Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ô thước
    Con quạ (ô) và con chim khách (thước). Trong một số ngữ cảnh, từ này được dùng để gọi chung một loài chim.
  2. Ở đây có lẽ có sự nhầm lẫn giữa chữ ô (con quạ) với ô (màu đen).
  3. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  4. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  5. Mạch nha
    Loại mật dẻo được sản xuất chủ yếu từ mầm của lúa mạch, có vị ngọt thanh, rất bổ dưỡng. Đây là đặc sản truyền thống của vùng Thi Phổ, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ở miền Bắc, làng An Phú, nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội cũng là làng nghề nấu mạch nha truyền thống.

    Một bát mạch nha

    Một bát mạch nha

  6. Đường phổi
    Loại đường được nấu từ mật mía, được đúc thành bánh màu trắng hơi vàng, xốp và giòn, vị ngọt thanh. Đường phổi là đặc sản riêng của Quảng Ngãi. Có tên gọi đường phổi là do hình dạng thỏi đường nhìn tựa lá phổi.

    Đường phổi

    Đường phổi

  7. Đường phèn
    Loại đường làm từ mía (như đường cát bình thường) nhưng công đoạn chế biến phức tạp hơn. Người ta làm đường phèn bằng cách nấu sôi đường cát với trứng gà và nước vôi, hớt bọt rồi thả những cái đũa có buộc các búi chỉ vào, để khô thành những cục đường kết tinh trong suốt gọi là đường phèn. Đường phèn có vị thanh và dịu hơn đường cát. Vì nhìn giống đá băng nên đường phèn còn có tên là băng đường.

    Đường phèn

    Đường phèn

  8. Kẹo gương
    Một loại kẹo đặc sản của tỉnh Quảng Ngãi, làm từ đường cát, mạch nha, đậu phộng và mè, có vị thơm ngọt. Có tên gọi như vậy, có lẽ vì kẹo có vỏ mỏng, màu vàng trong suốt, óng ánh như gương.

    Kẹo gương

    Kẹo gương

  9. Thiên Chúa
    Ngôi tối cao trong trong Cơ Đốc giáo, được xem là đấng toàn năng tạo dựng ra toàn thể vũ trụ, duy trì công cuộc sáng tạo và cung cấp mọi sự cần dùng cho dân Chúa. Theo giáo lí của hầu hết các giáo hội thuộc cộng đồng Cơ Đốc giáo, Thiên Chúa là duy nhất, hiện hữu trong ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con (Giê-xu) và Chúa Thánh Thần. Khái niệm này cũng gọi là Tam vị nhất thể.
  10. Linh mục
    Cũng gọi là cha xứ, một chức phẩm trong Công giáo, phục vụ trong các giáo xứ, có nhiệm vụ truyền giáo, chăm sóc, lãnh đạo giáo xứ ấy.

    Linh mục Alexandre de Rhodes, người có công rất lớn trong việc định hình và phổ biến chữ quốc ngữ

    Linh mục Alexandre de Rhodes, người có công rất lớn trong việc định hình và phổ biến chữ quốc ngữ

  11. Ngô Đình Diệm
    (1901 – 1963) Tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng hòa ở miền Nam khi nước ta bị chia cắt sau Hiệp định Genève 1954. Ông và em trai - đồng thời là cố vấn - Ngô Đình Nhu bị ám sát trong cuộc đảo chính 1963. Thân phụ ông là quan đại thần nhà Nguyễn Ngô Đình Khả.

