Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ráng
    Những đám mây sáng rực, có màu vàng hay màu hồng sẫm, do phản xạ ánh sáng mặt trời vào lúc rạng đông hay chiều tà. Từ màu sắc của ráng, nhân dân ta có thể dự đoán được thời tiết.

    Áo chàng đỏ tựa ráng pha
    Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in

    (Chinh phụ ngâm khúc)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

    Ráng chiều (Ảnh: Trương Công Khả)

  2. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  3. Chè tàu
    Chè sản xuất từ búp chè không ủ lên men, cánh nhỏ, nước xanh, có hương thơm. Chè có tên như vậy vì nguyên sản xuất ở Trung Quốc.
  4. Đồng Phú
    Một địa danh nay là một phường thuộc thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình.
  5. Chim sâu
    Tên chung của một số loài chim nhỏ như chim sẻ, thường ăn mật hoa, quả mọng, nhện và sâu bọ.

    Chim sâu bình nguyên

    Chim sâu bình nguyên

  6. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  7. Lia thia
    Còn được gọi với các tên cá thia thia, cá thia, cá cờ, một loại cá nước ngọt, có kích cỡ nhỏ, vảy khá sặc sỡ nên thường được nuôi làm cảnh.

    Cá thia thia

    Cá lia thia

  8. Đìa
    Ao được đào sâu có bờ chắn giữ nước để nuôi cá.

    Bắt cá trong đìa

    Bắt cá trong đìa

  9. Vĩnh Long
    Một tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất này được thành lập năm 1732 với tên là châu Định Viễn (thuộc dinh Long Hồ), sau lần lượt có các tên Vĩnh Trấn, Vĩnh Thanh, Vĩnh Long, Vĩnh Trà, Cửu Long, trước khi trở lại tên Vĩnh Long vào năm 1992. vào cuối thế kỉ 18, đây chiến trường diễn ra nhiều cuộc giao chiến ác liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn với quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng Rạch Gầm-Xoài Mút oanh liệt đánh tan năm vạn quân Xiêm cũng diễn ra tại đây.

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

    Cầu Mỹ Thuận bắc ngang sông Tiền ở tỉnh Vĩnh Long

  10. Bùi Hữu Nghĩa
    (1807 - 1872), trước có tên là Bùi Quang Nghĩa, hiệu Nghi Chi; từng làm quan nhà Nguyễn, đồng thời là nhà thơ và là nhà soạn tuồng của Việt Nam.

    Ông sinh ra trong một gia đình làm nghề chài lưới, nghèo nhưng ham học. Năm 1835, ông đỗ Giải nguyên (thủ khoa) kỳ thi Hương nên còn được gọi là Thủ khoa Nghĩa. Là người liêm chính nên Bùi Hữu Nghĩa không được lòng quan trên, và vì vậy đường công danh gặp nhiều bất trắc. Ông là người có tài về thơ nhưng lại nổi danh về tuồng hát bội. Khắp miền Nam kỳ lục tỉnh vào khoảng giữa cuối thế kỷ 19 không ai không biết đến tài năng của ông. Các bản tuồng nổi tiếng của ông: Tây du, Mậu tòng, Kim Thạch kỳ duyên.

  11. Phan Thanh Giản
    (1796 - 1867) Danh sĩ và đại thần triều Nguyễn, học rộng, thanh liêm, nhưng do dự và nhu nhược trong cơn quốc biến. Ông là người đại diện cho triều đình Tự ĐứcHòa ước Nhâm Tuất, theo đó ba tỉnh Biên Hòa, Gia Định và Định Tường được nhượng cho Pháp. Nhân dân thời ấy có câu "Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân" (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi rẻ nhân dân). Vào cuối đời, ông làm quan tại Vĩnh Long. Ngày 4/8/1867, sau 17 ngày tuyệt thực, Phan Thanh Giản uống thuốc độc tự vẫn.

    Đền thờ Phan Thanh Giản hiện ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Và từ rất lâu, nhân dân ở vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang vẫn coi ông là một vị thần Thành Hoàng. Ngoài ra ông còn được thờ tại Văn Thánh Miếu Vĩnh Long.

    Phan Thanh Giản

    Phan Thanh Giản

  12. Bồ Địch
    Một làng có nghề truyền thống là sản xuất chiếu và mành tre, sáo trúc, nay thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.
  13. Giếng vuông
    Giếng có miệng hình vuông (chứ không phải hình tròn như loại giếng thông thường), thường được tìm thấy ở các vùng đất trước đây có người Chăm sinh sống (Bình Định, Hội An...), còn được gọi là giếng Chăm, giếng Hời.

    Giếng cổ ở Hội An

    Giếng cổ ở Hội An

  14. Sáo
    Còn gọi là mành sáo, là tấm đan bằng tre, có nan to, thường treo trước nhà hoặc gần cửa sổ để che nắng. Sáo cũng có thể được treo trước bàn thờ.

