Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  2. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  3. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  4. Tày
    Bằng (từ cổ).
  5. Giành
    Còn gọi là trác, đồ đan bằng tre nứa hoặc mây, đáy phẳng, thành cao, thường dùng để chứa nông sản, gặp ở miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung Bộ.

    Cái giành

    Cái giành

  6. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Kẻ Dặm
    Tên chữ là Văn Tập, một làng nay thuộc xã Minh Châu, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nằm dưới chân lèn Hai Vai. Người dân nơi đây sống bằng nghề đục đá, nấu vôi.
  8. Đồng Lèn
    Tên cánh đồng dưới chân lèn Hai Vai, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  9. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  10. Tôn Ngộ Không
    Một trong số các nhân vật chính trong tiểu thuyết Tây Du Ký của nhà văn Trung Quốc Ngô Thừa Ân, rất quen thuộc trong văn hóa Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc. Tôn Ngộ Không vốn là một con khỉ nứt từ đá ra, học được 72 phép biến hóa, có phép Cân đẩu vân (bay lộn trên mây, nhún mình một cái bay được một vạn tám ngàn dặm), sử dụng vũ khí là gậy sắt (thiết bảng), tự xưng là Tề Thiên Đại Thánh. Sau Tôn Ngộ Không theo phò Đường Tam Tạng sang Tây Trúc thỉnh kinh, dọc đường có nhiều công trạng trong việc đánh yêu ma quỷ quái, bảo vệ Đường Tăng, đồng thời cũng gặp phải nhiều kiếp nạn.

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

    Tạo hình nhân vật Tôn Ngộ Không trên phim

  11. Huyền Trang
    Thường gọi là Đường Tam Tạng hoặc Đường Tăng, một cao tăng sống vào thời Đại Đường ở Trung Quốc (nên cũng gọi là Đường Huyền Trang). Ông tên tục Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y), sinh khoảng năm 602-604 tại Lạc Châu, huyện Câu Thị, tỉnh Hà Nam, quy y từ rất sớm. Ông là người đã sang Ấn Độ (thời ấy gọi là Tây Trúc) để học Phật pháp trong nguyên gốc tiếng Phạn và đem về phổ biến ở Trung Quốc. Chuyến đi Ấn Độ của ông được dân gian thần thoại hóa, và được Ngô Thừa Ân chép lại thành bộ tiểu thuyết Tây Du Ký, một trong những tác phẩm kinh điển của văn học Trung Hoa. Trong truyện, Đường Tăng được mô tả là một người hiền lành nhưng nhu nhược và u mê, thường bị yêu quái đón bắt để ăn thịt.

    Hình vẽ Đường Tăng

    Hình vẽ Đường Tăng

  12. La Sát
    Phiên âm từ tiếng Phạn Rakshasa (hay Raksha), chỉ một sinh vật thần thoại có hình dáng, tính cách của quỷ thần bất thiện trong đạo Hindu và đạo Phật. Ở nước ta, La Sát thường được dùng để chỉ của những nữ ác thần hay những phụ nữ có tính tình hung dữ. Hình tượng này đi vào dân gian bắt nguồn từ nhân vật Bà La Sát (Thiết Phiến Công chúa) trong tác phẩm Tây Du Ký.
  13. Đây là một cuộc hát đối đáp xứ Nghệ khi bên trai bị bắt bí, dọa đốt nhà bên gái (!) “Tư tờ vô bộ” có nghĩa là gửi đơn vào bộ Hình.
  14. Màu
    Hoa màu, những giống cây trồng làm lương thực (trừ lúa).
  15. Bóng xế cội tùng
    Hình ảnh ẩn dụ, chỉ việc cha mẹ qua đời.
  16. Mũ rơm
    Mũ làm bằng rơm, dùng để quấn đầu khi để tang cho cha mẹ. Ngày nay ít còn thấy tục lệ này.
  17. Áo thùng
    Áo rộng mặc ngoài áo trảm thôi (áo bằng vải xô, không viền gấu, không cài khuy, chỉ buộc dải, mặc khi để tang cha mẹ).
  18. Luông
    Cách may giấu đường chỉ một bên. Đối với luông là ép, cách may để lộ đường chỉ ra cả hai bên.
  19. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  20. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  21. Vạn Giã
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vạn Giã là vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hoà. Về du lịch, nơi đây có chùa Tổ đình Linh Sơn gần 300 tuổi, hằng năm có rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội. Vịnh Vân Phong và bãi biển Đại Lãnh cũng thuộc khu vực này.

