Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nón cụ
    Loại nón quai thao dùng cho cô dâu đội ngày trước.
  2. Chùa Ông Bổn
    Tên của một số ngôi chùa do người Hoa ở Việt Nam lập ra để thờ Bổn đầu công Trịnh Hòa, nhà hàng hải và thám hiểm nổi tiếng của Trung Quốc. Ở Chợ Lớn, chùa này còn có tên là miếu (hoặc hội quán) Nhị Phủ. Ở Hội An, chùa còn có tên là hội quán Triều Châu.

    Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ) ở Chợ Lớn

    Chùa Ông Bổn (miếu Nhị Phủ) ở Chợ Lớn

  3. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  4. Cầu Lầu
    Tên một con rạch thuộc thành phố Vĩnh Long. Có nguồn cho rằng khi xưa con rạch có tên là kinh Huỳnh Tá, nhưng từ khi quan trấn thủ cho lập một cây cầu bắc qua con rạch, đồng thời cho lập một "vọng gác" ở trên cầu, thì con rạch được gọi là rạch Cầu Lầu. Trước đây rạch Cầu Lầu là một thủy lộ quan trọng để ra vào thành Vĩnh Long, nhưng nay đã bị cạn và hẹp dần, nên chỉ có các phương tiện tàu ghe vừa và nhỏ lưu thông được.

    Rạch Cầu Lầu

    Rạch Cầu Lầu

  5. Của mòn, con lớn
    Nuôi con phải tốn công tốn của.
  6. Đồn Vàng
    Tên một cái đồn do Pháp lập ra ở huyện lị Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú, nay là phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
  7. Bảo Vệ
    Một làng nay là hai thôn Bảo Vệ Thượng và Bảo Vệ Hạ, thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Làng Bảo Vệ và làng Hùng Nhĩ xưa là cái nôi của hát ghẹo Phú Thọ (xem chi tiết ở chú thích Hùng Nhĩ).
  8. Có bản chép: Chọc.
  9. Chó ăn vụng bột
    Chỉ những chứng cứ sờ sờ, rành rành.
  10. Ngoan
    Giỏi giang, lanh lợi (từ cổ).
  11. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  12. Hòn Sang
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hòn Sang, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Ang
    Dụng cụ để đong, đo thóc lúa, bằng gỗ, khối vuông, có nơi đan ang bằng nan tre. Dụng cụ đo gạo của người Việt rất đa dạng, tùy vùng, tùy thời và theo từng thể tích mà người ta dùng các dụng cụ khác nhau như cái giạ, cái vuông, cái yến, cái đấu, cái thưng, cái cảo, cái bơ, cái ô, cái lương, cái lon sữa bò... để đo gạo. Một ang bằng 22 lon gạo.
  14. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  15. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tám Dây.
  16. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  17. Chợ Đũi
    Còn bị đọc trệch thành chợ Đuổi, ra đời đầu thế kỷ 19 tại phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh ngày nay, bán các thứ hàng thô dệt bằng tơ gốc (đũi). Năm 2005, chợ này đã bị giải tỏa.

    Chợ Đũi ngày xưa qua tranh kí họa

    Chợ Đũi ngày xưa qua tranh kí họa

  18. Nan phân
    Khó phân giải, giãi bày.
  19. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  20. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  21. Hàm Ninh
    Tên một làng chài nằm trên bờ biển phía Ðông đảo Phú Quốc, nay là một xã thuộc huyện đảo này, đồng thời là một điểm đến du lịch có tiếng.

    Làng chài Hàm Ninh

    Làng chài Hàm Ninh

  22. Ke
    Từ dùng kèm với từ khác, hàm ý chê bai, coi thường, như xạo ke, dóc ke, nói lẽ ke... (phương ngữ Nam Bộ).
  23. Ăn nễ
    Ăn cơm không (không có đồ ăn).
  24. Ngồi dưng
    Ngồi không, không làm việc gì.