Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mồng tơi
    Một số địa phương phát âm thành "mùng tơi" hay "tầm tơi", loại dây leo quấn, mập và nhớt. Lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh, ăn mát và có tính nhuận trường. Nước ép từ quả dùng trị đau mắt.

    Mồng tơi

    Mồng tơi

    Hoa mồng tơi

    Hoa mồng tơi

  2. Sông Cái
    Tên con sông lớn nhất tỉnh Khánh Hoà, dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn. Phần thượng lưu của sông có rất nhiều thác: Đồng Trăng, Ông Hào, Đá Lửa, Nhét, Mòng, Võng, Giằng Xay, Tham Dự, Ngựa Lồng, Hông Tượng, Trâu Đụng, Giang Ché, Trâu Á... Sông còn có tên là sông Cù (do chữ Kaut của người Chiêm Thành xưa) hoặc sông Nha Trang.

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

    Cầu Xóm Bóng bắc qua sông Cái

  3. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  4. Đãi bôi
    (Nói chuyện) niềm nở nhưng giả dối, không thực lòng. Theo học giả An Chi, từ này có thể bắt nguồn từ chữ Hán đãi 紿 (lừa dối) và bội 倍 (phản, trái lại). Một số địa phương Nam Bộ phát âm thành đãi buôi hoặc bãi buôi.
  5. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  6. Dã tràng
    Còn gọi là dạ tràng, một loài giáp xác nhỏ giống con cáy sống ở bãi cát ven biển, hàng ngày vê cát thành từng viên nhỏ để tìm kiếm thức ăn khi thủy triều xuống, nhưng khi thủy triều lên lại đánh tan hết. Đọc thêm về sự tích con dã tràng.

    Dã tràng xe cát

    Dã tràng xe cát

  7. Có bản chép: Nhọc lòng.
  8. Ốc xà cừ
    Một loại ốc biển lớn, vỏ dày có nhiều hoa văn đẹp mắt. Vỏ ốc xà cừ thường được dùng để khảm vào các đồ vật bằng gỗ, có tác dụng trang trí, gọi là cẩn xà cừ.

    Ốc xà cừ

    Ốc xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

    Tranh cẩn xà cừ

  9. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  10. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  11. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  12. Dương Xá
    Tên Nôm là làng Giàng, nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng nằm bên dòng sông Mã, cạnh ngã ba Đầu. Đây là quê hương của Dương Đình Nghệ, người anh hùng đã khởi binh đánh đuổi quân Nam Hán giải phóng thành Đại La, giành quyền tự chủ cho đất nước Việt được 6 năm, và là bố vợ của Ngô Quyền.
  13. Trong chữ thượng 上 thì chữ nhất 一 nằm dưới (không thể ở trên). Trong chữ hạ 下 thì chữ nhất nằm trên (không thể nằm dưới). Trong hai chữ chỉ 止 và nghi 宜 thì chữ nhất nằm dưới. Trong hai chữ bất 不 và khả 可 thì chữ nhất lại nằm trên.

    Tương truyền câu này do một nhà sư đặt ra để đố Lê Quý Đôn, lúc ấy còn kiêu ngạo cho treo tấm bảng Thiên hạ nghi nhất tự lai vấn 天下疑一字來問 (ai không hiểu chữ gì thì đến mà hỏi) ngoài cổng. Điều lí thú là câu này còn có thể hiểu là "Ai không hiểu chữ nhất thì đến mà hỏi."

  14. Hát chầu văn
    Còn gọi là hát văn hay hát bóng, một loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền có xuất xứ từ vùng đồng bằng Bắc Bộ, gắn liền với nghi thức hầu đồng của tín ngưỡng Tứ phủ (Đạo Mẫu) và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo). Thời kỳ thịnh vượng nhất của hát chầu văn là cuối thế kỉ 19, đầu thế kỉ 20. Vào thời gian này, thường có các cuộc thi hát để chọn cung văn. Từ năm 1954, hát văn dần dần mai một vì hầu đồng bị cấm do bị coi là mê tín dị đoan, và chỉ phát triển trở lại từ những năm 1990. Hiện nay, hát chầu văn được xem như một di sản văn hóa phi vật thể.

    Hát chầu văn

    Hát chầu văn

    Nghe Những bài hát chầu văn hay nhất của nghệ sĩ Xuân Hinh.

  15. Khăn chầu áo ngự
    Cách gọi chung của những trang phục hầu đồng, tế lễ, được các ông đồng bà cốt mặc trong những buổi hát chầu văn, để các chư thánh giá ngự. Những trang phục này có nhiều họa tiết rồng phượng, được chia thành các thứ bậc: màu đỏ cờ là ngôi đệ nhất, màu xanh lá cây tươi là ngôi thứ hai, màu trắng là ngôi thứ ba...

    Khăn chầu áo ngự

    Khăn chầu áo ngự

  16. Cung văn
    Người làm nghề hát chầu văn trong buổi lên đồng.

    Cung văn

    Cung văn

  17. Lúa ba lá
    Một giống lúa gặt vào tháng năm, cho gạo trắng, ngon cơm.
  18. Cá phèn khoai
    Một giống cá phèn biển được khai thác quanh năm, thân dài, cho thịt béo, ngọt và thơm. Thường được gọi là cá phèn (thèn) râu, vì dưới miệng cá có hai sợi râu ngắn, mảnh.

    Cá phèn khoai

    Cá phèn khoai

  19. Mầu câu
    Phao câu (từ địa phương).
  20. Mảng
    Mải, mê mải (từ cũ).
  21. Bỏ lảng
    Bỏ lửng, bỏ dở (phương ngữ Nam Bộ).
  22. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  23. Âm Bổn
    Hội Quán Triều Châu ở Hội An, còn gọi là chùa Âm Bổn hoặc chùa Ông Bổn, là nơi sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng của người Triều Châu.

    Chùa Âm Bổn

    Chùa Âm Bổn

  24. Chùa Cầu
    Tên một cây cầu đồng thời cũng là một ngôi chùa cổ ở Hội An. Cầu được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào thế kỉ 17 (nên còn được gọi là cầu Nhật Bản), bắc ngang qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người dân gọi là Chùa Cầu. Chùa Cầu là một biểu tượng văn hóa - du lịch của Hội An.

    Chùa Cầu

    Chùa Cầu