Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  2. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  3. Lẩy bẩy như Cao Biền dậy non
    Truyền thuyết ta kể Cao Biền có phép thuật "tản đậu thành binh." Khi cần quân lính, Cao Biền chỉ gieo đậu vào đất, ủ kín một thời gian, đọc thần chú rồi mở ra, mỗi hạt đậu hóa thành một người lính. Có lần Cao Biền đọc thiếu thần chú, lúc mở ra những hạt đậu cũng thành binh nhưng còn non, chưa đủ sức nên đi lẩy bẩy.

    Một truyền thuyết khác lại kể rằng: khi sang nước Nam để yểm bùa và triệt hạ long mạch, Cao Biền có nuôi 100 âm binh. Đến nước Nam, Cao Biền ở trọ nhà một bà hàng nước và nhờ bà mỗi ngày thắp một nén hương, gọi dậy một âm binh. 100 ngày thắp đủ 100 nén hương sẽ gọi dậy được 100 âm binh. Bà lão nước Nam đã phá âm mưu của Cao Biền, giả vờ quên, thắp cả 100 nén hương trong một ngày. Kết quả là 100 âm binh của Cao Biền đã dậy đủ nhưng mà dậy non, thiếu ngày nên chẳng hiệu quả gì.

  4. Hẩm
    Cũng như hẩm hiu, nghĩa là thiệt thòi. Thường dùng để nói về số phận, duyên phận (hẩm duyên, hẩm phận).
  5. Ông Táo
    Còn gọi là Táo quân hoặc vua bếp, tên vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà (táo 灶 có nghĩa là bếp). Theo tín ngưỡng Việt Nam, hàng năm, đúng vào ngày 23 tháng Chạp, Táo quân cưỡi cá chép lên chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những chuyện đã xảy ra trong năm cũ. Táo quân thực ra gồm hai ông và một bà, được gọi chung như vậy theo thuyết "Tam vị nhất thể."

    Táo quân (tranh dân gian)

    Táo quân (tranh dân gian)

  6. Ăn đều tiêu sòng
    Ăn, tiêu (nhất là ăn chung, làm chung) công bằng, sòng phẳng, rành mạch.
  7. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  8. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  9. Cặp chân Sáu Nhỏ, cặp chỏ Chà Và
    Giới võ đài và giang hồ miền nam trước 1975 có võ sĩ Sáu Nhỏ (tên thật Trần Văn Trọng) nổi tiếng cặp chân cứng đá cong sắt, còn Chà Và Hương (Ngô Văn Hương) lừng danh đòn chỏ lật.
  10. Mộ
    Mến phục.
  11. Có bản chép: "văn thơ," hoặc "văn thi."
  12. Phú lục
    Gọi chung các thể loại văn chương sử dụng trong khoa cử thời xưa. Phú là thể loại giữa thơ và văn xuôi, là một loại văn xuôi sử dụng vần điệu. Lục là một thể loại văn xuôi ghi chép lại các sự việc.
  13. Hay
    Giỏi giang.
  14. Có bản chép: "ngày ngày".
  15. Gàu sòng
    Thứ gàu có cán dài, treo vào một cái gạc ba chân, một người tát.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  16. Quẩy
    Hoặc quảy: động tác mang vật gì bằng cách dòng qua vai và áp sát lưng, thường thấy là cách dùng một đầu quang gánh.
  17. Sảy
    Cũng viết là sẩy, động tác hất cái nia hoặc sàng đựng lúa lên xuống đều đặn để tách vỏ và hạt lép ra khỏi hạt mẩy.

    Sảy lúa

    Sảy lúa

  18. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  19. Sao chổi
    Còn có tên gọi dân gian là sao cờ hoặc sao tua, một thiên thể gần giống một tiểu hành tinh nhưng cấu tạo chủ yếu không phải từ đất đá, mà từ băng. Chúng bay quanh Mặt Trời theo quỹ đạo rất dẹt, khi đi vào vòng trong Hệ Mặt trời thì được mặt trời chiếu sáng, từ đó mới sinh ra các ánh sáng rực rỡ như ta thấy khi quan sát từ Trái Đất.

    Ngày xưa, theo quan niệm dân gian, sao chổi xuất hiện thường được cho là điềm loạn lạc.

    Sao chổi

    Sao chổi

  20. Minh Giám
    Một ngôi làng thuộc huyện Vũ Tiên, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Đây là quê hương của Phan Bá Vành, thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại nhà Nguyễn đầu thế kỉ 19.
  21. Phan Bá Vành
    Thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân từ năm 1821 đến năm 1827 chống lại ách thống trị của nhà Nguyễn dưới thời vua Minh Mạng. Ông quê ở làng Minh Giám, nay là làng Nguyệt Lâm, xã Vũ Bình, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Vì là con thứ ba trong gia đình, ông còn được gọi là Ba Vành. Ba Vành có sức khỏe phi thường và tài ném lao. Khoảng năm 1821 (có sách chép là 1825 hoặc 1826), ông tập hợp dân nghèo nổi dậy, đánh chiếm nhiều đồn của quan quân nhà Nguyễn ở Thái Bình. Đến năm 1827 thì cuộc khởi nghĩa bị dập tắt, Ba Vành bị bắt và cắn lưỡi tự sát trên đường áp giải về kinh.
  22. Theo sử chép lại, vào năm Phan Bá Vành nổi dậy khởi nghĩa thì trên trời xuất hiện sao chổi (sao tua). Theo Trần tộc gia phả diễn âm:

    Đời vua Minh Mạng lên ngôi,
    Giữa năm Ất Dậu sao đuôi ngang trời.
    Bỗng đùng đùng bể khơi vang động,
    Giặc Ba Vành ngang dọc một phương...

  23. Hung tinh
    Ngôi sao xấu (từ Hán Việt), có thể gây ra tai hoạ cho con người, theo chiêm tinh học.
  24. Ba làng Trà Lũ
    Ba làng Trà Trung, Trà Bắc và Trà Đoài (ba thôn Trung, Bắc, Nam) thuộc huyện Giao Thủy, xã Xuân Trường, trấn Nam Định, nay là xã Trà Lũ, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Đây là nơi nghĩa quân của Phan Bá Vành rút về cố thủ khi bị quân triều đình đàn áp.
  25. Bảo hộ
    Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
  26. Đáo lai
    Đến (từ Hán Việt).
  27. Thuế thân
    Cũng gọi là thuế đinh hay sưu, một loại đóng theo đầu người dưới chế độ phong kiến hoặc quân chủ. Trong lịch sử nước ta, thuế thân có từ thời nhà Lý, kéo dài đến hết thời thuộc Pháp.
  28. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  29. Têm trầu
    Quệt vôi vào lá trầu không, cuộn lại rồi cài chặt lại bằng cuống lá để thành một miếng trầu vừa miệng ăn.

    Têm trầu

    Têm trầu

    Trầu têm cánh phượng

    Trầu têm cánh phượng

  30. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  31. Có bản chép: Cách sông mới phải lụy thuyền.