    Mành sáo

    Mành sáo

  15. Mèo
    Phương ngữ Nam Bộ lấy ý từ thành ngữ "mèo mả gà đồng" hoặc "mèo đàng chó điếm," chỉ nhân tình vụng trộm. Trong một số ngữ cảnh, mèo cũng chỉ người được được hứa hẹn là sẽ cưới hỏi sau này.
  16. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  17. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  18. Lòng tong
    Còn gọi là lòng đong, tên gọi chung của một số loại cá nước ngọt hoặc nước lợ, thân nhỏ, thường được người dân đem kho khô hoặc kho nước với tiêu bột ăn cơm nóng.

    Cá lòng tong chỉ vàng

    Cá lòng tong chỉ vàng

  19. Khiếp
    Nhát gan, sợ sệt (từ gốc Hán Việt).
  20. Dũng
    Dũng cảm, mạnh mẽ, gan góc (từ Hán Việt).
  21. Khuất
    Co, cong; khuất phục (từ Hán Việt).
  22. Thân
    Duỗi (từ Hán Việt).
  23. Lưu Bang
    Hiệu là Hán Cao Tổ, hoàng đế đầu triều Hán của Trung Quốc. Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Lưu Bang có mũi cao, râu dài giống rồng và có 72 nốt ruồi trên chân trái, thích rượu và gái, tính tình phóng khoáng bao dung. Ông khởi binh chống Tần, tranh thiên hạ với Hạng Vũ (đời sau gọi là Hán-Sở phân tranh hoặc Hán-Sở tranh hùng), sau cùng diệt được Sở, lên ngôi đế vào năm 202 trước Công Nguyên. Nhà Hán do ông lập ra kéo dài hơn bốn thế kỉ, được xem là triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Trung Quốc. Cho đến ngày nay, nhóm dân tộc chiếm phần lớn dân số Trung Quốc cũng tự cho mình là "người Hán," và chữ viết Trung Quốc cũng được xem là "Hán tự."

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

    Hán Cao Tổ Lưu Bang

  24. Hạng Vũ
    Tên huý là Hạng Tịch, còn gọi là Tây Sở Bá Vương. Ông là một nhà chính trị, một tướng quân nổi tiếng, người có công trong việc lật đổ nhà Tần và tranh chấp thiên hạ với Hán Cao Tổ Lưu Bang đầu thời nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Theo truyền thuyết, Hạng Vũ là một anh hùng có sức mạnh "bạt sơn cử đỉnh," yêu thương quân sĩ nhưng lại có lòng nhân "của đàn bà" (cách dùng từ trong Sử Ký), hay nghi ngờ các tướng lĩnh, vì vậy mà cuối cùng thất bại vào tay Lưu Bang.
  25. Mạo
    Tướng mạo, dáng mặt, vẻ mặt (từ gốc Hán Việt).
  26. Rầu
    Buồn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Mẫu thân
    Mẹ (từ Hán Việt).
  28. Đệ
    Em trai (từ Hán Việt).
  29. Huynh
    Anh trai (từ Hán Việt).
  30. Bông
    Hoa tai (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Thường đi chung với "đôi" thành "đôi bông."
  31. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  32. Bạn ngọc
    Bạn quý như ngọc, thường chỉ người thương hay bạn thân.
  33. Thủy chung
    Trước và sau. Thường được dùng với nghĩa (tình cảm) trước sau như một, không thay đổi. Từ này trước đây cũng được viết là thỉ chung.
  34. Giang hồ
    Từ hai chữ Tam giang (ba dòng sông: Kinh Giang thuộc Hồ Bắc, Tùng Giang thuộc Giang Tô, Chiết Giang thuộc tỉnh Chiết Giang) và Ngũ hồ (năm cái hồ: Bà Dương Hồ thuộc Giang Tây, Thanh Thảo Hồ và Động Đình Hồ thuộc Hồ Nam, Đan Dương Hồ và Thái Hồ thuộc Giang Tô) đều là các địa danh được nhiều người đến ngao du, ngoạn cảnh ở Trung Hoa ngày xưa. Từ giang hồ vì thế chỉ những người sống phóng khoáng, hay đi đây đi đó, không nhà cửa. Nếu dùng cho phụ nữ, từ này lại mang nghĩa là trăng hoa, không đứng đắn.

    Giang hồ tay nải cầm chưa chắc
    Hình như ta mới khóc hôm qua
    Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt
    Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà.

    (Giang hồ - Phạm Hữu Quang)

  35. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  36. Bình Trung
    Tên một làng nay là ấp Bình Trung, xã Thạnh Nhựt, huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang.
  37. Dương Phước
    Tên một thôn xưa thuộc tổng Hòa Lạc Hạ, tỉnh Gò Công, nay thuộc xã Phước Trung, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.