Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Me xừ
    Từ tiếng Pháp monsieur, nghĩa là "quý ông."
  2. Phường
    Nhóm người, bọn (thường dùng với nghĩa thiếu tôn trọng).

    Con này chẳng phải thiện nhân
    Chẳng phường trốn chúa, thì quân lộn chồng

    (Truyện Kiều)

  3. Theo Địa chí Vĩnh Phúc (Nhà xuất bản Khoa học xã hội, 2012): Chợ Giang xưa là chợ trâu, phiên chính vào ngày rằm hàng tháng, đông nhất vào rằm tháng tám.
  4. Xấu chàng, hổ ai
    Chàng xấu thì ai hổ thẹn. Ý nói người chồng (chàng) mang tiếng xấu thì người vợ cũng xấu lây.
  5. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  6. Câu này và câu thứ tư có bản chép "dù tay" thay vì "cổ tay."
  7. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  8. Chùa Sỏi
    Tên Nôm của chùa Sùng Nghiêm (Sùng Nghiêm Linh Tự), sau đổi tên thành chùa Vân Lỗi, nay là chùa Vân Hoàn. Chùa được dựng vào thời nhà Lý, tọa lạc tại làng Thạch Giản, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá.

    Chùa Sùng Nghiêm

    Chùa Sùng Nghiêm

  9. Bạch Câu
    Tên nôm là kẻ Sung, một làng biển chuyên nghề cá nay thuộc địa phận xã Nga Bạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
  10. Thạch Tuyền
    Tên một làng nay thuộc địa phận xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Từ triều Lý đến triều Nguyễn, làng có nhiều người thi cử đỗ đạt.

    Tam quan chùa Thạch Tuyền

    Tam quan chùa Thạch Tuyền

  11. Anh trưa chợ gặp ả lỡ đò
    Duyên phận của những kẻ lỡ làng.
  12. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  13. Chùa Láng
    Tên chữ là Chiêu Thiền tự, một ngôi chùa ở làng Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Chùa tương truyền được xây dựng từ thời vua Lý Anh Tông (trị vì từ 1138 đến 1175). Hàng năm chùa tổ chức lễ hội vào ngày 7 tháng 3 âm lịch, gọi là hội Láng.

    Cổng chùa Láng

    Cổng chùa Láng

  14. Chùa Thầy
    Một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây cũ (nay là xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội). Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm.

    Phong cảnh chùa Thầy

    Phong cảnh chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

    Lễ rước hội chùa Thầy

  15. Líp
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng thấp hơn vồng, có bề mặt rộng, phẳng.
  16. Vồng
    Phần đất được dùng cuốc vun lên cao hơn mặt đất để trồng rau, củ, tương tự nhưng cao hơn líp.
  17. Rọt
    Ruột (phương ngữ Trung Bộ).
  18. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  19. Quánh
    Đánh (phương ngữ Trung và Nam Bộ, cũng như quýnh).
  20. Nạng cửa
    Cây gỗ nhỏ có chạc để chống đỡ cửa từ phía trong nhà. Đây là loại nhà cũ ở quê, có cửa đóng mở lên xuống thường làm bằng tre, gọi là cửa chống.
  21. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Nén
    Đơn vị đo khối lượng trước đây, tương đương 378 gram. Một nén bằng mười lạng, một lạng bằng 10 đồng.
  23. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.