Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Độ
    Đậu, đỗ (cách phát âm của một số địa phương Bắc Trung Bộ).
  2. Cơm nếp độ chà
    Loại xôi làm từ nếp và đỗ xanh chà (cán) thành bột, tương tự như món xôi vò.

    Xôi vò

    Xôi vò

  3. Yên Hồ
    Một địa danh nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thời nhà Trần vùng này gọi là Bà Hồ, thời Lê gọi là Bình Hồ; theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, tên Yên Hồ có lẽ có từ đời Tây Sơn.
  4. Nhất vương nhị đế
    Một cách gọi ba anh em nhà Tây Sơn, gồm Đông Định Vương Nguyễn Lữ, Trung ương hoàng đế Nguyễn Nhạc và Quang Trung hoàng đế Nguyễn Huệ.
  5. Quy tiên
    Về chầu tổ tiên, nghĩa là chết đi. Từ này thường dành cho người già hoặc người đáng kính trọng.
  6. Nguyễn Lữ qua đời vào cuối năm 1787 (Mậu Thân), Nguyễn Huệ qua đời vào năm 1792 (Nhâm Tý), Nguyễn Nhạc qua đời vào năm 1793 (Quý Sửu).
  7. Nòi
    Dòng giống.
  8. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  10. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  11. Ngầu
    (Chó) vồ cắn, gầm gừ.
  12. Chó ỉa bờ giếng không sao, chó ỉa bờ ao thì bị người ta cắn cổ
    Kẻ có tội thì không hề hấn gì, còn người mắc khuyết điểm nhỏ lại bị trừng phạt nặng nề.
  13. Kim cải
    Cây kim, hạt cải. Chỉ duyên vợ chồng khắng khít như nam châm hút kim, hổ phách hút hạt cải.

    Kể từ kim cải duyên ưa
    Đằng leo cây bách mong chờ về sau

    (Quan Âm)

  14. Tao khang
    Cũng nói là tào khang hay tào khương, từ Hán Việt: tao là bã rượu, khang là cám gạo, những thứ mà người nghèo khổ thường phải ăn. Vua Hán Quang Vũ (đời Đông Hán, Trung Quốc) có ý muốn gả người chị góa chồng là Hồ Dương công chúa cho quan đại phu Tống Hoằng, nên hỏi "Ngạn vân: phú dịch thê, quý dịch giao, hữu chư?" (Ngạn ngữ có nói: giàu thì đổi vợ, sang thì đổi bạn, có chăng?). Tống Hoằng đáp "Thần văn: Bần tiện chi giao mạc khả vong, tao khang chi thê bất khả hạ đường" (Thần nghe: Bạn bè lúc nghèo hèn chớ nên quên, người vợ tấm cám chớ để ở nhà sau). Nghĩa tao khang do đó chỉ tình nghĩa vợ chồng vun đắp từ những ngày cực khổ.
  15. Phiên bang
    Nước của người Phiên. Người Trung Quốc xưa gọi các dân tộc sống ngoài biên cương của mình là người Phiên. Về sau chữ "Phiên" được sử dụng để chỉ nước ngoài nói chung, đặc biệt là những nước không theo văn hiến Trung Hoa.
  16. Hớn địa
    Đất Hán (từ Hán Việt, đọc theo nhiều phương ngữ Nam Trung Bộ và Nam Bộ) chỉ lãnh thổ Trung Hoa.
  17. Truông Mây
    Một địa danh của tỉnh Bình Định, ngày nay thuộc địa phận xóm Ba, thôn Phú Thuận, xã Ân Đức, huyện Hoài Ân. Đây là nơi đã nổ ra cuộc khởi nghĩa nông dân chống nhà Nguyễn vào giữa thế kỉ 18 do chàng Lía khởi xướng. Có tên gọi như vậy vì nơi đây trước kia là một cái truông có nhiều mây rừng mọc dày.
  18. Lía
    Dân gian còn gọi là chàng Lía, chú Lía, người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa nông dân chống ách thống trị của nhà Nguyễn vào thế kỉ 18 nổ ra tại Truông Mây, Bình Định. Có giả thuyết cho rằng ông tên thật là Võ Văn Doan, quê nội huyện Phù Ly (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định ngày nay), quê ngoại làng Phú Lạc, tổng Thời Hòa, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn). Lía tập hợp dân nghèo nổi dậy, chọn Truông Mây (Hoài Ân, Bình Định) làm căn cứ, lấy của người giàu chia cho người nghèo. Tương truyền sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, ông uất ức bỏ lên núi và tự sát.
  19. Cơm tấm
    Cơm được nấu từ hạt gạo tấm, tức hạt gạo bị bể. Gạo này xưa là loại gạo thứ phẩm, rớt vãi sau khi sàng, thường dùng cho gà ăn hoặc cho người ăn lúc quá túng thiếu. Ngày nay cơm tấm đã trở thành món ăn quen thuộc, được coi là đặc sản của miền Nam.

    Cơm tấm

    Cơm tấm

  20. Lửa sim: lửa đốt bằng cành cây sim.
  21. Bánh hỏi
    Một đặc sản có mặt ở nhiều vùng khác nhau: Vũng Tàu, Bến Tre, Phú Yên, Nha Trang, Bình Định, Sóc Trăng... Bánh được làm từ bột gạo và có quy trình chế biến đặc biệt công phu, tỉ mỉ. Thường được ăn chung với mỡ hành, thịt quay, thịt nướng, lòng heo... đây là món ăn không thể thiếu trong những dịp lễ, cúng giỗ, cưới hỏi.

    Bánh hỏi thịt heo

    Bánh hỏi thịt heo

  22. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  23. Có bản chép: theo dõi mấy năm.
  24. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  25. Rơm
    Các loại cây lúa hoặc các loại cỏ, cây hoa màu khác sau khi thu hoạch phần hạt, phần thân và lá được đem đi cắt, sấy khô (phơi nắng) và được lưu trữ để sử dụng làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra rơm còn được sử dụng để thổi lửa, đun nấu rất tốt. Bên cạnh đó, rơm còn là nguyên liệu quan trọng để nuôi trồng nấm rơm (một loài nấm chuyên mọc trên rơm).

    Một ụ rơm

    Một ụ rơm

  26. Ôm rơm nặng bụng
    (Khẩu ngữ) ví việc làm không đâu, không phải việc của mình nhưng cứ làm, nên không những không mang lại lợi ích mà còn tự gây vất vả, phiền phức cho mình.
  27. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  28. Đài
    Cái gàu con dùng để kéo nước giếng. Người ta thường làm đài bằng mo cau gấp lại ở hai đầu, cán làm bằng hai thanh tre kẹp lại, gọi là bồ đài.