Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lục bình
    Một loại bèo có thân mọc cao khoảng 30 cm, lá hình tròn, màu xanh lục, láng và nhẵn mặt. Lá cuốn vào nhau như những cánh hoa. Cuống lá nở phình ra như bong bóng xốp ruột giúp cây bèo nổi trên mặt nước. Lục bình sinh sản rất nhanh nên có mặt rất nhiều ở các ao hồ, kên rạch. Nhân dân ta thường vớt bèo cho lợn ăn, những năm gần đây xơ lục bình phơi khô có thể chế biến để dùng bện thành dây, thành thừng rồi dệt thành chiếu, hàng thủ công, hay bàn ghế. Ngó lục bình cũng được chế biến thành thức ăn, ngon không kém ngó sen.

    Lục bình

    Lục bình

  2. Điên điển
    Một loại cây ở miền đồng bằng Nam Bộ, có bông được sử dụng làm nhiều món ăn như dưa chua, canh, gỏi trộn thịt gà...

    Bông điên điển

    Bông điên điển

    Gỏi bông điên điển và tép đồng

    Gỏi bông điên điển và tép đồng

  3. Cám
    Một loại cây lớn cho quả có nhân cứng bằng ngón chân cái, phiến lá đầy lông vàng mình như cám. Quả cám non và hạt ăn được.
  4. Gùi
    Một loại cây thường chỉ gặp ở miền Tây Nam Bộ, cho quả khi chín có màu vàng cam, ruột ướt có nhiều tơ, ăn có vị chua ngọt.

    Quả gùi

    Quả gùi

    Ruột quả gùi

    Ruột quả gùi

    Nghe trích đoạn cải lương Trái gùi Bến Cát.

  5. Răng đen
    Người xưa có phong tục nhuộm răng đen. Từ điển Văn hoá cổ truyền Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới, 2002, trang 511, nói về nhuộm răng như sau:

    "Phong tục người Việt cổ coi răng càng đen càng đẹp. Trước khi nhuộm đen phải nhuộm đỏ. Thuốc nhuộm răng đỏ là cánh kiến đỏ trộn với rượu rồi đun quánh như bột nếp. Quét bột này lên mảnh lá chuối hột ấp vào răng trước khi đi ngủ. Làm nhiều lần cho đến khi hàm răng bóng ánh nổi màu cánh gián. Thuốc nhuộm đen: phèn đen, vỏ lựu khô, quế chi, hoa hồi, đinh hương nghiền nhỏ, hòa giấm hoặc rượu, đun cho quánh như hồ dán. Quét lên lá chuối đắp lên răng như nhuộm đỏ. Từ 5 đến 7 ngày thuốc mới bám vào răng, nổi màu đen thẫm rồi đen bóng. Súc miệng bằng nước cốt dừa. Kiêng ăn thịt mỡ, cua cá, vật cứng, nóng. Có khi chỉ nuốt cơm hoặc húp cháo. Kể cả nhuộm đỏ và đen, thời gian kéo dài đến nửa tháng."

    Xem phóng sự về phong tục nhuộm răng và ăn trầu.

    Răng đen

    Răng đen

  6. Đơn sai
    Thiếu trung thực (từ cũ).

    Cửa hàng buôn bán châu Thai
    Thực thà có một, đơn sai chẳng hề

    (Truyện Kiều)

  7. Quan kì bất ngữ chân quân tử, hạ thủ vô hồi đích trượng phu
    Xem đánh cờ mà không nói mới thật là người quân tử, xuống cờ không hồi lại mới đúng là bậc trượng phu.
  8. Kim hoàn
    Nghĩa gốc là vòng (hoàn) vàng (kim), nghĩa rộng là các đồ trang sức bằng vàng bạc nói chung.
  9. Bài ca dao này nhắc đến nghề kim hoàn truyền thống của làng Định Công, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội ngày nay.
  10. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  11. Khăn xéo
    Một loại khăn bịt đầu ngày xưa, vừa để che mưa nắng vừa có thể làm tay nải để đựng đồ đạc khi cần. Cũng gọi là khăn chéo.
  12. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  13. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  14. Mẫu đơn
    Một loại cây sống lâu năm, cho hoa rất to, đường kính đạt tới 15-20 cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng, do vậy hay được trồng làm cảnh. Theo y học cổ truyền, bộ phận dùng làm thuốc là vỏ rễ phơi hay sấy khô, gọi là mẫu đơn bì. Mẫu đơn còn được gọi là hoa phú quý, hoa vương, thiên hương quốc sắc...