    Biển Đại Lãnh

    Biển Đại Lãnh

  22. Yến sào
    Tổ chim yến, được hình thành bằng nước bọt của chim yến, tìm thấy trên các vách đá nơi chim ở. Yến sào có hình dạng như chén trà bổ đôi, là thực phẩm rất bổ dưỡng nên từ xưa đã được coi là một món cao lương mĩ vị. Ở nước ta, yến sào nổi tiếng nhất có lẽ là ở Khánh Hòa.

    Yến sào

    Yến sào

  23. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  24. Phong ba
    Gió (phong) và sóng (ba). Chỉ khó khăn thử thách.
  25. Cha mẹ còn sống thì không được đi chơi xa.
  26. Công phu
    Việc đánh chuông trống và tụng kinh cúng Phật trong chùa vào lúc sáng sớm hoặc chiều tối. Cũng chỉ khoảng thời gian trong ngày vào lúc công phu - vào khoảng bốn giờ sáng hoặc bốn giờ chiều.
  27. Cách mấy
    Chừng nào, cỡ nào đi nữa (phương ngữ Trung Bộ).
  28. Bung xung
    Vật để đỡ tên đạn khi ra trận ngày xưa; thường dùng để ví người bị lợi dụng hoặc chịu đỡ đòn thay cho người khác.
  29. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Đây là hai câu 2981 và 2982 trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Lúc này Kim Trọng và Vương Quan đi tìm tung tích Kiều. Hay tin Kiều đã tự vẫn ở sông Tiền Đường, hai người vô cùng đau đớn, bèn lập đàn tràng để giải oan bên bờ sông. Duyên may lúc ấy vãi Giác Duyên đi ngang qua, thấy bài vị, liền cho biết Kiều chưa chết mà hiện đang tá túc tại am của mình:

    Cơ duyên đâu bỗng lạ sao,
    Giác Duyên đâu bỗng tìm vào đến nơi.
    Trông lên linh vị chữ bài,
    Thất kinh mới hỏi: Những người đâu ta?
    Với nàng thân thích gần xa,
    Người còn sao bỗng làm ma khóc người?
    Nghe tin ngơ ngác rụng rời,
    Xúm quanh kể lể rộn lời hỏi tra:
    Này chồng, này mẹ, này cha,
    Này là em ruột, này là em dâu.
    Thật tin nghe đã bấy lâu,
    Pháp sư dạy thế sự đâu lạ thường!

  31. Thanh Chương
    Địa danh nay là một huyện miền núi phía Tây Nam của tỉnh Nghệ An, một trong chín huyện được UNESCO đưa vào Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An.
  32. Sông Giăng
    Tên một con sông thuộc địa bàn tỉnh Nghệ An. Sông bắt nguồn từ chân núi Pu-loong (núi Rồng) cao gần 1.300m, chảy qua các vùng đồi Hạnh Lâm, Cao Điền, La Mạc... trước khi nhập vào sông Lam. Thượng nguồn sông Giăng là nơi tộc người Đan Lai sinh sống như một “bộ lạc” biệt lập với thế giới bên ngoài. Sông Giăng có đặc sản là cá mát, cũng là đặc sản của cả tỉnh Nghệ An.

    Sông Giăng

    Sông Giăng

  33. La Mạc
    Một địa danh nay thuộc xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, có nghề trồng khoai từ lâu đời.
  34. Chợ Chùa
    Tên ngôi chợ trung tâm của 9 xã Cát Ngạn, thuộc địa bàn xóm Liên Chung, xã Phong Thịnh, huyện Thanh Chương, Nghệ An. Chợ có tên như vậy vì ở đây có chùa Linh Chung. Chợ họp một tháng 9 phiên, vào các ngày mùng 2, 12, 22, mùng 5, 15, 25 và mùng 8, 18, 28 âm lịch.
  35. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  36. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.