Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  2. Toóc
    Rạ (phương ngữ miền Trung).
  3. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  4. Mẫu
    Đơn vị đo diện tích ruộng đất, bằng 10 sào tức 3.600 mét vuông (mẫu Bắc Bộ) hay 4.970 mét vuông (mẫu Trung Bộ).
  5. Để tang.
  6. Xà gồ
    Cũn gọi là đòn tay, thanh cứng (ngày xưa thường làm bằng gỗ hoặc tre) được đặt nằm ngang để đỡ các bộ phận bên trên của một công trình xây dựng (nhà cửa, đền chùa...).

    Xà gồ chạm hoa văn

    Xà gồ chạm hoa văn

  7. Lương Phú
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.
  8. Cá diễn
    Còn gọi là cá viễn, một loại cá biển có thân mình dẹp, da dày, thịt ăn ngon.

    Cá diễn

    Cá diễn

  9. Hòn Gió
    Tên một ngọn núi ở đầu nguồn sông Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên.
  10. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  11. Đụn
    Kho thóc.
  12. Quản
    E ngại (từ cổ).
  13. Thiên tải nhất thì
    Nghìn năm mới có một lần (chữ Hán).
  14. An Bình
    Tên một cù lao giữa sông Tiền, đối diện với thị xã Vĩnh Long, gồm bốn xã: An Bình, Bình Hòa Phước, Hòa Ninh và Ðồng Phú, đều thuộc huyện Long Hồ. Cù lao rộng khoảng 60km2, đất đai màu mỡ và trù phú, nước ngọt quanh năm, dân cư trồng nhiều cây ăn trái như: chôm chôm, xoài, nhãn, sầu riêng...

    Đường trên cù lao An Bình

    Đường trên cù lao An Bình

  15. Duy Tiên
    Đại danh nay là một huyện phía bắc tỉnh Hà Nam. Đây là vùng đồng chua nước mặn, khó trồng trọt.
  16. Đồng bãi mai rùa
    Cánh đồng cánh bãi có hình thể ở giữa lồi lên giống mai con rùa.
  17. Có bản chép: Thờ cha, kính mẹ mới là đạo con.
  18. Hoàng Hoa Thám
    Còn gọi là Đề Thám, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống Pháp (1885–1913), được nhân dân suy tôn là "Hùm thiêng Yên Thế." Ông sinh năm 1858 tại Tiên Lữ, Hưng Yên, tham gia chống Pháp khi mới 15 tuổi.Từ năm 1897, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Đến năm 1913, do lực lượng giảm sút, nhiều người bỏ trốn, Đề Thám phải nhờ đến Lương Tam Kỳ hỗ trợ. Tuy nhiên, ngày 10-2-1913, ông bị hai tên thủ hạ Lương Tam Kỳ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

    Đề Thám (hình trong bộ sưu tập của ông Guy Lacombe)

  19. Đươn
    Đan (phương ngữ Nam Bộ)
  20. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  21. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  22. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  23. Hom
    Đoạn thân cây dùng để giâm thành cây mới.
  24. Lục Vân Tiên
    Tên nhân vật chính, đồng thời là tên tác phẩm truyện thơ Nôm nổi tiếng của Nguyễn Đình Chiểu (1822-1888), được sáng tác theo thể lục bát vào đầu những năm 50 của thế kỷ 19, đề cao đạo lý làm người. Lục Vân Tiên là một chàng trai khôi ngô tuấn tú, tài kiêm văn võ, cùng với Kiều Nguyệt Nga, một người con gái chung thủy, đức hạnh trải qua nhiều sóng gió nhưng cuối cùng cũng đạt được hạnh phúc.

    Đối với người dân Nam Bộ, truyện Lục Vân Tiên có sức ảnh hưởng rất lớn, được xem là hơn cả Truyện Kiều của Nguyễn Du.

  25. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  26. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  27. Hang Thương Tòng
    Cái hang trong núi Thương Tòng, được nhắc đến trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Vốn Vân Tiên trước kia đã đính ước với Võ Thể Loan, con gái của Võ Công. Khi Vân Tiên bị mù, tìm đến nhà Võ Công thì Võ Công bội ước, lừa dắt Vân Tiên vào hang Thương Tòng rồi bỏ mặc chàng ở đó.

