Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Cà cuống
    Loài bọ cánh nửa, sống ở nước, phần ngực con đực có hai túi chứa tinh dầu mùi thơm, vị cay, dùng làm gia vị.

    Con cà cuống

    Con cà cuống

  3. Nhà rường
    Một loại kiến trúc cổ, ra đời vào khoảng thế kỷ 17 dưới triều đại phong kiến. Gọi là nhà rường bởi vì nhà có nhiều rường cột, rường kèo, rui mè. Cũng có tên là nhà xuyên (xiên) trính hoặc nhà đâm trính (trính là những thanh gỗ trong kết cấu mái nhà).

    Nhà rường

    Nhà rường

  4. Tranh mây
    Tấm lợp nhà làm bằng dây mây. Dây mây là một loại cây giống tre, thân nhỏ, đặc ruột, rất dẻo, nhân dân ta thường dùng để đan lát hoặc làm đồ mĩ nghệ.

    Dây mây

    Dây mây

    Rổ đan bằng mây

    Rổ đan bằng mây

  5. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  6. Đèo
    Nhỏ, èo uột (phương ngữ Trung và Nam Bộ).

    Khổ qua đèo

    Khổ qua đèo

  7. Cú mèo
    Một loài cú có mắt giống mắt mèo nên có tên vậy. Loài này cũng có tên là cú lợn vì có tiếng kêu giống tiếng lợn. Theo tín ngưỡng dân gian, cú mèo mang lại điềm xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  8. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  9. Bóng đi trên trời: Rươi thường xuất hiện vào những ngày trời âm u, nhiều mây, gọi là mây bóng rươi.
  10. Ô thước
    Con quạ (ô) và con chim khách (thước). Trong một số ngữ cảnh, từ này được dùng để gọi chung một loài chim.
  11. Ở đây có lẽ có sự nhầm lẫn giữa chữ ô (con quạ) với ô (màu đen).
  12. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  13. Nhãn lồng
    Một loại nhãn đặc sản của Hưng Yên, ngon nổi tiếng, thuở xưa thường để tiến vua.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  14. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  15. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  16. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  17. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  18. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  19. Có bản chép: rau diếp.
  20. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  21. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  22. Tầm vông
    Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

    Bụi tầm vông

    Bụi tầm vông

  23. Nằm đất nhà cô hàng hương còn hơn nằm giường cô hàng cá
    Nhà làm hương (nhang) thì lúc nào cũng thơm tho, không tanh tao như hàng cá.
  24. Ba khía
    Một loại cua nhỏ đặc trưng những vùng nước mặn hoặc nước lợ Nam Bộ, càng to, càng và ngoe có màu đỏ tím, mai màu nâu bùn có ba vạch khía rất rõ. Ba khía sống trải dài từ Cần Thơ đến Sóc Trăng, Cà Mau, và nhiều nhất ở U Minh. Trước đây, vào khoảng tháng 10 âm lịch hàng năm là mùa kết cặp giao phối của ba khía, lúc đó người dân miền Tây Nam Bộ thường rủ nhau đốt đuốc đi bắt ba khía ban đêm. Ngày nay, do môi trường sống thay đổi, số lượng ba khía không còn dồi dào như trước nữa. Ba khía có thể chế biến thành các món rang me, rang mỡ hành, luộc, nấu chao... Mắm ba khía chế biến từ ba khía ngâm với muối hột là món ăn bình dân khoái khẩu của nhiều người. Nhà văn, nhà nghiên cứu Sơn Nam từng gọi ba khía là "con cua của người nghèo" và đã viết một truyện ngắn mang tên Ngày hội ba khía.

    Con ba khía

    Con ba khía

  25. Ốc len
    Một loại ốc to khoảng ngón tay trỏ hoặc ngón tay cái, màu nâu đậm xen lẫn vân trắng, vỏ cứng với nhiều đường gân nhỏ xoay quanh. Ốc len thường được chế biến thành các món đặc sản như ốc len hầm nước dừa hoặc ốc len xào dừa.

    Ốc len xào dừa

    Ốc len xào dừa

  26. Rạch Gốc
    Địa danh nay là thị trấn của huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Tại đây có nhiều món đặc sản của vùng sông nước Tây Nam Bộ như ba khía, cá khô, và đặc biệt là thương hiệu tôm khô Rạch Gốc.

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

    Sấy tôm khô ở Rạch Gốc

  27. Gò Cát
    Một địa danh nay là xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tại đây có gạo Gò Cát nổi tiếng thơm, dẻo, là nguyên liệu làm nên đặc sản hủ tiếu Mỹ Tho.

    Hủ tiếu Mỹ Tho

    Hủ tiếu Mỹ Tho

  28. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  29. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  30. Tô mộc
    Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.

    Cây vang

    Cây vang

    Gỗ vang

    Gỗ vang