Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nhơn đạo
    Nhân đạo (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  2. Sân si
    Sân: nóng giận, thù hận; Si: si mê, ngu tối. Theo quan niệm Phật giáo, tham, sân, si là tam độc, những nguyên nhân gây nên nỗi khổ của con người.
  3. Thần vì
    Cũng gọi là thần vị, thần chủ, chỉ bài vị của người chết.
  4. Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về , hãy đóng góp cho chúng tôi.
  5. Xị
    Đơn vị đo thể tích (thường là rượu) của người bình dân, cỡ 1/4 lít.
  6. Băng ca
    Cáng y tế dành khiêng người bị thương hoặc đau ốm, lấy từ từ brancard trong tiếng Pháp.
  7. Bợ
    Nâng, bê, hoặc ôm cái gì đó lớn và nặng.
  8. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Quảng Bá
    Tên cũ là Quảng Bố, một làng cổ nằm ven đê sông Hồng và bên bờ Hồ Tây, nay thuộc phường Quảng An, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội. Quảng Bá nổi tiếng từ xưa với nghề trồng rau, trồng đào và các loại hoa Tết. Tuy nhiên, hiện nay diện tích trồng các loại hoa đã bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa.
  10. Hồ Tây
    Còn có các tên gọi khác như đầm Xác Cáo, hồ Kim Ngưu, Lãng Bạc, Dâm Đàm, Đoài Hồ, là hồ nước tự nhiên lớn nhất ở nội thành Hà Nội, có diện tích hơn 500 ha với chu vi là 18 km. Hồ là một đoạn của sông Hồng ngày trước. Từ xa xưa, hồ Tây đã là một thắng cảnh nổi tiếng, nhiều lần được đưa vào văn chương nghệ thuật.

    Hồ Tây buổi chiều

    Hồ Tây buổi chiều

  11. Hàng Đào
    Một con phố của Hà Nội xưa, nay thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, phía nam là quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục sát bờ hồ Hoàn Kiếm, đầu phía bắc giáp phố Hàng Ngang. Ở đây còn di tích của trường Đông Kinh Nghĩa Thục (nhà số 10). Tên phố có nguồn gốc từ mặt hàng vải nhuộm đỏ được bán nhiều ở phố.

    Phố Hàng Đào thời Pháp thuộc

    Phố Hàng Đào thời Pháp thuộc

  12. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  13. Huỡn
    Thủng thỉnh, chậm chạp (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Tùng bá
    Cây tùng (tòng) và cây bách (bá), trong văn chương thường được dùng để tượng trưng cho những người có ý chí vững mạnh, kiên cường, thẳng thắn.
  15. Lang
    Chàng (từ Hán Việt), tiếng con gái gọi con trai. Văn chương cổ thường dùng "tình lang," "bạn lang" để chỉ người tình.
  16. Thanh cậy thế, Nghệ cậy thần
    Nguyên họ Trịnh khi giúp nhà Lê trung hưng lấy lại ngôi từ họ Mạc, đất kinh kì chỉ dùng lính ở ba phủ Thiệu Thiên, Tỉnh Gia và Hà Trung (thuộc hai tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) gọi là lính Tam Phủ hay Ưu Binh để làm quân túc vệ. Quân này cậy mình có công sinh kiêu căng, coi thường luật lệ, gây ra nạn kiêu binh khiến triều chính điêu đứng, góp phần làm nên sự sụp đổ của Bắc triều Lê-Trịnh.
  17. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  18. Thanh tân
    Tươi trẻ, trong sáng (thường dùng để nói về người phụ nữ).
  19. Cỏ may
    Một loại cỏ thân cao, có nhiều hoa nhỏ thành chùm màu tím sậm, hay gãy và mắc vào quần áo (có lẽ vì vậy mà thành tên cỏ may). Cỏ may xuất hiện rất nhiều trong văn thơ nhạc họa.

    Hồn anh như hoa cỏ may
    Một chiều cả gió bám đầy áo em

    (Hoa cỏ may - Nguyễn Bính)

    Cỏ may

    Cỏ may

  20. Cù lao Bảo
    Một trong ba cù lao lớn hình thành nên tỉnh Bến Tre (gồm cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa). Hiện nay cù lao này gồm một phần huyện Châu Thành, huyện Giồng Trôm, huyện Ba Tri và thành phố Bến Tre. Ranh giới tự nhiên của cù lao Bảo và cù lao An Hóa là sông Ba Lai. Cù lao Bảo ngăn cách với cù lao Minh bởi con sông Hàm Luông dài ra tới biển Đông.
  21. Cù lao Minh
    Một trong ba cù lao lớn hình thành nên tỉnh Bến Tre (gồm cù lao Minh, cù lao Bảo và cù lao An Hóa). Cù lao Minh được bao bọc bởi các nhánh của sông Tiền là sông Hàm Luông và sông Cổ Chiên, bao gồm địa giới hành chính của các huyện Chợ Lách, huyện Mỏ Cày Nam, huyện Mỏ Cày Bắc, huyện Thạnh Phú và một phần của huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.
  22. Bình Khánh
    Địa danh trước đây thuộc huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.
  23. Chợ Cũ
    Nằm ở đường Hàm Nghi, quận 1 thành phố Hồ Chí Minh, là tiền thân của chợ Bến Thành ngày nay. Người Sài Gòn xưa thường gọi chợ Bến Thành là chợ Mới để phân biệt với chợ Cũ, vốn trước đó có cùng tên.