    Ngô Đình Diệm

    Ngô Đình Diệm

  12. Tếch
    Bỏ đi, chuồn đi.
  13. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  14. Khang nhã
    Nhàn nhã, nhẹ nhàng, thanh thản, yên vui (chữ Hán).
  15. Người hiền
    Người có đức hạnh, tài năng.
  16. Chợ Gò Chàm
    Tên một phiên chợ ở Bình Định. Trước đây chợ ở cách thị trấn Bình Định khoảng hai cây số về phía Bắc. Vùng này có tên là xứ Lam Kiều vì trồng nhiều cây chàm để nhuộm vải, vì vậy chợ có tên chữ là Lam Kiều thị. Đúng ra phải gọi là chợ Cầu Chàm, nhưng dân chúng lại quen gọi là chợ Gò Chàm. Bởi đó, có người còn cho rằng chợ được lập trên vùng đất gò có nhiều mồ mả người Chàm. Năm 1940, chợ Gò Chàm dời vào khu đất phía đông bắc bên ngoài thành Bình Ðịnh, sát với khu phố của thị trấn và đổi tên là chợ Bình Ðịnh, hay chợ Thành, nhưng dân chúng vẫn quen gọi tên cũ. Chợ mới vẫn giữ vai trò lớn nhất tỉnh, nhóm chợ mỗi ngày và mỗi tháng có sáu phiên vào các ngày mồng 3, 8, 13, 18, 23, 28. Ngoài ra, xưa nay vẫn giữ lệ phiên chợ 23, 28 tháng chạp âm lịch nhóm suốt ngày đêm và đông hơn các phiên chợ khác trong năm.

    Chợ Bình Định ngày nay

    Chợ Bình Định ngày nay

  17. Chợ Giã
    Còn gọi là chợ Quy Nhơn, một phiên chợ ở tỉnh Bình Định, thuộc làng Chánh Thành (bao gồm phường Hải Cảng, Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo và phường Lê Lợi ngày nay), cùng với chợ Thị Nại (chợ Quy Nhơn ngày nay) là những trung tâm mua bán sầm uất vào bậc nhất của cảng Thị Nại với các sản phẩm như gạo, củi, vôi, ngư cụ dưới thời nhà Nguyễn.
  18. Chợ Dinh
    Một ngôi chợ nay thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
  19. Chợ Huyện
    Một địa danh nay là làng Vinh Thạnh, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Chợ Huyện nổi tiếng với món nem chua cùng tên.

    Cổng làng Chợ Huyện

    Cổng làng Chợ Huyện

  20. Nem chợ Huyện
    Nem ở huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Đây là đặc sản rất nổi tiếng của tỉnh Bình Định.

    Nem chợ Huyện

    Nem chợ Huyện

  21. Quán Ngỗng
    Một cái chợ ở thôn Chánh Định, xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, sát với huyện An Nhơn, Bình Định. Chợ Quán Ngỗng hình thành từ thời kì người Chàm thành Đồ Bàn sống chung với người Việt, (khoảng thế kỉ 17, 18). Có tên như vậy vì chợ bán nhiều gia cầm.
  22. Gò Chim
    Tên một cái chợ ở thôn Phú Giáo xã Cát Thắng, huyện Phù Cát, Bình Định. Trước kia chợ nổi tiếng có nhiều thợ bạc khéo tay. Ngày nay chợ vẫn còn hoạt động.
  23. Cầu Chàm
    Tên chữ là Lam Kiều, một địa danh nằm ở phía Bắc Bình Định ngày trước. Tại đây có trồng nhiều cây chàm để nhuộm nên gọi là Cầu Chàm, sau đọc trại ra thành Gò Chàm.
  24. Đập Đá
    Một địa danh nay là một phường thuộc thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Ngày xưa đây là vùng sông nước, nhân dân phải đắp đập bổi để canh tác, gọi là đập Thạch Yển, sau là đập Thạch Đề tức là Đập Đá. Nằm ở phía đông thành Đồ Bàn xưa của Chiêm Thành và thành Hoàng Đế sau này của vua Tây Sơn Nguyễn Nhạc, nơi đây hội tụ nhiều ngành nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo để cung cấp cho vua quan và các thân bằng quyến thuộc chi dùng: dệt vải, rèn, đúc đồng, gốm, kim hoàn...

    Hiện nay Đập Đá là một địa điểm du lịch có tiếng của Bình Định.

