Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Vân Chàng
    Một làng nay thuộc thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Làng có nghề rèn truyền thống từ thời nhà Lý (có tài liệu nói là nhà Trần).

    Lửa rèn Vân Chàng

    Lửa rèn Vân Chàng

  2. Làng Sen
    Một làng nay thuộc Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định.
  3. Go
    Một bộ phận của khung cửi, gồm nhiều dây bắt chéo nhau từng đôi một, dùng để luồn và đưa sợi dọc lên xuống trong khi dệt.

    Xâu sợi qua go

    Xâu sợi qua go

  4. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Chàng làng
    Loại chim nhỏ, khá hung dữ, mỏ hình móc câu, khỏe, thường đậu chỗ trống hoặc trên cao. Chim ăn côn trùng, sinh vật nhỏ hoặc chim nhỏ, non, thậm chí ếch nhái, chuột nhỏ. Chúng có tiếng hót khá đa dạng, có thể nhại được tiếng các loài chim khác nên còn gọi là bách thanh điểu.

    Chàng làng vằn

    Chàng làng vằn

  6. Nỏ mần chi
    Chẳng làm gì (phương ngữ Trung Bộ).
  7. Cu cu
    Chim bồ câu (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Chàng làng
    Còn được gọi là chim bách thanh, thằn lằn chó, hoặc chim quích. Gồm 12 loài khác nhau, có chiều dài thường từ 19cm đến 25cm. Mỏ hình móc câu, khỏe. Thức ăn là côn trùng, có khi ăn cả chim nhỏ, ếch nhái, chuột nhỏ. Chàng làng có tập tính treo thức ăn lên cành cây hoặc bụi cây có gai. Có người cho rằng chúng làm vậy nhằm để dành thức ăn. Lại có người cho rằng, qua quan sát tỉ mỉ, họ nhận thấy chúng làm vậy chẳng qua theo thói quen, không phải để dành dụm, vì sau đó chúng không động đến những thức ăn đã treo nơi đó. Chàng làng có tiếng hót khá đa dạng, chúng có thể học và nhại lại tiếng hót của một số loài chim khác.

    Chim chàng làng

    Chim chàng làng

  9. Lác chác
    Om sòm, ồn ào (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  10. Trim trỉm
    Im lặng, tầm ngầm (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  11. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  12. Có bản chép: lời.
  13. Có giả thuyết rằng bài ca dao này nói về câu chuyện của bà Phi Yến (tên thật là Lê Thị Răm), thứ phi của Nguyễn Ánh (sau này là vua Gia Long), và hoàng tử Cải con bà. Tương truyền khi Nguyễn Ánh muốn gửi con cả là hoàng tử Cảnh sang Pháp để cầu viện chống lại quân Tây Sơn, bà Phi Yến đã can ngăn chồng đừng làm việc "cõng rắn cắn gà nhà." Tức giận, Nguyễn Ánh đày bà ra một hòn đảo nhỏ ở Côn Lôn. Khi quân Tây Sơn tấn công, Nguyễn Ánh cùng cung quyến và đám người tùy tùng xuống thuyền chạy ra đảo Phú Quốc. Hoàng tử Cải lúc bấy giờ mới 4 tuổi (có bản chép là 5) không thấy mẹ đâu, khóc lóc đòi mẹ. Nguyễn Ánh tức giận, ném con xuống biển. Xác hoàng tử Cải dạt vào bãi san hô và được người dân vớt lên chôn cất. Hay tin con mất, bà Phi Yến khóc lóc rất thảm thiết. Dân làng thương xót, đặt ra câu hát này.

    Hiện nay ở Côn Đảo vẫn còn miếu Bà thờ bà Phi Yến, và miếu Cậu thờ hoàng tử Cải.

    Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo

    Miếu Bà Phi Yến ở Côn Đảo

  14. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  15. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  16. Pháo
    Một loại đồ chơi dân gian, gồm thuốc nổ (thuốc pháo) bỏ trong vỏ giấy dày hay tre quấn chặt để khi đốt nổ thành tiếng to trong các lễ hội như ngày Tết, đám cưới... Người xưa tin rằng tiếng nổ của pháo có thể xua ma quỷ. Ở một số vùng quê ngày trước cũng tổ chức hội pháo, như hội pháo Bình Đà (Thanh Oai, Hà Tây), hội pháo Đồng Kỵ (Từ Sơn, Bắc Ninh). Trước đây, ngày Tết gắn liền với:

    Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ
    Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh

    Năm 1994, chính phủ Việt Nam ra chỉ thị cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra do pháo, tuy nhiên nhắc đến Tết người dân vẫn nhớ đến tràng pháo. Những năm gần đây trên thị trường còn xuất hiện loại pháo điện tử, phát ra tiếng kêu như pháo nổ.

