Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cồng
    Nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ, được làm bằng đồng thau, hình tròn như chiếc nón quai thao, đường kính khoảng từ 20 cm đến 60 cm, ở giữa có hoặc không có núm. Người ta dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Cồng, chiêng càng to thì tiếng càng trầm, càng nhỏ thì tiếng càng cao. Nhân dân ta thường đánh cồng chiêng trong các dịp lễ hội, hoặc khi ra trận để cổ vũ tinh thần quân sĩ.

    Cồng chiêng

    Cồng chiêng

  2. Chiêng
    Nhạc cụ bằng đồng thau, hình tròn, giữa có thể có hoặc không có núm nổi lên. Người ta đánh chiêng bằng dùi gỗ có quấn vải mềm, hoặc bằng tay. Cồng, chiêng là các nhạc cụ đặc trưng cho các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên.

    Đánh chiêng

    Đánh chiêng

  3. Hò hụi
    Một loại hình hò ở các tỉnh Bắc Trung Bộ (Bình-Trị-Thiên), được hò khi chèo đò. Khi hò, người hò chêm vào các tiếng "hụi hò khoan" đánh nhịp với tay chèo đò. Nghe một bài Hò hụi.
  4. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  5. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  6. Mậm
    Mầm (thường dùng cho các loại cây lương thực như lúa, ngô). Lúa mọc mậm là lúa đã mọc mầm, rễ từ hạt, thường là do ngâm lâu dưới nước.
  7. Hàng Nồi
    Thời Pháp thuộc tên Rue de Paris, nay là phố Nguyễn Thiện Thuật, một phố cổ ở thành phố Nam Định.
  8. Bạch
    Màu trắng (chữ Hán).
  9. Diều hâu
    Loài chim dữ, mỏ quặp, có thị lực rất sắc bén, hay bắt gà, chuột, rắn.

    Một loại diều hâu

    Một loại diều hâu

  10. Chèo chẹo
    Đòi hỏi điều gì dai dẳng đến nỗi gây khó chịu cho người khác (thường để nói trẻ nhỏ).
  11. Nuôi ong tay áo
    Ong tay áo là một loại ong màu đen rất quen thuộc với những người dân ở các tỉnh Bắc Giang, Phú Thọ, Điện Biên... Tổ ong buông thụng xuống như hình dáng ống tay áo nên mới được gọi như vậy. Khi ong tay áo không tìm được chỗ làm tổ trên cây, chúng thường chọn những cột gỗ ngoài hiên, ngoài hè để làm tổ. Theo quan niệm xưa, loại ong này làm tổ trong nhà thường mang đến những điều không may mắn cho gia chủ, đồng thời có thể tấn công chủ nhà, vì vậy người ta thường hun khói để xua đuổi chúng.
  12. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  14. Nghì
    Cách phát âm xưa của từ Hán Việt nghĩa. Ví dụ: nhất tự lục nghì (một chữ có sáu nghĩa), lỗi đạo vô nghì (ăn ở không có đạo lý tình nghĩa).
  15. Cà thâm
    Cà muối bị lọt gió, đổi sang màu thâm.

    Cà muối

    Cà muối

  16. Hòn son phụng
    Thỏi son có hình con phượng.
  17. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  18. Vùng
    Cánh đồng lớn gồm nhiều mảnh ruộng cùng độ cao.