Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  2. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  3. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  4. Cơi trầu
    Một đồ dùng thường làm bằng gỗ, phủ sơn, trông như một cái khay tròn có nắp đậy, dùng để đựng trầu. Tục xưa khi khách đến nhà, chủ thường mang cơi trầu ra mời khách ăn trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  5. Choa
    Tôi, tao, mình. Cách xưng hô của ngôi thứ nhất (phương ngữ của một số tỉnh miền Trung).
  6. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  7. Mòng
    Cũng gọi là mòng mòng hoặc ruồi trâu, loài ruồi lớn chuyên hút máu trâu bò, truyền nhiễm bệnh dịch ở gia súc.

    Ruồi trâu

    Ruồi trâu

  8. Ăn quận Năm, nằm quận Ba, múa ca quận Một, trấn lột quận Tư
    Đặc điểm của mỗi quận thuộc Sài Gòn xưa: quận Năm nổi tiếng với ẩm thực của người Hoa; quận Ba nhiều dinh thự lộng lẫy; quận Một là trung tâm mua sắm, ăn chơi; quận Bốn dành cho dân lao động nghèo, nổi tiếng là nơi tụ tập, trú ẩn của giới xã hội đen.
  9. Tương truyền câu này xuất hiện khoảng năm Bính Ngọ (1906), khi Sài Gòn bị nạn dịch hạch làm chết rất nhiều người.
  10. Đình So
    Đình làng So (còn có tên là Sơn Lộ) thuộc xã Cộng Hòa, huyện Quốc Oai (Hà Tây cũ), cách trung tâm Hà Nội chừng 40km. Đình được xây dựng vào năm 1673 dưới đời vua Lê Gia Tông (theo sách Sơn Tây địa chí của Phạm Xuân Độ), được xem coi là một trong những ngôi đình đẹp nhất xứ Đoài, một năm có ba lễ lớn: Hội làng diễn ra trong ba ngày bắt đầu từ ngày 8/2 âm lịch, lễ khao quân tổ chức vào ngày 10/7 âm lịch, còn ngày Thánh Hóa được làm vào ngày 10/12 âm lịch hằng năm.
  11. Yên Sở
    Tên cũ là Cổ Sở, một làng nay thuộc xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, có tên nôm là làng Giá Lụa, hay làng Giá. Làng có ngôi đình tên là đình Yên Sở (tên địa phương là Quán Giá), thờ tướng quân Lý Phục Man, vị danh tướng đời Vua Lý Nam Đế đã hi sinh vì non sông. Để tưởng nhớ công ơn của ngài, cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhân dân tổ chức lễ hội Giá, trong đó có nghi thức rước kiệu.

    Rước kiệu hội Giá

    Rước kiệu hội Giá

  12. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  13. Chùa Quảng Nghiêm
    Còn gọi là chùa Tiên Lữ hay chùa Trăm Gian, một ngôi chùa nằm trên một quả đồi cao khoảng 50 m, ở thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Chùa được lập từ đời Lý Cao Tông nhà Lý, niên hiệu Trinh Phù thứ 10, 1185. Đến thời nhà Trần, có hòa thượng Bình An, quê ở Bối Khê tu ở đây, tương truyền là người có nhiều phép lạ. Sau khi ông mất, dân làng xây tháp để giữ gìn hài cốt và tôn gọi là Đức Thánh Bối.

    Gác chuông chùa Trăm Gian

    Gác chuông chùa Trăm Gian

  14. Hào
    Đồng hào, dùng để gieo quẻ trong bói toán.

    Đồ nghề bói toán

  15. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  16. Vũng Rô
    Tên cũ là Ô Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Hiện nay Vũng Rô là một cảng biển lớn, đồng thời là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Vũng Rô

    Vũng Rô

  17. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  18. Nghĩa giao hòa
    Nghĩa vợ chồng (dùng trong ca dao dân ca).
  19. Âm hao
    Tin tức. Như âm háo 音耗  tăm hơi. Ta quen đọc là âm hao (từ điển Thiều Chửu).

    Cố hương đệ muội âm hao tuyệt,
    Bất kiến bình an nhất chỉ thư.
    Dịch thơ:
    Xa cách các em tin tức bặt
    Bình yên mấy chữ thấy đâu mà.

    (Sơn cư mạn hứng - Nguyễn Du, người dịch: Nguyễn Thạch Giang)

  20. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  21. nghĩa là "sao, thế nào" (từ Hán Việt). Câu này có thể hiểu nôm na là quê quán ở vùng nào, thành phố nào.
  22. Bình Dương
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có tỉnh lị là thành phố Thủ Dầu Một, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 30 cây số. Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai lập thành tam giác kinh tế mũi nhọn của miền Nam.

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

    Vòng xoay ngã 6 Bình Dương

  23. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Thúc bá
    Chú bác (từ Hán Việt).
  25. Tang bồng
    Cung bằng gỗ dâu (tang) và tên bằng cỏ bồng. Theo Kinh Lễ, khi nhà vua sinh con trai, quan coi việc bắn sẽ lấy cung bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng, bắn bốn phát ra bốn hướng, một phát lên trời, một phát xuống đất, ngụ ý rằng người làm trai chí ở bốn phương, tung hoành trời đất, giúp nước giúp đời. Chí làm trai vì thế gọi là chí tang bồng.
  26. Thám hoa
    Học vị của người đỗ thứ ba trong khoa thi Đình thời phong kiến (sau Trạng nguyên và Bảng nhãn).
  27. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  28. Bòn bon
    Một loại cây cho trái ăn được, mọc nhiều ở các vùng rừng núi Quảng Nam (nơi bòn bon còn được gọi là lòn bon). Trái bòn bon còn có hai tên quý phái hơn do vua nhà Nguyễn ban: nam trân, tức "(trái) quý ở phương nam" và trung quân, tương truyền vì trong khi trốn tránh quân Tây Sơn, nhờ có trái bòn bon ăn cứu đói mà nhóm quân phò chúa mới cầm cự được. Ưu ái này còn được biểu hiện qua việc chạm hình bòn bon vào Nhân đỉnh, tức đỉnh thứ nhì trong Cửu Đỉnh ở sân Thế miếu trong Hoàng thành Huế. Trước năm 1854 triều đình có đặt quan trông coi việc thu hoạch bòn bon ở thượng nguồn sông Ô Gia, tỉnh Quảng Nam để tiến kinh. Ba huyện Đại Lộc, Quế Sơn và Tiên Phước nay vẫn nổi tiếng là xuất xứ bòn bon ngon và ngọt.

    Bòn bon

    Bòn bon

  29. Xàu
    Trạng thái héo, rũ, thể hiện nét sầu, buồn bã (Phương ngữ Nam Bộ).
  30. Con tạo
    Từ chữ hóa nhi, một cách người xưa gọi tạo hóa với ý trách móc, cho rằng tạo hóa như đứa trẻ nghịch ngợm, hay bày ra cho người đời những chuyện oái ăm, bất thường.
  31. Đa đoan
    Lắm mối, lắm chuyện lôi thôi, rắc rối.

    Cơ trời dâu bể đa đoan,
    Một nhà để chị riêng oan một mình

    (Truyện Kiều)

  32. Châu sa
    Nước mắt rơi. (Trong văn thơ, châu hay giọt châu thường được dùng với nghĩa giọt nước mắt.)

    Lòng đâu sẵn mối thương tâm
    Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa
    (Truyện Kiều)