Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lý qua cầu
    Tên một điệu lý (một thể loại dân ca) rất phổ biến ở Nam Bộ. Đây chính là bài lý được nhắc đến trong bài thơ cùng tên của nhà thơ Bế Kiến Quốc, đã được nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành bài hát Ngẫu hứng lý qua cầu.

    Nghe ca sĩ Hương Lan trình bày một bản Lý qua cầu.

  2. Ninh Quới
    Một xã nay thuộc huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
  3. Vú dài ba thước
    Hình tượng được dùng trong văn học, sử sách cổ để chỉ người phụ nữ kiệt xuất, thường là Bà Triệu. Sách Giao Chỉ chí chép:

    Trong núi ở quận Cửu Chân có người con gái họ Triệu, vú dài ba thước, không lấy chồng, họp đảng cướp bóc các quận, huyện, thường mặc áo ngắn màu vàng, chân đi giày mũi cong, ngồi đầu voi mà chiến đấu, sau chết làm thần.

  4. Bà Triệu
    Tên gọi dân gian của Triệu Quốc Trinh, nữ anh hùng dân tộc, thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa nông dân chống lại ách thống trị của nhà Ngô (Trung Quốc) vào năm 248. Theo truyền thuyết, mỗi khi ra trận bà cưỡi con voi trắng một ngà, tự tay đánh cồng để khích lệ tinh thần quân sĩ. Quân Ngô khiếp sợ trước uy bà, có câu:

    Hoành qua đương hổ dị
    Đối diện Bà vương nan

    (Vung giáo chống cọp dễ
    Giáp mặt vua Bà khó)

    Theo Việt Nam sử lược, sau khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) vào năm Mậu Thìn (248), lúc mới 23 tuổi.

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

    Bà Triệu (tranh Đông Hồ)

  5. Ăn de
    Ăn nhín, ăn dè.
  6. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  7. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  8. Miếu
    Trung và Nam Bộ cũng gọi là miễu, một dạng công trình có ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng trong văn hóa nước ta. Nhà nghiên cứu Toan Ánh trong Tín ngưỡng Việt Nam, quyển thượng, cho rằng: Miếu cũng như đền, là nơi quỷ thần an ngự. Miếu nhỏ hơn đền, thường xây theo kiểu hình chữ nhật với hai phần cách nhau bởi một bức rèm, nội điện bên trong và nhà tiền tế bên ngoài… Miếu thường được xây trên gò cao, nơi sườn núi, bờ sông hoặc đầu làng, cuối làng, những nơi yên tĩnh để quỷ thần có thể an vị, không bị mọi sự ồn ào của đời sống dân chúng làm nhộn. Trong miếu cũng có tượng thần hoặc bài vị thần linh, đặt trên ngai, ngai đặt trên bệ với thần sắc hoặc bản sao…

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

    Miếu Nhị Phủ ở Sài Gòn

  9. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  10. Đếch, đác, ghe, đồ đều là các từ dân gian chỉ bộ phận sinh dục nữ.
  11. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  12. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  13. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  14. An Khê
    Tên một cái đèo giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai, đồng thời cũng là tên một trong hai thị xã của tỉnh Gia Lai. Khu vực An Khê đồi núi trập trùng, hiểm trở, nên được nghĩa quân Tây Sơn chọn làm căn cứ địa trong những ngày đầu kháng chiến.

    Đèo An Khê

    Đèo An Khê

  15. Hòn Ông Bình
    Một ngọn núi nhỏ ở chân đèo An Khê, tỉnh Bình Định. Theo Quách Tấn, Nước non Bình Định, Nam Cường xuất bản, 1967, tr.53:

    Hòn Ông Bình nằm phía tây thôn Thượng Giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kì vĩ và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía Bắc, có đường đèo đi từ Đồng Hào ở ngả Đông, lên Trạm Gò. Cửu An ở ngả Tây. Đèo này gọi là Đèo Vạn Tuế, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm nên rất khó đi. Ở triên phía Nam có con đường mòn chạy theo hướng Đông Nam để đến đèo An Khê.

  16. Quang Trung Nguyễn Huệ
    (1753 – 1792) Người anh hùng áo vải của dân tộc ta, người lãnh đạo phong trào Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài giữa hai vương triều chúa Nguyễn ở Đàng Trong và chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Ông là một trong những nhà chính trị tài giỏi với nhiều cải cách xây dựng đất nước, quân sự xuất sắc trong lịch sử, với những trận đánh trong nội chiến và chống ngoại xâm chưa thất bại lần nào.

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

    Tượng đài hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ

  17. Lượm
    Nhặt (phương ngữ miền Trung và Nam Bộ).
  18. Gàu
    Đồ dùng để kéo nước từ giếng hay tát nước từ đồng ruộng. Trước đây gàu thường được đan bằng tre hoặc làm từ bẹ cau, sau này thì gàu có thể được làm bằng nhựa hoặc tôn mỏng.

    Tát gàu sòng

    Tát gàu sòng

  19. Bể
    Biển (từ cũ).
  20. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  21. Phảng
    Một nông cụ dùng để phát cỏ của người Nam Bộ. Theo Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, nó là công cụ cải tiến từ dụng cụ phát cỏ của người Khơ-me và nông cụ rựa phát bờ của nông dân Trung Bộ. Phảng làm bằng sắt, lưỡi dài ngắn khác nhau tùy loại, không sắc lắm. Có nhiều loại phản: phảng giò nai, phảng nắp, phảng gai, phảng cổ cò, phảng cổ lùn...