    Công rằng : "Muốn trọn việc mình,
    "Phải toan một chước dứt tình mới xong.
    "Nghe rằng : "Trong núi Thương tòng.
    "Có hang thăm thẳm bịt bùng khôn ra.
    [...]
    Võ công ra trước dỗ chàng:
    "Xuống thuyền rồi sẽ đưa sang Đông thành."
    Ra đi đương lúc tam canh,
    Dắt vào hang tối bỏ đành Vân Tiên.

  28. Biển Hồ
    Tên nhân dân ta thường dùng để gọi hồ Tonlé Sap, một hồ nước ngọt rộng lớn thuộc Campuchia. Từ thời Pháp thuộc, nhiều người dân Việt Nam đã đến đây lập nghiệp và sinh sống, tạo thành cộng đồng người Việt khá đông đúc cho đến bây giờ.

    Biển Hồ

    Biển Hồ

  29. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).
  30. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  31. Phú ông
    Người đàn ông giàu có ở nông thôn ngày xưa.
  32. Phạt vạ
    Hình phạt ở làng, xã nước ta thời phong kiến, thường là bằng tiền.
  33. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  34. Châu Đốc
    Địa danh nay là thị xã của tỉnh An Giang, nằm sát biên giới Việt Nam - Campuchia và cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 250 km về phía Tây. Châu Đốc nổi tiếng vì có nhiều món ăn ngon và nhiều di tích lịch sử. Dưới thời Pháp thuộc, Châu Đốc là điểm khởi đầu thủy trình đến Nam Vang.

    Theo học giả Vương Hồng Sển, địa danh Châu Đốc có nguồn gốc từ tiếng Khmer moat-chrut, nghĩa là "miệng heo."

    Đêm Châu Đốc

    Đêm Châu Đốc

  35. Vàm Nao
    Tên một con sông tại tỉnh An Giang, nối sông Tiền với sông Hậu. Theo học giả Vương Hồng Sển, sông này "đứng làm ranh giới giữa Long Xuyên và Châu Đốc, chảy dọc theo làng Hòa Hảo... Vì nước chảy như cắt, sóng to, xoáy tròn khu ốc, nên gọi là Hồi Oa, nôm gọi là Vàm Nao, do tiếng Cơ Me (Khmer) là 'pãm pênk nàv'."
  36. Cá đao
    Loại cá biển rất dữ tợn thuộc họ cá đuối, trên mõm có một mũi sụn kéo dài, hai bên có nhiều răng nhọn, nhìn như thanh đao.

    Cá đao

    Cá đao

  37. Sông Vàm Nao trước đây từng mệnh danh là ổ cá mập, cá đao. Có người nói do Vàm Nao có lòng chảo sâu ăn thông với biển nên lâu lâu có cá mập, cá đao bơi lạc vào. Theo sách Tân Châu xưa (tác giả Huỳnh Minh và Nguyễn Văn Kiềm), năm 1819, Thoại Ngọc Hầu cho đào kinh Vĩnh Tế, dân phu ngán rừng thiêng nước độc đã bỏ trốn, chạy tới Vàm Nao, gặp sông nên đốn cây chuối ôm bơi qua, nhưng tới giữa dòng thì bị nước xoáy cuốn chìm, cá mập lao tới xâu xé, ăn thịt.
  38. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  39. Ba Thắc
    Tên của một địa danh ở miền Nam, xuất phát từ chữ Bassac trong tiếng Khmer. Hiện có ba cách giải thích về địa danh này:

    1. Vùng đất ngày xưa thuộc địa phận của Campuchia, người Khmer gọi là Srok Bassac. Vùng đất này kéo dài từ Châu Đốc xuống Cà Mau hiện nay.
    2. Tên gọi khác của sông Hậu (người Khmer gọi là Tonlé Bassac).
    3. Tên gọi một trong ba cửa biển của sông Hậu, bao gồm Tranh Đề, Định An và Ba Thắc. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.