nước” tên là Lãnh Điềm. Song việc không thành, vì chính quyền thực dân Pháp kịp đưa quân tới đàn áp. Ông bị giặc Pháp bắt và xử chém tại chợ Túy Loan vào ngày 12 tháng 4 năm 1908. Trước lúc hy sinh ông dõng dạc tuyên bố: ”Giết Đường này còn trăm nghìn Đường khác sẽ nổi lên, bao giờ hết mía mới hết đường.”

    Chân dung Ông Ích Đường

    Chân dung Ông Ích Đường

    Ông Ích Đường trên đường bị dẫn ra chợ Túy Loan

    Ông Ích Đường trên đường bị dẫn ra chợ Túy Loan

  18. Núi Tô Châu
    Một dãy núi nằm ở phía tây của vũng Đông Hồ, Hà Tiên, bao gồm hai ngọn núi là Đại Tô Châu và Tiểu Tô Châu, nay thuộc phường Tô Châu, thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Tiểu Tô Châu nằm sát bờ Đông Hồ, trên có nhiều chùa chiền, tịnh xá. Đại Tô Châu nằm về phía đông nam của Tiểu Tô Châu, trên núi có nền đá xưa từ thời họ Mạc

    Núi Tô Châu

    Núi Tô Châu

  19. Có bản chép: "Ngó qua bên núi Tô Châu".
  20. Đồi mồi
    Một loài rùa biển, mai có vân đẹp nên thường bị đánh bắt để làm đồ mĩ nghệ (lược, vòng tay, vòng đeo cổ...). Những đốm nám trên da hoặc trái cây cũng gọi là vết đồi mồi.

    Con đồi mồi

    Con đồi mồi

  21. Thành Ô Ma
    Tên tiếng Pháp là Camp aux Mares (trại ở nơi có nhiều ao), một trại lính do người Pháp lập nên vào cuối thế kỉ 19. Trên bản đồ Sài Gòn 1947, khu vực Thành Ô Ma được đánh số 132, trên khu đất bao quanh bởi các con đường:

    (1) Rue Chasseloup Laubat (trước 1975 là Hồng Thập Tự, nay là Nguyễn Thị Minh Khai)
    (2) Rue de Nancy (trước 1975 là Cộng Hòa, nay là Nguyễn Văn Cừ)
    (3) Rue Frère Louis (nay là một phần đường Nguyễn Trãi)
    (4) Rue d'Arras (nay là đường Cống Quỳnh)

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

    Lính An Nam luyện tập trong thành Ô Ma

  22. Áo cà sa
    Phiên âm từ tiếng Phạn: 袈裟 (ca-sa), là một loại áo dài mặc ngoài của những người theo đạo Phật.

    Một nhà sư mặc áo cà sa

    Một nhà sư mặc áo cà sa

  23. Loại cây nhỏ trong nhóm cây gỗ lớn, cao từ 8-12m, có hoa màu trắng. Vỏ cây dó (còn gọi là cây dó giấy) là nguyên liệu chủ yếu để sản xuất giấy dó.

    Giấy dó

    Giấy dó

  24. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời