Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Phụ
    Làm trái với lời hẹn ước, hoặc phản lại công ơn hay lòng tin của ai đó. Từ này cũng được dùng để chỉ hành động đối xử tệ bạc với người đã có quan hệ yêu thương gắn bó.
  2. Vong
    Quên (từ Hán Việt).
  3. Nước ròng
    Mực nước thấp nhất khi thủy triều xuống. Ngược lại với nước ròng là nước lớn, mực nước khi triều lên cao nhất.
  4. Chạn
    Còn gọi cái tủ bếp, gác-măng-rê (âm tiếng Pháp garde à manger), đồ dùng đựng bát đĩa sạch hoặc cất thức ăn, trước làm bằng gỗ hoặc tre, nay bằng inox, gồm nhiều ngăn, các mặt thường có song thưa hoặc lưới sắt. Có khi người ta để bốn chân chạn lên bốn cái bát có chứa nước để chống kiến.

    Chạn bát ngày trước

    Chạn bát ngày trước

  5. Chó chui gầm chạn
    Thân phận hèn kém khi phải nhờ cậy người khác.
  6. Trảy
    Hái, ngắt.
  7. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  8. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  9. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu

  10. Hương án
    Bàn thờ, thường để bát hương và các vật thờ cúng khác.

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

    Hương án trong đền thờ Trần Nguyên Hãn ở Vĩnh Phúc

  11. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  12. Lọng
    Đồ dùng để che phía trên đầu, gần giống cái dù nhưng kích thước lớn hơn, hình tròn, phẳng, có cán dài để cầm, thường được sử dụng trong nghi lễ hoặc đám rước, để thể hiện địa vị xã hội. Ngày xưa, lọng được sử dụng cho vua, quan, chức sắc; ngày nay, lọng chủ yếu được sử dụng trong các nghi lễ tôn giáo.

    Kết cấu của lọng thường bao gồm một khung bằng tre nứa, có thể giương lên, xếp lại dễ dàng. Mặt trên lọng lợp bằng giấy phết sơn ta để chống thấm nước. Lọng còn thường được trang trí nhiều màu sắc và họa tiết tùy theo địa vị của người sử dụng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

    Quan tổng đốc Hà Nội đi bốn lọng.

  13. Nhơn
    Nhân (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Tham tài tắc tử
    Tham tiền tất chết (thành ngữ Hán Việt).
  15. Tham thực tắc vong
    Tham ăn tất chết (thành ngữ Hán Việt).
  16. Ròng
    Thuần nhất, tinh khiết.
  17. Lạc
    Một loại cây lương thực ngắn ngày thuộc họ đậu, rất phổ biến trong đời sống của người dân Việt Nam. Lạc cho củ (thật ra là quả) mọc ngầm dưới đất, có vỏ cứng. Hạt lạc có thể dùng để ăn hoặc lấy dầu, vỏ lạc có thể ép làm bánh cho gia súc, thân và lá làm củi đốt. Ở miền Trung và miền Nam, lạc được gọi là đậu phộng, một số nơi phát âm thành đậu phụng.

    Hạt lạc (đậu phộng)

    Hạt lạc (đậu phộng)

  18. Ngọc trầm thủy thượng
    Ngọc chìm đáy nước (dịch thoát ý).
  19. Bách niên giai ngẫu
    Đẹp đôi cho đến trăm tuổi. Đây là lời chúc dành cho vợ chồng mới cưới.
  20. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  21. Bạch
    Màu trắng (chữ Hán).
  22. Nói lái thành "bập l."
  23. Liễu Đôi
    Tên một làng ngày xưa là xã Liễu Đôi (gồm các thôn Đống Thượng, Đống Cầu, Đống Tháp và Đống Sấu), nay thuộc xã Liêm Túc, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Đây là một mảnh đất giàu truyền thống thượng võ, hằng năm có hội thi vật võ nổi tiếng được tổ chức từ mồng năm đến mồng mười tháng Giêng âm lịch, thu hút các đồ vật gần xa đến đua tài. Đặc biệt, hội vật Liễu Đôi cho phép cả phụ nữ tham dự.

    Hội vật Liễu Đôi

    Hội vật Liễu Đôi

  24. Sào
    Gậy dài, thường bằng thân tre. Nhân dân ta thường dùng sào để hái trái cây trên cao hoặc đẩy thuyền đi ở vùng nước cạn.

    Cắm sào

    Cắm sào

  25. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  26. Khôn
    Khó mà, không thể.
  27. Lai nhai như chó nhai giẻ rách
    Chỉ hạng nói nhiều, nói dai.
  28. Trường linh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trường linh, hãy đóng góp cho chúng tôi.