Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  2. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  3. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  4. Đi xe cố vấn, mặc áo chuyên gia, ăn uống qua loa, ấy là cán bộ
    Mô tả hài hước cán bộ cấp thấp ("cán bộ quèn") thời bao cấp. "Xe cố vấn" tức là xe đạp vỡ, gãy, phải vấn (quấn) lại. Áo "chuyên gia" nghĩa là áo rách hở cả da thịt.
  5. Con giáp
    Tên người Việt Nam thường dùng để gọi mười hai con vật tượng trưng cho mười hai chi trong âm lịch, gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
  6. Ở đây có sự chơi chữ sử dụng sự đồng âm giữa “tuổi Thân” và “tủi thân.”
  7. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  8. Chạc
    Dây bện bằng lạt tre, lạt nứa, ngắn và nhỏ hơn dây thừng.
  9. Cày
    Nông cụ dùng sức kéo của trâu, bò hay của máy cày, để xúc và lật đất. Cày gồm hai bộ phận chính: Lưỡi cày (ban đầu làm bằng gỗ, sau bằng sắt hoặc thép) và bắp cày bằng gỗ. Nếu cày bằng trâu bò, lại có thêm gọng cày nối từ bắp cày chạy dài đến ách để gác lên vai trâu, bò.

    Cái cày

    Cái cày

  10. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  11. Hòn Kẽm Đá Dừng
    Một nơi phong cảnh sơn thủy hữu tình nằm ở thượng nguồn sông Thu Bồn, trước đây thuộc về hai xã Quế Phước và Quế Lâm, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam; nay là ranh giới huyện Quế Sơn và Hiệp Đức. Có ý kiến cho rằng chỉ có tên ngọn núi là Hòn Kẽm, còn "đá dừng" là để mô tả vách đá dựng đứng, hiểm trở của ngọn núi này.

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

    Hòn Kẽm, Đá Dừng

  12. Lụy
    Nước mắt (phương ngữ Nam Bộ, nói trại từ lệ).
  13. Bâu
    Cổ áo.
  14. Có bản chép: thâm bâu (nước mắt ướt đẫm lâu ngày nên cổ áo chuyển màu thâm đen).
  15. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  16. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  17. Hổ tử lưu bì
    Hổ chết để lại da.
  18. Hậu lai
    Về sau (từ Hán Việt).
  19. Mỹ Xuyên
    Tên một làng cổ thuộc thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Làng này nổi tiếng là nơi có nhiều sắc phong nhất Việt Nam.
  20. Niền
    Cái đai, cái vành của một vật gì (ví dụ như cối xay).
  21. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  22. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  23. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  24. Bồng Miêu
    Tên một địa danh trước là thôn Bồng Miêu thuộc xã Tam Lãnh, nay là thị trấn Bồng Miêu, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam. Đây là khu vực có nhiều mỏ vàng, dân gian hay gọi là mỏ Bồng Miêu hay mỏ Bông Miêu. Mỏ vàng này bao gồm các khu Hố Gần, Hố Ráy, Thác Trắng, Núi Kẽm. Mỏ đã từng được người Chăm phát hiện và khai thác từ hơn nghìn năm trước, rồi lần lượt người Trung Quốc, Việt và Pháp cũng đã đến đây khai thác khá thành công. Hiện nay mỏ vàng Bồng Miêu đang được Công ty Khai thác Vàng Bồng Miêu thuộc Tập đoàn Olympus Pacific Mineral Inc. Canada quản lý và khai thác.

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

    Khu vực nhà máy chế biến và mỏ vàng Bồng Miêu

  25. Rau rìu
    Còn gọi trai đầu rìu, một loại rau dại mọc nhiều trên các chân ruộng. Cây rau có thân mềm, lá đơn dài chừng 5-7cm, có thể luộc ăn hoặc làm vị thuốc Nam.

    tôi yêu đất nước này lầm than
    mẹ đốt củi trên rừng và cha làm cá ngoài biển
    ăn rau rìu, rau éo, rau trai
    nuôi lớn người từ ngày mở đất

    (Bài thơ của một người yêu nước mình - Trần Vàng Sao)

    Rau rìu

  26. Lính thú
    Lính đi đóng đồn, canh phòng ở các vùng biên giới.
  27. Cao Bằng
    Một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc nước ta, có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ. Cao Bằng nổi tiếng với thắng cảnh thác Bản Giốc. Ngoài ra, nơi đây còn có các khu du lịch nổi tiếng khác như Động Ngườm Ngao hay hồ núi Thang Hen. Vì là vùng đất biên giới nên xưa kia các triều đại phong kiến nước ta luôn cho quân lính đồn trú tại Cao Bằng (gọi là trấn thủ lưu đồn).

    Thác Bản Giốc

    Thác Bản Giốc

  28. Giã
    Như từ giã. Chào để rời đi xa.
  29. Đạo hằng
    Đạo thường. Ý nói ăn ở bình thường, ngay thẳng, có đạo đức. Cũng nói là tính (tánh) hằng.
  30. Sây
    (Cây) sai (hoa, quả).
  31. Sim
    Loại cây thân gỗ nhỏ, mọc hoang nhiều ở các vùng đồi núi, cho hoa màu tím, quả khi chín có thịt màu tím đậm, vị ngọt chát. Theo Đông y, tất cả các bộ phận của cây đều có thể dùng làm thuốc.

    Hoa sim

    Hoa sim

    Quả sim

    Quả sim

  32. Nhãn
    Tên đầy đủ là long nhãn (nghĩa là "mắt rồng," vì hạt có màu đen bóng), một loại cây cho quả khi chín có vị ngọt thanh, rất phổ biến ở nước ta. Nổi tiếng nhất có thể kể đến nhãn lồng ở Hưng Yên, và nhãn xuồng ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

    Nhãn lồng Hưng Yên

    Nhãn lồng Hưng Yên

  33. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  34. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.