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

    Nghề dệt sợi ở Đập Đá

  25. Vũng Nồm
    Địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Xương Lý.

    Vũng Nồm

    Vũng Nồm

  26. Vũng Bấc
    Một địa danh thuộc xã Nhơn Lý, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định hiện nay, còn có tên là thôn Hưng Lương.

    Vũng Bấc

    Vũng Bấc

  27. Phù Mỹ
    Một huyện đồng bằng ven biển của tỉnh Bình Định. Thắng cảnh của Phù Mỹ tuy hoang sơ nhưng đẹp như: Chùa Hang, Giếng Tiên, di tích lịch sử đèo Nhông, đặc biệt phía đông là một vùng biển đẹp kéo dài từ Vĩnh Lợi đến cửa Hà Ra.
  28. Phù Cát
    Một huyện miền biển thuộc tỉnh Bình Định. Huyện có nhiều cảnh đẹp như bãi biển Cát Tiến, Đề Gi, suối nước nóng Hội Vân chùa Ông Núi... nổi tiếng nhất có lẽ là hòn Vọng Phu ở Núi Bà. Phù Cát còn có các làng nghề truyền thống như: đan lát Trung Chánh, gạch ngói Gia Thạnh, làng muối Đức Phổ, nước mắm cá cơm Đề Gi, đá mĩ nghệ Cát Tường...

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

    Biển Trung Lương (Cát Tiến)

  29. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  30. Bình Khê
    Tên cũ của huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

    Bảo tàng Quang Trung thuộc Tây Sơn, Bình Định

  31. Mướp đắng
    Miền Trung và miền Nam gọi là khổ qua (từ Hán Việt khổ: đắng, qua: dưa) hoặc ổ qua, một loại dây leo thuộc họ bầu bí, vỏ sần sùi, vị đắng, dùng làm thức ăn hoặc làm thuốc.

    Mướp đắng

    Mướp đắng

  32. Lạo
    Động tác đưa mái chèo hơi xuôi ra sau, lắc nhẹ cho thuyền đi với tốc độ chậm. Cách chèo này thường được dùng khi chèo thuyền trong phạm vi hẹp như kênh, rạch.
  33. Thạch bàn
    Phiến đá lớn, phẳng như cái mâm.
  34. Bành Tổ
    Cũng có tên là Bành Khang, một nhân vật trong truyền thuyết Trung Quốc. Chuyện kể rằng một hôm Bành Khang nấu một nồi canh gà rừng dâng lên Ngọc Hoàng. Ngọc Hoàng ưng ý, liền bảo: "Nhà ngươi đếm trên mình gà có bao nhiều sợi lông màu sắc rực rỡ thì nhà ngươi sống được bấy nhiêu tuổi". Bành Khang tìm lại đống lông gà, đếm được 800 sợi, nhờ đó sống được 800 tuổi.

    Trong văn hóa Trung Quốc, ông Bành Tổ được xem là biểu tượng cho sự trường thọ.

  35. Câu này lấy từ lời than của thầy Tử Lộ:

    Mộc dục tịnh nhi phong bất đình
    Tử dục dưỡng nhi thân bất tại

    Nghĩa là:
    Cây muốn lặng mà gió chẳng ngừng
    Con muốn nuôi mà cha mẹ không còn sống.

  36. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  37. Trường linh
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Trường linh, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  38. Gió Lào
    Loại gió khô và nóng xuất hiện ở nước ta từ đầu tháng tư đến giữa tháng chín. Vì hình thành từ vịnh Thái Lan, di chuyển theo hướng Tây Nam - Đông Bắc qua Campuchia và Lào, vượt Trường Sơn vào nước ta nên gió có tên là gió Lào, còn có các tên là gió nam hoặc gió phơn Tây Nam (foehn có nguồn gốc từ tiếng Đức föhn chỉ loại gió ấm ở vùng núi Alps). Gió thổi đập vào người nóng như cào da thịt nên cũng gọi là gió nam cào.
  39. Gió nồm
    Loại gió mát và ẩm ướt thổi từ phía đông nam tới, thường vào mùa hạ.