    Hoa mẫu đơn

    Hoa mẫu đơn

  15. Hải đường
    Loài cây nhỡ, sống nhiều năm, họ Chè. Lá dài, dày, mặt trên bóng, mép có nhiều răng cưa. Hoa mọc từ 1 đến 3 đóa ở gần ngọn cây, ngọn cành; hoa có cuống dài, tràng hoa đỏ tía, nhiều nhị đực. Hoa nở vào dịp Tết Âm lịch, đẹp nhưng không thơm.

    Hoa hải đường

    Hoa hải đường

  16. Dã quỳ
    Còn có tên là cúc quỳ, sơn quỳ hoặc hướng dương dại, một loại cây cho hoa màu vàng mọc nhiều ở các khu vực cận nhiệt đới và nhiệt đới. Ở nước ta, dã quỳ được người Pháp đưa vào các đồn điền ở Lâm Đồng, sau dần mọc hoang khắp các tỉnh Tây Nguyên.

    Hoa quỳ

    Hoa quỳ

  17. Liễu
    Một loại cây thân nhỏ, lá rủ. Liễu xuất hiện rất nhiều trong thơ ca Á Đông, và thường tượng trưng cho người con gái chân yếu tay mềm.

    Liễu rủ bên hồ Gươm

    Liễu rủ bên hồ Gươm

  18. Phù dung
    Còn gọi là mộc phù dung, địa phù dung, mộc liên, loại cây thân nhỡ có hoa, lá có năm cánh, hoa lớn, có hai loại là hoa đơn và hoa kép, hoa nở xòe to bằng cái bát, chất cánh xốp, trông như hoa giấy. Hoa thay đổi màu sắc từ sáng đến chiều (sáng trắng, trưa hồng, chiều đỏ).

    Hoa phù dung

    Hoa phù dung

  19. Câu này có lẽ lấy ý từ hai câu thơ của Thôi Hộ thời Đường:

    Nhân diện bất tri hà xứ khứ,
    Đào hoa y cựu tiếu đông phong

    Dịch:

    Mặt người giờ ở nơi nao?
    Hoa đào vẫn đó cười chào gió đông.

  20. Cửa tam quan
    Cũng gọi là cổng tam quan, mái tam quan, loại cổng có ba lối đi thường thấy ở chùa chiền theo lối kiến trúc truyền thống.

    Cổng tam quan chùa Láng

    Cổng tam quan chùa Láng

  21. Cau
    Loại cây nhiều đốt, thân nhỏ và cao vút, có quả dùng để ăn với trầu.

    Cây cau

    Cây cau

    Quả cau và lá trầu

    Quả cau và lá trầu

  22. Tường
    Rõ ràng, hiểu rõ, nói đủ mọi sự không thiếu tí gì. Như tường thuật 詳述  kể rõ sự việc, tường tận 詳盡  rõ hết sự việc (Thiều Chửu).
  23. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  24. Khơi chừng
    Xa xôi.

    Đường đi khuất nẻo khơi chừng,
    Tuyết sương mấy dặm, suối rừng bao nhiêu.

    (Phan Trần)

  25. Co lại, kéo lại.
  26. Con thoi
    Bộ phận của khung cửi hay máy dệt, ở giữa phình to, hai đầu thon dần và nhọn (vì vậy có hình thoi), có lắp suốt để luồn sợi.

    Máy dệt và con thoi

    Máy dệt và con thoi

  27. Thẹo
    Sẹo (phương ngữ Nam Bộ).
  28. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  29. Cừ
    Cọc bằng gỗ được đóng xuống để củng cố đất, dùng trong các công trình xây dựng trên nền đất yếu, đất bùn (nhà cửa gần sông rạch, đê điều chắn sóng...).
  30. Cói
    Còn gọi là cỏ lác, thường mọc hoang và được trồng ở vùng ven biển, nhiều nhất ở Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam. Cói cũng có thể mọc và trồng ở ven sông lớn. Tại miền Nam, cói mọc nhiều ở Đồng Tháp Mười. Cây này được trồng để làm chiếu. Ở một số vùng, nhân dân đào lấy củ cói (thân rễ) về rửa sạch, thái mỏng, phơi hay sấy khô làm thuốc.

    Cói

    Cói

  31. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  32. Lia thia
    Còn được gọi với các tên cá thia thia, cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt, có kích cỡ nhỏ, vảy khá sặc sỡ nên thường được nuôi làm cảnh.

    Cá thia thia

    Cá lia thia

  33. Cỏ đuôi phụng
    Cũng gọi là cỏ lông công, một loại cỏ thường gặp ở các ao hồ, ruộng lúa. Hoa của loại cỏ này có nhiều nhánh mọc xòe ra như đuôi chim phượng hoặc đuôi công, nên có tên như vậy.

    Cỏ đuôi phụng

    Cỏ đuôi phụng