Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vạn thọ vô cương
    Thọ vạn năm chẳng cùng. Đây là lời chúc thọ.
  2. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  3. Thần trùng
    Thần hành hạ người chết vào ngày trùng hoặc bắt những người trong gia đình có người chết vào ngày trùng cứ chết nối theo, theo tín ngưỡng dân gian. Thần trùng xuất hiện dưới dạng một con chim mổ người chết, nên cũng gọi là "thần nanh đỏ mỏ."
  4. Thần nanh đỏ mỏ
    Từ dùng để chửi.
  5. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  6. Cửa Thanh Hà
    Tức cửa sông Gianh, con sông lớn nhất chảy qua tỉnh Quảng Bình. Đại Nam nhất thống chí viết: “Sông Linh Giang: ở cách huyện Bình Chính 3 dặm về phía nam, bờ bắc thuộc huyện Bình Chính, bờ nam thuộc huyện Bố Trạch, lại có tên là sông Thanh Hà.”
  7. Lũy Thầy
    Tên một công trình thành lũy quân sự tại khu vực ngày nay là Đồng Hới, Quảng Bình, bao gồm các lũy Trường Dục, Nhật Lệ, và Trường Sa. Hệ thống lũy này được Đào Duy Từ chỉ huy xây dựng vào thế kỉ 17 theo lệnh chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhằm mục đích bảo vệ Đàng Trong khỏi các cuộc tấn công của chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. "Thầy" chính là danh xưng mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ để tỏ lòng kính trọng. Về sau nhân dân cũng theo đó mà gọi hệ thống thành lũy là lũy Thầy. Hiện nay lũy đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

    Luỹ Trường Sa, một phần của hệ thống Luỹ Thầy

    Lũy Trường Sa, một phần của hệ thống lũy Thầy

  8. Sông La
    Một phụ lưu của sông Lam, chảy qua huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, là hợp lưu của hai sông Ngàn Phố và Ngàn Sâu tại bến Tam Soa. Sông La là một dòng sông rất đẹp, có phong cảnh nên thơ, sơn thủy hữu tình, là nguồn cảm hứng cho nhiều thi nhân và nhạc sĩ.

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

    Cầu Thọ Tường bắc qua sông La

  9. Bực
    Bậc, chỗ đất cao bên bờ sông (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Bạo dái
    Kiêng sợ lắm; cũng có nghĩa là dái to. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình-Tịnh Paulus Của)
  11. Bạo đầu thì dại, bạo dái thì khôn
    Mới ban đầu mà táo bạo là dại, biết kiêng sợ dè dặt là khôn.
  12. Trốc
    Đầu, sọ (phương ngữ).
  13. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  14. Dọi
    Theo (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  15. Cai
    Từ gọi tắt của cai vệ, chức danh chỉ huy một tốp lính dưới thời thực dân Pháp.

    Lính lệ

    Lính lệ

  16. Xoàn
    Kim cương (phương ngữ Nam Bộ).
  17. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  18. Buôn thất nghiệp, lãi quan viên
    Buôn bỏ ra ít vốn (như thất nghiệp) mà lại được nhiều lãi (như quan viên).
  19. Dị sự
    Chuyện lạ thường (từ Hán Việt).
  20. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  21. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  22. Loan phụng hòa minh
    Chim loan, chim phượng cùng hót. Chỉ vợ chồng hòa thuận, thương yêu nhau.
  23. Thung dung
    Thong dong.
  24. Thôn lân
    Làng xóm láng giềng (từ Hán Việt).
  25. Lao lung
    Khổ cực (từ cổ).
  26. Thất phát
    Cũng như thất bát – mất mùa.
  27. Nàn
    Nạn (từ cũ).
  28. Đoạn trường
    Đau đớn như đứt từng khúc ruột (đoạn: chặt đứt, trường: ruột). Theo Sưu thần kí, có người bắt được hai con vượn con, thường đem ra hiên đùa giỡn. Vượn mẹ ngày nào cũng đến ở trên cây gần đầu nhà, kêu thảm thiết. Ít lâu sau thì vượn mẹ chết, xác rơi xuống gốc cây. Người ta đem mổ thì thấy ruột đứt thành từng đoạn.
  29. Túng tíu
    Túng thiếu (từ cũ).
  30. Thét
    Chịu đựng lâu thành quen (phương ngữ).
  31. Kế tự
    Nối dõi (từ Hán Việt).
  32. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  33. Cồn
    Đảo nhỏ và thấp. Ở miền Trung và Nam Bộ, cồn còn được gọi là cù lao hoặc bãi giữa, là dải đất hình thành ở giữa các con sông lớn (sông cái) nhờ quá trình bồi đắp phù sa lâu năm.

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

    Cồn Phụng (thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang)

  34. Thanh Lạng
    Địa danh nay thuộc xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thanh Lạng có truyền thống nấu rượu.
  35. Bất khả giao: không nên giao du, làm thân.
  36. Nguyệt Ao
    Hay Nguyệt Áo, Nguyệt Úc, một làng cổ trước thuộc huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay thuộc xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của danh sĩ Nguyễn Thiếp.
  37. Bất khả thú: không nên làm giá thú, kết hôn.
  38. Thách cá
    Trong một độ gà chọi hay cá thia thia, sau khi xem xét kĩ lưỡng con vật rồi, những người cầm chắc con của mình chọn sẽ thắng, bèn thách mọi người bắt số tiền cá của mình (Việt Nam tự điển - Lê Văn Đức). Còn nói thả cá.
  39. Gá bạc
    Tổ chức đánh bạc.
  40. Thả cá (thách cá) và gá bạc là hai trò đỏ đen mau sinh lợi nhất nhì ngày trước.