Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Dan díu
    Có quan hệ yêu đương với nhau.

    Con dan díu nợ giang hồ
    Một mai những tưởng cơ đồ làm nên.

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  2. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  3. Săn sắt
    Còn gọi là cá thia lia hoăc cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân hình rất nhỏ nhưng rất phàm ăn.

    Cá cờ

    Cá cờ

  4. Ông Đùng bà Đà
    Đôi vợ chồng khổng lồ vào thời hỗn mang trong thần thoại Việt Nam, có thân hình rất cao lớn và sức khoẻ phi thường.

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

    Rước ông Đùng bà Đà (tranh dân gian)

  5. Cùng
    Khắp, che phủ hết.
  6. Theo Vũ Ngọc Phan: Một hôm ông Đùng lội qua suối bị con cá săn sắt cắn vào chân, làm ông giật mình, ngã lăn xuống bờ suối. Thường thì một con vật rất nhỏ cắn vào chân người ta một cách bất ngờ, cũng làm người ta giật mình mà trượt. Từ thực tế ấy, người ta có thể nhận định: nếu nhỏ và yếu mà đánh vào một lực lượng to lớn và khỏe một cách bất ngờ thì vẫn có thể thắng được [...] Còn vế dưới của câu trên "Đắp mười chiếc chiếu không cùng bàn tay" có nghĩa là đắp chiếu lồng cồng, người có ấm, nhưng dù có đắp đến mười chiếc chiếu thì bàn tay vẫn còn cóng, vẫn lạnh, phải ủ bàn tay vào áo thì ngủ mới yên. Như vậy, không phải cứ lấy số đông ào ạt mà đã tác động hoặc áp đảo được một thứ gì nhỏ bé, vây kín được một vật gì nhỏ bé (Tục ngữ ca dao dân ca Viêt Nam, NXB Khoa Học Xã Hội, in lần thứ 9, 1992, tr.68)
  7. Sáo
    Như đăng, làm bằng tre.
  8. Đăng
    Dụng cụ đánh bắt cá, bao gồm hệ thống cọc và lưới hoặc bện bằng dây bao quanh kín một vùng nước để chặn cá bơi theo dòng.

    Cái đăng

    Cái đăng

  9. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  10. Gòn
    Còn gọi là cây bông gòn, một loại cây to, vỏ màu xanh tươi, lá kép hình chân vịt, cho quả hình thoi chứa nhiều sợi bông. Khi quả chín khô và nứt ra, từng túm bông sẽ phát tán theo gió, mang theo những hạt màu đen, giúp cây nhân giống. Bông trong quả gòn được dùng để nhồi nệm, gối và làm bấc đèn.

    Cây và quả gòn

    Cây và quả gòn

  11. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  12. Trảy
    Loại cây thuộc họ tre trúc, thân thẳng, không có gai.
  13. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  14. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  15. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  16. Trăng
    Chỉ tháng, thu: chỉ năm. Cách nói của người xưa.
  17. Vuông tròn
    Toàn vẹn, tốt đẹp về mọi mặt.
  18. Bão lụt năm Thìn
    Một trận bão lụt lớn xảy ra vào năm Giáp Thìn (1904), gây thiệt hại rất nặng nề cho các tỉnh miền Tây Nam Bộ, và còn lan ra đến tận Thừa Thiên-Huế. Trong quyển Gò Công xưa và nay của Huỳnh Minh và Gò Công cảnh cũ người xưa của Việt Cúc có viết về trận bão lụt năm Thìn này, như sau: Từ 10 giờ cho đến 3 giờ chiều ngày 16-3 âm lịch, mưa không ngớt hạt. Từ 4 giờ chiều cho đến về đêm, gió càng ngày càng thổi mạnh, trốc gốc cây, trốc nóc nhà, tường xiêu vách đổ. Sóng chụp cao 3,5m, cuốn mất nhà cửa và người ra biển. Rắn rít bò khắp nơi, cắn chết nhiều người. Qua ngày 17-3 âm lịch, nước dần rút, người người đi tìm xác thân nhân. Hôm sau mới thấy mặt đất, quang cảnh thật là hãi hùng. Mãi đến ngày 19-3 âm lịch chính quyền mới tổ chức chôn cất những người chết, hễ gặp đâu thì chôn đó. Bọn trộm cướp thừa cơ đi gỡ bông tai, vòng vàng trên các xác chết. Kết quả thống kê: Mỹ Tho thiệt hại 35%, các vùng phụ cận tỉnh Mỹ Tho từ Thừa Đức lên tới An Hồ 30% nhà cửa sập đổ, vườn dừa bị gãy; Gò Công trên 60%, 5.000 người chết trôi ở các làng ven biển vùng cửa Khâu, làng Kiểng Phước, Tân Bình Điền, Tân Thành, Tăng Hòa..., 60% nhà cửa bị sập, 80% gia súc chết.