    Các loại phảng

    Các loại phảng

  22. Thờn bơn
    Còn gọi là cá bơn, một loại cá thân dẹp, hai mắt nằm cùng một bên đầu. Vì vị trí hai mắt như vậy nên khi nhìn chính diện có cảm giác miệng bị méo.

    Cá thờn bơn

    Cá thờn bơn

  23. Đông Thái
    Tên một làng thuộc huyện La Sơn, nay là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là quê hương của nhà yêu nước Phan Đình Phùng, lãnh tụ cuộc khởi nghĩa Hương Khê thuộc phong trào Cần Vương.
  24. Yên Hồ
    Một địa danh nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Thời nhà Trần vùng này gọi là Bà Hồ, thời Lê gọi là Bình Hồ; theo phỏng đoán của các nhà nghiên cứu, tên Yên Hồ có lẽ có từ đời Tây Sơn.
  25. Cơ đồ
    nghĩa là nền, đồ là bức vẽ. Theo Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh: [Cơ đồ là] cơ nghiệp bản đồ, kể về việc cả nước, hoặc việc vương bá. Nền tảng kế hoạch, kể về việc thông thường.
  26. Đông Giàng
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Thượng Đạt, tỉnh Hải Dương, nằm ở ngạn Bắc sông Thái Bình.
  27. Lai Hạ
    Địa danh nay là một xã nằm về phía Đông huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh, bên bờ sông Thái Bình.
  28. Đại giang Đông Giàng, tiểu giang Lai Hạ
    Tương truyền năm 1282, đời vua Trần Nhân Tông, Nguyễn Thuyên người huyện Thanh Lâm (nay là Cẩm Bình, Hải Dương) giỏi chữ Nôm, làm văn tế ném xuống sông đuổi được cá sấu hại dân chài. Vua xem việc này giống như việc Hàn Dũ (đời nhà Đường - Trung Quốc) đuổi cá sấu, cho đổi thành họ Hàn (Hàn Thuyên), và cho hưởng nguồn lợi trên sông. Từ đó dân Đông Giàng được hưởng lợi trên sông lớn (Đại giang tức sông Thái Bình) còn dân Lai Hạ hưởng lợi trên các sông nhánh (tiểu giang) của sông Thái Bình.

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên

    Bài văn tế cá sấu của Hàn Thuyên

  29. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  30. Trà My
    Một địa danh thuộc miền núi của tỉnh Quảng Nam, nay là hai huyện Bắc Trà My và Nam Trà My, là địa bàn sinh sống của các dân tộc Ca Dong (Xê Đăng), M'nông, Co và Kinh. Trà My từ lâu nổi tiếng với đặc sản là cây quế.
  31. Tiên Phước
    Địa danh nay là một huyện trung du nằm ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Tam Kỳ chừng 25km về phía Tây. Ở đây có đặc sản là tiêu Tiên Phước, một loại tiêu có vị cay nồng nhưng rất thơm. .

    Vườn tiêu Tiên Phước

    Vườn tiêu Tiên Phước

  32. Mì Quảng
    Một món ăn đặc trưng của tỉnh Quảng Nam, làm từ sợi mì bằng bột gạo xay mịn và tráng thành từng lớp bánh mỏng, sau đó thái theo chiều ngang để có những sợi mì mỏng. Dưới lớp mì là các loại rau sống, trên mì là thịt heo nạc, tôm, thịt gà cùng với nước dùng được hầm từ xương heo. Người ta còn bỏ thêm đậu phụng rang khô và giã dập, hành lá thái nhỏ, rau thơm, ớt đỏ... vào bát mì để thêm hương vị.

    Mì Quảng

    Mì Quảng

  33. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  34. Bí ngô
    Một giống bí cho quả tròn, khi chín thịt có màu đỏ hoặc vàng cam, dùng để nấu canh. Tùy theo vùng miền mà người ta gọi là bí ngô, bí đỏ, hoặc bí rợ.

    Bí đỏ

    Bí đỏ

  35. Đậu nành
    Một giống đậu rất phổ biến ở nước ta và trên cả thế giới. Hạt đậu nành được sử dụng rất đa dạng, bao gồm dùng trực tiếp (rang, luộc, nấu canh, nấu chè...) hoặc chế biến thành đậu phụ, ép thành dầu đậu nành, nước tương, làm bánh kẹo, sữa...

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

    Hạt và các sản phẩm từ đậu nành

  36. Dưa chuột
    Một giống dưa cho quả vỏ xanh, có nhiều nước, ăn rất mát. Dưa chuột còn là một vị thuốc dân gian, có tác dụng giảm đau, giảm rát họng, làm đẹp da. Ở miền Nam, giống dưa này được gọi là dưa leo.

    Dưa chuột

    Dưa chuột

  37. Dưa gang
    Một loại dưa quả dài, vỏ xanh pha vàng cam (càng chín sắc vàng càng đậm), kích thước tương đối lớn.

    Dưa gang

    Dưa gang