Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Độc
    Đơn lẻ (từ Hán Việt).
  2. Bài ca dao này nhắc đến bốn dụng cụ đánh bắt tôm cá: đăng đó, lờ, và lọp.
  3. Của ruộng đắp bờ
    Lấy đất ở dưới ruộng đắp lên bờ ruộng. Nghĩa bóng: Người thân cho nhau thì chẳng mất mát đi đâu, chẳng thiệt thòi gì. Cũng có nguồn giải thích: Giúp đỡ lo liệu cho người khác mà dùng chính tiền của của người ấy thì chẳng mất mát gì mà lại được tiếng.
  4. Bầu
    Loại cây dây leo cho quả, thường được nhân dân ta trồng cho bò trên giàn. Quả bầu, hoa bầu và đọt bầu non thường được dùng làm thức ăn, ruột và vỏ bầu khô có thể dùng làm các vật dụng gia đình hoặc làm mĩ nghệ. Có nhiều loại bầu: bầu dài, bầu tròn, bầu hồ lô (bầu nậm)...

    Giàn bầu nậm

    Giàn bầu nậm

  5. Loại cây dây leo được trồng mọc trên giàn để lấy quả. Tương tự như bầu, quả, hoa, hạt và đọt bí được dùng làm thức ăn. Hai loại bí thường gặp nhất là bí xanh (còn gọi là bí đao, bí dài, bí chanh) và bí đỏ (bí rợ).

    Giàn bí đao

    Giàn bí đao

  6. Tầm vông
    Một loài cây thuộc họ tre, có khả năng chịu khô hạn khá tốt, ưa ánh sáng dồi dào. Thân cây gần như đặc ruột và rất cứng, không gai, thường dùng trong xây dựng, sản xuất chiếu và làm hàng thủ công mỹ nghệ. Ngoài việc sử dụng làm vật liệu xây dựng như những loài tre khác, do độ bền cao, đặc biệt là khả năng dễ uốn cong nên tầm vông còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác.

    Bụi tầm vông

    Bụi tầm vông

  7. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  8. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  9. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  10. Kẻng
    Vật bằng kim loại, dùng đánh ra tiếng để báo hiệu. Ngày xưa khi chưa có đồng hồ, chưa có loa đài, dân ta thường đặt một cái kẻng để khi có việc gì thì gõ kẻng báo mọi người đến họp. Lao động ở Hợp tác xã thì khi nào có tiếng gõ kẻng là đến giờ mọi người nghỉ làm để ăn cơm. Thành ngữ ăn cơm trước kẻng chỉ người lười nhác, ăn cơm trước trong khi người khác đang lao động. Ngày nay câu thành ngữ này mang một nghĩa khác, dùng để chỉ những cặp nam nữ có quan hệ tình dục trước hôn nhân.
  11. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  12. Tiên Phước
    Địa danh nay là một huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ chừng 25km về phía Tây. Ở đây có đặc sản là tiêu Tiên Phước, một loại tiêu có vị cay nồng nhưng rất thơm. .

    Vườn tiêu Tiên Phước

    Vườn tiêu Tiên Phước

  13. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  14. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  15. Vầy
    Vầy duyên, kết duyên (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Gối loan
    Gối của vợ chồng. Xem thêm chú thích loan.
  17. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  18. Có bản chép: Chẳng thà.
  19. Ở vậy
    Ở giá, không lấy chồng (hoặc vợ).
  20. Cá bống
    Một họ cá sông rất quen thuộc ở khắp ba miền Bắc, Trung, Nam (tại đây loài cá này cũng được gọi là cá bóng). Cá bống sống thành đàn, thường vùi mình xuống bùn. Họ Cá bống thật ra là có nhiều loài. Tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung nước ta có loài cá bống sông Trà nổi tiếng, trong khi ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, loài được nhắc tới nhiều nhất là cá bống tượng. Cá bống được chế biến thành nhiều món ăn ngon, có giá trị cao.

    Cá bống tượng Kiên Giang.

    Cá bống tượng

    Cá bống kho tộ

    Cá bống kho tộ

  21. Trã
    Cái nồi đất.
  22. Làng Đăm
    Làng cổ nay thuộc xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng Đăm nổi tiếng nghề trồng rau dưa. Lễ hội đua thuyền truyền thống trong các dịp hội làng vào tháng ba âm lịch cũng là một nét văn hóa đặc sắc của làng.

    Lễ hội đua thuyền làng Đăm

    Lễ hội đua thuyền làng Đăm

  23. Có bản chép: Có lò đánh vật lưu truyền từ lâu.
  24. Nam Vang
    Tên tiếng Việt của thành phố Phnom Penh, thủ đô nước Campuchia. Vào thời Pháp thuộc, để khai thác triệt để tài nguyên thuộc địa, chính quyền thực dân cho thành lập công ty tàu thủy, mở nhiều tuyến đường sông từ Sài Gòn và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long, vận chuyển hành khách, thổ sản, hàng hoá các loại đến Nam Vang, và ngược lại. Do đời sống quá khổ cực, nhiều người Việt Nam đã đến lập nghiệp tại Nam Vang.
  25. Châu thành
    Phố phường, thành thị, nơi dân cư đông đúc. Các tỉnh Nam Bộ ngày xưa đều có quận, huyện châu thành.