    Pháo

    Pháo

  17. Nậu
    Nghĩa gốc là một nhóm nhỏ cùng làm một nghề (nên có từ "đầu nậu" nghĩa là người đứng đầu). 

Ví dụ: “Nậu nguồn” chỉ nhóm người khai thác rừng, “Nậu nại” chỉ nhóm người làm muối, “Nậu rổi” chỉ nhóm người bán cá, “Nậu rớ” chỉ nhóm người đánh cá bằng rớ vùng nước lợ, “Nậu cấy” chỉ nhóm người đi cấy mướn, “Nậu vựa” chỉ nhóm người làm mắm... Từ chữ “Nậu” ban đầu, phương ngữ Phú Yên-Bình Định tỉnh lược đại từ danh xưng ngôi thứ ba (cả số ít và số nhiều) bằng cách thay từ gốc thanh hỏi. Ví dụ: Ông ấy, bà ấy được thay bằng: “ổng,” “bả.” Anh ấy, chị ấy được thay bằng: “ảnh,” “chỉ.” 

Và thế là “Nậu” được thay bằng “Nẩu” hoặc "Nẫu" do đặc điểm không phân biệt dấu hỏi/ngã khi phát âm của người miền Trung. 

Người dân ở những vùng này cũng gọi quê mình là "Xứ Nẫu."
  18. Bà gia
    Mẹ chồng hoặc mẹ vợ (cách gọi của một số địa phương miền Trung).
  19. Ngầy
    Phiền nhiễu, bực mình.
  20. Sa Nam
    Thị trấn cũ, nay là thị trấn Nam Đàn thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Tại đây vào năm 722, Mai Thúc Loan đã cho xây thành Vạn An trên núi Đụn (tên chữ là Vệ Sơn) làm đại bản doanh, đánh tan quân nhà Đường ở châu Hoan rồi tiến quân ra Bắc chiếm thành Tống Bình, giải phóng đất nước. Hiện nay trên núi Đụn vẫn còn đền thờ ông.

    Đền thờ Mai Hắc Đế

    Đền thờ Mai Hắc Đế

  21. Mai Hắc Đế
    Sinh vào cuối thế kỷ 7 ở Mai Phụ, Nam Đàn, Nghệ An, mất vào năm 722. Đa số các tài liệu ghi rằng tên thật của ông là Mai Thúc Loan, một số khác lại cho ông tên thật là Mai Phượng, tên tự là Mai Thúc Loan. Năm 713, ông lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu (tên vùng Nam Đàn, Nghệ An lúc bấy giờ) chống lại nhà Đường, đến tháng 4 thì xưng đế, lấy hiệu là Mai Hắc Đế, xây dựng kinh đô Vạn An tại vùng Sa Nam, giữ vững nền độc lập trong 10 năm (713-722). Năm 723, nhà Đường cho lực lượng lớn kéo sang đàn áp, Vạn An thất thủ. Có thuyết nói ông bị chém khi giáp trận với giặc, thuyết khác cho ông bị sát hại sau khi quân Đường chiếm được Vạn An, có thuyết lại nói trong khi rút quân, ông bị rắn độc cắn mà chết.

    Về tên hiệu của ông, một số sử sách chép rằng đó là do ông có làn da ngăm đen. Theo Việt điện u linh tập, theo thuyết Ngũ hành, Dịch lý thì màu đen tượng trưng cho nước, mà Mai Thúc Loan vốn xuất thân ở gia đình nấu muối vùng ven biển nên có thể ông lấy hiệu Hắc Đế để hợp với mệnh của mình.

    Lễ hội đền vua Mai

    Lễ hội đền vua Mai

  22. Sãi
    Người đàn ông làm nghề giữ chùa.
  23. Khá
    Nên (từ cổ). Trong văn thơ cổ ta cũng hay gặp cụm từ "chớ khá," nghĩa là "không nên, không được."
  24. 3 ngày này thường bị xem là ngày xấu, nhưng có thuyết cho rằng đó là ba ngày tốt nhất trong cả tháng. Vì vậy cho nên ngày xưa vua chúa thường chọn 3 ngày này để đi du ngoạn.  Nhưng vì vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, dân chúng thì không được phép nhìn mặt vua chúa, phải cúi rạp hai bên vệ đường, chờ cho xa giá đi qua mới được đứng dậy. Cho nên muốn được việc, đành phải tìm đường khác đi cho nhanh, đỡ mất thì giờ, nhiều khi phải bỏ việc quay trở về. Dần dần, trở thành phong tục trong dân gian là tránh 3 ngày này và gọi 3 ngày này là ngày Nguyệt kỵ, tức là ngày kiêng kỵ xuất hành của từng tháng.
  25. Dức
    Mắng nhiếc. Còn nói dức bẩn (phương ngữ Trung Bộ).
  26. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).