Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tiên Sa
    Tên một bãi biển thuộc bán đảo Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Đây là bãi biển đẹp nổi tiếng, tương truyền ngày xưa tiên nữ thường bay xuống tắm, đồng thời có hai vị tiên ông cũng xuống đây chơi cờ. Hiện nay ngoài tiềm năng du lịch, Tiên Sa còn là một hải cảng quan trọng của Đà Nẵng.

    Càng Tiên Sa

    Càng Tiên Sa

  2. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  3. Cam sành
    Một loại cam có vỏ dày, sần sùi, thịt có màu cam hoặc vàng đậm, nhiều nước, được xem là một giống cam rất ngon.

    Quả cam sành

    Quả cam sành

  4. Sông Đà
    Còn gọi là sông Bờ, phụ lưu lớn nhất của sông Hồng, bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, chảy theo hướng tây bắc - đông nam. Điểm đầu của sông Đà trên nước ta là biên giới Việt Nam - Trung Quốc tại huyện Mường Tè (Lai Châu). Sông chảy qua các tỉnh Tây Bắc là Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, nhập với sông Hồng ở "ngã ba sông" (Việt Trì, Phú Thọ).

    Sông Đà

    Sông Đà

  5. Sông Thao
    Tên gọi của sông Hồng, đoạn từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đến "ngã ba sông" ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô và sông Đà đổ vào sông Hồng. Sông Thao gắn liền với những chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
  6. Ba Vì
    Tên một dãy núi đất và đá vôi lớn trải trên một phạm vi rộng chừng 5000 ha ở ba huyện Ba Vì (Hà Nội), Lương Sơn và Kỳ Sơn (Hòa Bình), cách nội thành Hà Nội chừng 60km. Dãy Ba Vì có nhiều ngọn núi, nhưng nổi tiếng nhất là Tản Viên, còn gọi là núi Tản. Núi này cao 1281m, gần đỉnh thắt lại, đến đỉnh lại xòe ra như chiếc ô nên gọi là Tản (傘). Ở chân núi Tản có đền Hạ, lưng chừng núi có đền Trung, đỉnh núi có đền Thượng là nơi thờ Sơn Tinh (đức thánh Tản), một trong tứ bất tử, thể hiện cho khát vọng làm chủ thiên nhiên của người Việt.

    Ba Vì được xem là dãy núi tổ của dân tộc ta.

    Ba Vì

    Ba Vì

  7. Sông Lam
    Còn gọi là sông Ngàn Cả hay sông Cả, một trong hai con sông lớn nhất ở Bắc Trung Bộ. Sông bắt nguồn từ cao nguyên Xiengkhuang, Lào. Phần chính sông Lam chảy qua Nghệ An, phần cuối hợp lưu với sông La từ Hà Tĩnh, tạo thành ranh giới của Nghệ An và Hà Tĩnh, đổ ra biển tại cửa Hội.

    Sông Lam

    Sông Lam

  8. Nông sờ
    Rất cạn, cạn nhìn thấy đáy.

    Sông Tương một giải nông sờ
    Bên trông đầu nọ, bên chờ cuối kia.
    (Truyện Kiều)

  9. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  10. Bài ca dao này là niềm tiếc thương của nhân dân với nhà yêu nước Phan Đình Phùng.
  11. Vàm Cỏ
    Một dòng sông ở Nam Bộ, thuộc hệ thống sông Đồng Nai, dài khoảng 35 km, là hợp lưu của 10 chi lưu, trong đó hai chi lưu chính trực tiếp là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông chảy chủ yếu qua tỉnh Long An và làm ranh giới giữa Long An và Tiền Giang, rồi cuối cùng đổ vào sông Soài Rạp.

    Về tên gọi sông Vàm Cỏ, có hai cách giải thích:

    - Theo Tự điển Việt Nam của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, "Vàm: ngã ba sông rạch, nơi một con rạch giáp với sông hay một con sông nhỏ giáp với sông lớn”. Ở đây, ý nói sông Vàm Cỏ là sông nhỏ, giáp sông Soài Rạp. Do hai bên bờ mọc nhiều cỏ, gọi là Vàm Cỏ.
    - Các tài liệu của Pháp gọi sông Vàm Cỏ là “Vaïco” bắt nguồn từ tiếng Khmer “piăm vaïco”, nghĩa là "vàm lùa bò". Người Việt đọc chệch thành Vàm Cỏ.

    Cách giải thích thứ 2 được nhiều người tán đồng, vì hai chi lưu Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều bắt nguồn từ Campuchia. Hơn nữa, một số tài liệu xưa ghi nhận rằng vùng này ngày trước có nhiều trâu bò đi thành từng đàn, theo đường cố định, lâu ngày trở thành cái láng, con rạch, thậm chí con sông.

  12. Cửu Long
    Tên một con sông lớn ở miền Tây Nam Bộ. Gọi là Cửu Long (chín rồng) vì sông đổ ra biển bằng chín cửa: Định An, Ba Thắc, Tranh Đề, Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên, Cung Hầu và Ba Lai.
  13. Mỹ Thuận
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Mỹ Thuận, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  14. Tiền Giang
    Một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và thành phố Cần Thơ 90 km về hướng Bắc. Tiền Giang nằm trải dọc bờ Bắc, sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho toàn tỉnh.

    Trước khi bị người Việt xâm lược vào thế kỷ 17, đất Tiền Giang thuộc về Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương, gồm Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại.)