    Chợ Cũ, đường Hàm Nghi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

    Chợ Cũ, đường Hàm Nghi, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh

  24. Sài Gòn
    Nay là thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất, đồng thời cũng là trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục quan trọng của nước ta. Vùng đất này ban đầu được gọi là Prey Nokor, thành phố sau đó hình thành nhờ công cuộc khai phá miền Nam của nhà Nguyễn. Năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh cho lập phủ Gia Định, đánh dấu sự ra đời thành phố. Khi người Pháp vào Đông Dương, để phục vụ công cuộc khai thác thuộc địa, thành phố Sài Gòn được thành lập và nhanh chóng phát triển, trở thành một trong hai đô thị quan trọng nhất Việt Nam, được mệnh danh Hòn ngọc Viễn Đông hay Paris Phương Đông. Năm 1954, Sài Gòn trở thành thủ đô của Việt Nam Cộng hòa và thành phố hoa lệ này trở thành một trong những đô thị quan trọng của vùng Đông Nam Á. Sau 1975, Sài Gòn được đổi tên thành "Thành phố Hồ Chí Minh," nhưng người dân vẫn quen gọi là Sài Gòn.

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Chợ Bến Thành, một trong những biểu tượng của Sài Gòn

    Sài Gòn về đêm

    Sài Gòn về đêm

  25. Bắc Thành
    Địa danh chỉ một đơn vị hành chính cấp cao đầu triều Nguyễn, quản lý 11 trấn (tương đương cấp tỉnh ngày nay) ở phía bắc Việt Nam. Đơn vị này được vua Gia Long đặt ra từ năm 1802, được sử dụng cho đến năm 1831, dưới triều vua Minh Mạng thì bị bãi bỏ. Bắc Thành được chia làm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn, tính từ khu vực Ninh Bình trở lên phía bắc. Nội trấn là các trấn đồng bằng và trong nội địa, bao gồm: Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ, Sơn Tây, Kinh Bắc, Hải Dương. Ngoại trấn bao gồm các trấn miền núi và giáp với Trung Quốc: Tuyên Quang, Hưng Hóa, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Quảng Yên.
  26. Chơn
    Chân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Dâm bụt
    Phương ngữ Nam bộ gọi là bông bụp, bông lồng đèn, có nơi gọi là râm bụt, là một loại cây bụi thường được trồng ở bờ rào trên khắp các làng quê. Hoa dâm bụt lớn, màu đỏ sậm, nhưng không có mùi hương.

    Hoa dâm bụt

    Hoa dâm bụt

  28. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  29. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  30. Nguyệt hoa
    Cũng viết là hoa nguyệt (trăng hoa), chỉ chuyện trai gái yêu đương. Từ này có gốc từ nguyệt hạ hoa tiền (dưới trăng, trước hoa, những cảnh nên thơ mà trai gái hẹn hò để tình tự với nhau), nay thường dùng với nghĩa chê bai.

    Cởi tình ra đếm, ra đong
    Đâu lời chân thật, đâu vòng trăng hoa?

    (Tơ xuân - Huy Trụ)

  31. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  32. Thê
    Vợ (từ Hán Việt).
  33. Lau
    Loại cây họ sậy, thân ống xốp, mọc nhiều ở các vùng đồi núi. Lau có lau có màu xám bạc, mọc nhiều thành thảm rất đặc trưng, nên cũng thường gọi là cây bông lau. Hoa lau có thể được thu hoạch để làm gối, đệm.

    Lau

    Lau

  34. Mãn
    Trọn, đầy đủ, hết (từ Hán Việt).
  35. Ngân Sơn
    Một địa danh nay thuộc thôn Ngân Sơn, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngày trước đây là phường lụa Ngân Sơn, có cách đây hơn 300 năm. Phường lụa có ba sản phẩm là gấm, lụa và lãnh. Cả ba sản phẩm đều dệt từ tơ tằm, chỉ khác nhau ở cách dệt và cách nhuộm. Lụa thường không nhuộm, có màu trắng như vỏ trứng gà dùng để may áo; lãnh được nhuộm đen để may quần. Gấm lụa của phường lụa Ngân Sơn rất đắt, chỉ có nhà khá giả mới mua nổi mà mặc, đồng thời từng là sản phẩm cống vua, dùng để may trang phục cho vua Bảo Đại và hoàng hậu.
  36. Mằng Lăng
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã An Thạch, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây có nhà thờ Mằng Lăng, một trong những nhà thờ cổ nhất Việt Nam.

    Nhà thờ Mằng Lăng

    Nhà thờ Mằng Lăng

  37. Tam Giang
    Tên một con sông ngắn (chỉ độ 10km) chảy từ Hòn Kề ra biển ở Vũng Chào thuộc vịnh Xuân Đài, tỉnh Phú Yên.
  38. Xắc cốt
    Cái túi đeo, đọc theo từ "Sacoche" tiếng Pháp, thường làm bằng da, có khóa bấm. Cán bộ miền Bắc trước đây thường mang loại túi này.

    Xắc cốt

    Xắc cốt

  39. Thuế vụ
    Trong câu này chỉ những nhân viên thu thuế thời bao cấp, họ có chức năng lùng bắt những ai mua bán hàng hóa ngoài hệ thống phân phối của nhà nước.