    Vào các năm Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976) cũng xảy ra những trận lụt lớn.

  19. Chợ Ba Kè
    Một chợ lâu đời nay thuộc xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
  20. Chợ Giồng Ké
    Tên mới là chợ Trung Ngãi nhưng người dân vẫn quen gọi là Giồng Ké, một ngôi chợ lâu đời nay thuộc xã Trung Ngãi, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long.
  21. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  22. Chích
    Chếch, nghiêng sang một bên (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Cả tiếng
    Lớn tiếng, nói lớn.
  24. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  25. Phong Điền
    Địa danh nay là một huyện của thành phố Cần Thơ.
  26. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  27. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  28. Những người da dẻ đen hoặc đỏ hồng thường do chăm chỉ lao động nên tích lũy được của cải. Những người lười biếng, ăn hại thì da dẻ trắng trơn.
  29. Nhượng Bạn
    Một làng cá đã hơn một trăm năm tuổi, nay thuộc xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Dân ở đây không chỉ có tài ra khơi vào lộng, đánh cá giỏi mà còn có nghề chế biến mắm ruốc nổi tiếng. Nhượng Bạn có nghĩa là “bờ đất nhường” bắt nguồn từ truyền thuyết về đời Trần: Hồi ấy vì làng bị lấn chiếm, bà cung nhân Hoàng Căn người làng này bày mẹo lập bia dựng mốc ở nơi địa giới cũ, ít lâu sau phát đơn kiện kêu quan và đã giành lại được phần đất bị lấn chiếm.

    Vào ngày 8/4 âm lịch hằng năm, ở đây có lễ hội cầu ngư, từ ngày rằm đến 30/6 lại có hội đua thuyền.

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn

    Lễ hội cầu ngư ở Nhượng Bạn

  30. Quáng gà
    (Mắt) nhìn không rõ vào ban đêm hay trong điều kiện thiếu ánh sáng, như lúc chiều tối.
  31. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  32. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  33. Có ý kiến cho rằng bài ca dao này nhằm đả kích chế độ sưu cao thế nặng của triều đình nhà Nguyễn và thực dân Pháp.
  34. Lá trầu và lá tiêu rất giống nhau nên người ta hay nhầm lẫn.
  35. Hát bội
    Một loại hình văn nghệ dân gian cổ truyền phổ biến trước đây. Đây là một loại hình mang nặng tính ước lệ. Các diễn viên hát bộ phân biệt từ mặt mũi, râu tóc, áo quần để rõ kẻ trung nịnh, người sang hèn, ai thô lậu, thanh tú, ai minh chánh, gian tà. Sắc đỏ được dùng dặm mặt để biểu hiện vai trung thần; màu xám là nịnh thần; màu đen là kẻ chân thật; màu lục là hồn ma... Dàn nhạc dùng trong hát bội gồm có những nhạc cụ như: trống chiến, đồng la, kèn, đờn cò và có khi ống sáo. Nội dung các vở hát bội thường là các điển tích Trung Hoa.

    Về tên gọi, "bộ" đây có nghĩa là diễn xuất của nghệ sĩ đều phải phân đúng từng bộ diễn, nên gọi là "hát bộ", "diễn bộ", "ra bộ.. Gọi là “hát bội” là vì trong nghệ thuật hóa trang, đào kép phải đeo, phải giắt (bội) những cờ phướng, lông công, lông trĩ… lên người. Còn "tuồng" là do chữ "Liên Trường" (kéo dài liên tiếp thành một vở tuồng tích có khởi đầu truyện, có hồi kết cuộc, phân biệt với các ca diễn từng bài ngắn, từng trích đoạn), do ngôn ngữ địa phương mà thành "luông tuồng," "luôn tuồng..."

    Một cảnh hát bội

    Một cảnh hát bội

    Xem vở hát bội Thần nữ dâng Ngũ Linh Kỳ.