  15. Chỉ bài vọng cổ nổi tiếng của tỉnh Tiền Giang Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận, một số người gọi là bài Gã đánh đàn trên sông Mỹ Thuận.
  16. Quân tử tạo đoan
    Lấy từ Trung Dung, một trong Tứ Thư: Quân tử chi đạo, tạo đoan hồ phu phụ; cập kỳ chí dã sát hồ thiên địa (Đạo của người quân tử khởi đầu mối từ đạo vợ chồng, đến chỗ cùng cực của đạo ấy thì thấu triệt trời đất).
  17. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  18. Lệ Thủy
    Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của cải lương Việt Nam những năm 1960, cùng thời với Bạch Tuyết, Ngọc Giàu, Minh Vương... Soạn giả Viễn Châu nhận xét: "Lệ Thủy có một giọng ca hiếm hoi trong làng cổ nhạc, với chất giọng kim pha thổ, đã từng được báo giới Sài Gòn trước đây phong tặng là giọng ca chuông ngân."

    Nghệ sĩ Lệ Thủy

    Nghệ sĩ Lệ Thủy

  19. Mút mùa Lệ Thủy
    Nghệ sĩ Lệ Thủy có giọng ca dài hơi mà vẫn trong veo, người mê cải lương miền Nam hâm mộ nên so sánh những việc diễn ra trong thời gian dài, lâu là "mút mùa Lệ Thủy" (đi mút mùa Lệ Thủy, nhậu mút mùa Lệ Thủy...).
  20. Mỹ Châu
    Nghệ sĩ cải lương nổi tiếng thuộc thế hệ vàng của cải lương Việt Nam những năm 1960, cùng thời với Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Ngọc Giàu... Cô nổi tiếng có giọng nữ trầm đặc biệt và sở trường ca dây kép, người nhạc công phải nghĩ cách chỉnh dây riêng cho giọng cô, sau người ta quen gọi là "dây Mỹ Châu." (Đọc thêm về nghệ sĩ Mỹ Châu.)

    Nghệ sĩ Mỹ Châu năm 17 tuổi

    Nghệ sĩ Mỹ Châu năm 17 tuổi

  21. Áo tơi
    Áo khoác dùng để che mưa nắng. Áo được làm bằng lá cây (thường là lá cọ) hoặc rơm rạ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau dày hàng đốt tay, như kiểu lợp ngói, đánh thành tấm, phía trên có dây rút để đeo vào cổ giữ áo cố định trên lưng.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  22. Dọi
    Theo (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  23. Mía mưng
    Một giống mía ngọt, nhiều nước, dễ trồng, chịu được úng ngập.
  24. Có bản chép: anh đừng ghé chơi.
  25. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Cẳng.
  26. Chơi chũ đồng âm giữ Hán (triều đại) và háng.
  27. Phòng loan
    Phòng của đôi vợ chồng, nhất là vợ chồng mới cưới. Cũng có thể hiểu là phòng của người phụ nữ. Xem thêm chú thích Loan.

    Người vào chung gối loan phòng
    Nàng ra tựa bóng đèn chong canh dài

    (Truyện Kiều)

  28. Đột
    Cách khâu găm đứng mũi kim để may từng mũi thật khít cho chắc chắn.
  29. Lược
    May thưa đường chỉ lúc ráp sơ các miếng vải để sau này theo đó may lại cho kỹ lưỡng, ngay ngắn hơn.
  30. Bình Lương
    Tên một ấp nay thuộc xã An Bình, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, nằm bên dòng sông Cổ Chiên.
  31. Tân Tạo
    Một con sông chảy ngang qua huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  32. Chợ Vĩnh Long
    Chợ trung tâm tỉnh Vĩnh Long hiện nay, thuộc hàng lớn nhất các tỉnh miền Tây, từ xưa đã có tiếng là tấp nập. Hiện nay chợ Vĩnh Long là đầu mối nhiều mặt hàng nông sản, nhất là trái cây.

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

    Chợ Vĩnh Long hiện nay

  33. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  34. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  35. Đài bi
    Hay đại bi, còn có tên khác là từ bi xanh, đại ngải, bơ nạt, phặc phả (Tày), co nát (Thái), là loại cây nhỏ, toàn thân và quả có lông mềm và tinh dầu thơm. Cụm hoa hình ngù ở nách lá hay ở ngọn, gồm nhiều đầu, trong mỗi đầu có nhiều hoa màu vàng. Cây đại bi có vị cay và đắng, mùi thơm nóng, tính ấm, được dùng làm vị thuốc chữa một số bệnh ngoài da.

    Hoa đài bi

    Hoa đài bi

  36. Chộ
    Thấy (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  37. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  38. Rau sam
    Một loại cỏ dại sống quanh năm ở những vùng ẩm mát như bờ ruộng, bờ mương, ven đường hoặc mọc xen kẽ trong những luống hoa màu. Thân gồm nhiều cành màu đỏ nhạt, lá hình bầu dục, phiến lá dày, mặt láng, mọc bò lan trên mặt đất. Rau sam có thể dùng để ăn như những loại rau trồng khác. Rau sam phơi khô dùng làm thuốc.

    Rau sam

    Rau sam

  39. Rọ
    Tên gọi chung cho các dụng cụ đan bằng tre, nứa để đựng đồ, hay để nhốt, đánh bẫy thú.

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

    Đào đựng trong rọ ở Sa Pa

  40. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá