Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Hồng Đô
    Gọi tắt là làng Hồng, một làng thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Làng có nghề truyền thống đã tồn tại hàng trăm năm là trồng dâu nuôi tằm và dệt nhiễu.

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

    Phơi tơ ở làng Hồng Đô

  2. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  3. Vạc
    Một làng nay thuộc xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa.
  4. Đồng bệnh tương lân
    Cùng chung cảnh ngộ nên dễ thông cảm, đồng tình với nhau.
  5. Hun
    Hôn (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  6. Vô hồi
    Không ngừng, không hết, một cách nói của người Nam Bộ (cực vô hồi, mừng rỡ vô hồi...).
  7. Lon tộn
    Lon có đáy vổng lên (tộn lên) hoặc lõm xuống (tộn xuống).
  8. Hẻo rằn
    Một giống gạo đỏ trước đây được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung, nhất là Thừa Thiên-Huế. Đây là giống gạo ngon, thường được xay xát vừa phải để còn lớp cám mỏng dính quanh hạt, và được dùng để nấu các món ăn đặc sản như cháo gạo đỏ cá bống thệ, bánh tráng gạo đỏ nước hến...

    Cháo gạo đỏ cá bống thệ

    Cháo gạo đỏ cá bống thệ

  9. Ốt dột
    Xấu hổ (phương ngữ Bắc Trung Bộ). Từ này đôi khi được viết là oốc doộc.
  10. Mạ
    Mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Đâm
    Giã, như đâm bèo, đâm tiêu... (phương ngữ).
  12. Vưng
    Vừng, mè (phương ngữ Nghệ Tĩnh). Xem thêm chú thích Vừng.
  13. Tiền Giang
    Một tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long, cách thành phố Hồ Chí Minh 70 km về hướng Nam và thành phố Cần Thơ 90 km về hướng Bắc. Tiền Giang nằm trải dọc bờ Bắc, sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính cho toàn tỉnh.

    Trước khi bị người Việt xâm lược vào thế kỷ 17, đất Tiền Giang thuộc về Chân Lạp (nhà nước đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương, gồm Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại.)

  14. Bài ca dao này tương tự một bài thơ tương truyền của vua Thành Thái (cũng trở thành ca dao).
  15. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  16. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  17. Ếch tháng ba, gà tháng bảy
    Tháng ba và tháng bảy là hai thời kì giáp hạt trong năm, gà và ếch đều thiếu ăn, gầy gò, nên thịt không ngon.
  18. Võng Thị
    Còn gọi là làng Võng, xưa ở huyện Quảng Đức, thuộc kinh thành Thăng Long, nay thuộc địa phận phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.
  19. Thụy Khuê
    Làng cổ bên bờ hồ Tây, nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Làng xưa có tên là Thụy Chương, năm 1847 vì húy kị với thụy hiệu vua Thiệu Trị (Chương hoàng đế) nên phải đổi thành Thụy Khuê. Làng có nghề truyền thống làm rượu ướp hương sen nổi tiếng một thời.

    Lò rượu sen Thụy Chương

    Lò rượu sen

  20. Chó ăn đá, gà ăn sỏi
    Chỉ nơi đất đai khô cằn, điều kiện khắc nghiệt.