Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Suối Bèo
    Tên dân gian của phiên chợ Trường Định, một địa danh nay thuộc huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Có tên như vậy vì chợ họp bên một dòng suối có rất nhiều bèo ngỗng. Thôn Trường Định chính là nơi phát tích của ba anh em nhà Tây Sơn.
  2. Phèn chua
    Một loại muối có tinh thể to nhỏ không đều, không màu hoặc trắng, cũng có thể trong hay hơi đục. Người ta dùng phèn chua để đánh nước cho trong hoặc làm thuốc giữ màu trong quá trình nhuộm vải.

    Phèn chua

    Phèn chua

  3. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  4. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  5. Chiêm
    (Lúa hay hoa màu) gieo cấy ở miền Bắc vào đầu mùa lạnh, khô (tháng mười, tháng mười một) và thu hoạch vào đầu mùa nóng, mưa nhiều (tháng năm, tháng sáu), phân biệt với mùa. Đây cũng là cách gọi tắt của "lúa chiêm." Theo sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quý Đôn, người Việt trước đây đã học cách trồng một số giống lúa gieo vào mùa đông, thu hoạch vào mùa hạ từ người Chiêm Thành, nên gọi là lúa chiêm hay lúa chăm.

    Cấy lúa chiêm

    Cấy lúa chiêm

  6. Chiêm, mùa
    Trước đây, nông dân thường làm một năm hai vụ. Vụ chiêm cấy trước Tết và gặt vào tháng năm âm lịch, vụ mùa cấy tháng sáu và gặt tháng mười âm lịch.
  7. Cờ
    Bông (hoa) của các loại cây như mía, lau, ngô...

    Bắp đang trổ cờ

    Bắp đang trổ cờ

  8. Cá diễn
    Còn gọi là cá viễn, một loại cá biển có thân mình dẹp, da dày, thịt ăn ngon.

    Cá diễn

    Cá diễn

  9. Hòn Gió
    Tên một ngọn núi ở đầu nguồn sông Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên.
  10. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  11. Cẳng
    Chân (khẩu ngữ).
  12. Tổng
    Đơn vị hành chính thời Lê, Nguyễn, trên xã, dưới huyện. Một tổng thường gồm nhiều xã. Người đứng đầu tổng là chánh tổng, cũng gọi là ông Tổng.
  13. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  15. Tốt tóc nhọc cột nhà
    Ngày trước, các bà, các cô tóc dài mỗi khi gội đầu, muốn cho tóc chóng khô để quấn tóc hay vấn khăn, thường có thói quen quật mái tóc nhiều lần vào cột nhà.
  16. Hồi
    Cũng gọi là tai vị, một loại cây mọc nhiều ở các vùng rừng núi miền Bắc, cho quả có nhiều cánh giống hoa nên thường được gọi là hoa hồi. Hồi là một loại dược liệu (hồi hương) và hương liệu, và cũng là một gia vị dùng khi nấu phở.

    Quả hồi

    Quả hồi

  17. Riềng
    Một loại cây thuộc họ gừng, mọc hoang hoặc được trồng để lấy củ. Trong y học cổ truyền, củ riềng có vị cay thơm, tính ấm, chữa được đau bụng. Riềng cũng là một gia vị không thể thiếu trong món thịt chó, rất phổ biến ở các vùng quê Bắc Bộ.

    Củ riềng

    Củ riềng

    Hoa riềng nếp

    Hoa riềng nếp

  18. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  19. Phỉ nguyền
    Thỏa lòng mong ước.
  20. Duyên tiền định
    Duyên số đã được định sẵn từ kiếp trước, theo quan niệm nhà Phật.
  21. Mọc lông trong bụng
    Lòng dạ độc ác, thâm hiểm.
  22. Ngâm tre
    Một phương thức bảo quản tre truyền thống. Trước khi dùng vào công việc đan lát, xây dựng, thủ công mĩ nghệ, tre thường được ngâm nước một thời gian cho "chín tre," phòng mối mọt, nấm mốc phá hoại. Thời gian ngâm tre có thể kéo dài từ vài tuần đến cả năm, tùy theo mục đích sử dụng. Tre ngâm có mùi hôi thối khó chịu.

    Ngâm tre

    Ngâm tre

  23. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  24. Đâu, nào (phương ngữ Trung Bộ).
  25. Chợ Cày
    Cũng gọi là chợ Sáng, thuộc thị trấn Cày, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
  26. Chợ Gát
    Tên một cái chợ nay thuộc xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh.