Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lọ là
    Chẳng lọ, chẳng cứ gì, chẳng cần, hà tất (từ cũ).

    Bấy lâu đáy bể mò kim,
    Là nhiều vàng đá phải tìm trăng hoa?
    Ai ngờ lại họp một nhà,
    Lọ là chăn gối mới ra sắt cầm!

    (Truyện Kiều)

  2. Phúc đẳng hà sa
    Phúc nhiều như cát ở sông (thành ngữ Hán Việt). "Hà sa" nguyên trong câu thành ngữ "Hằng hà sa số" trong Phật giáo, nghĩa là số lượng cát của sông Hằng (một con sông lớn ở Ấn Độ, có cát rất mịn).
  3. Tây Nguyên
    Khu vực địa lí hiện nay bao gồm năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng, nằm ở vùng Nam Trung Bộ. Tây Nguyên nằm ở độ cao 500-600m so với mặt nước biển, trập trùng đồi núi, là nơi sinh sống của nhiều dân tộc: Kinh, Gia Rai, Ba Na, Ê Đê, Xê Đăng, Mơ Nông... và nhờ vậy mà có những nét văn hóa riêng hết sức độc đáo: đàn T'rưng, nhà sàn, rượu cần, cồng chiêng...

    Cồng chiêng Tây Nguyên

    Cồng chiêng Tây Nguyên

  4. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  5. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  6. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.
  7. Son
    Màu đỏ.
  8. Chùa Sét
    Còn có tên là chùa Đại Bi, một ngôi chùa nay nằm ở thôn Giáp Lục, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Chùa được xây dựng vào thời Hậu Lê, thờ Phật và Tứ Pháp.

    Chùa Sét

    Chùa Sét

  9. Sống phá rối thị trường, chết chật đường chật xá
    Câu nói được cho là của người Sài Gòn xưa về Hoa kiều: họ rất giỏi buôn bán, có khi câu kết với nhau lũng đoạn thị trường gây khó khăn không ít cho người Việt; khi chết, theo phong tục, người Hoa làm tang lễ rất linh đình, nhiều lúc gây ảnh hưởng tới cộng đồng.
  10. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  11. Cá kèo
    Còn gọi là cá bống kèo, là loài cá phổ biến ở miền Tây Nam Bộ. Cá kèo có đầu nhỏ hình chóp, thân hình trụ dài, dẹp dần về phía đuôi, có màu ửng vàng, nửa trên của thân có chừng 7-8 sọc đen hướng hơi xéo về phía trước, các sọc này rõ dần về phía đuôi. Cá kèo sống chui rúc trong bùn và đào hang để trú. Thịt cá kèo mềm, được chế biến thành nhiều món ăn ngon như lẩu cá kèo, cá kho tộ, cá kho rau răm, cá kèo nướng....

    Cá kèo nướng ống trúc

    Cá kèo nướng ống sậy

  12. Cố tri
    Người quen biết cũ (từ Hán Việt).

    Xưa từng có xóm có làng
    Bà con cô bác họ hàng gần xa
    Con trâu, con chó, con gà
    Đàn cò, lũ sẻ, đều là cố tri.

    (Mộc mạc - Võ Phiến)

  13. Sịa
    Một địa danh nay là tên thị trấn của huyện Quảng Điền nằm ở phía bắc của Thừa Thiên-Huế, cách thành phố Huế khoảng 30km theo hướng Đông trên Quốc lộ 1. Về tên Sịa, có một số giả thuyết:

    - Sịa là cách đọc trại của sỉa, cũng như sẩy (trong sẩy chân), nghĩa là vùng trũng, vùng sỉa, lầy.
    - Sịa là cách đọc trại của sẻ. Vùng Sịa xưa là vùng có nhiều lúa, chim sẻ thường về.
    - Sịa là cách đọc trại của sậy, vì trước đây vùng này nhiều lau sậy.

  14. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  15. Cơi
    Đồ dùng thường bằng gỗ, thường có nắp đậy, dùng đựng các vật lặt vặt hoặc để đựng trầu.

    Cơi đựng trầu

    Cơi đựng trầu

  16. Con giáp
    Tên người Việt Nam thường dùng để gọi mười hai con vật tượng trưng cho mười hai chi trong âm lịch, gồm có: Tý, Sửu, Dần, Mão (Mẹo), Thìn, Tị, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.
  17. Theo phong thủy, tuổi Dần và Tuất thuộc cung "tam hợp." Những người thuộc các cung này được cho là có tính tình hòa hợp, dễ hóa giải cho nhau.
  18. Sông Thao
    Tên gọi của sông Hồng, đoạn từ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đến "ngã ba sông" ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô và sông Đà đổ vào sông Hồng. Sông Thao gắn liền với những chiến công oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.
  19. Vũ Yển
    Một làng nay là xã Vũ Yển thuộc huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, nằm ở tả ngạn sông Thao. Làng xưa còn được gọi là làng Ẻn hoặc phố Ẻn.
  20. Núi Thiên Ấn
    Gọi tắt là núi Ấn, dân gian còn gọi là núi Hó, là một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, cao chừng 100m, bốn phía sườn có hình thang cân như chiếc ấn niêm cạnh dòng sông nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà. Cùng với sông Trà, núi Ấn được xem là biểu tượng của Quảng Ngãi, vì thế Quảng Ngãi còn được gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  21. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  22. Trà Khúc
    Tên con sông lớn nhất chảy qua các huyện Sơn Hà, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, thành phố Quảng Ngãi thuộc tỉnh Quảng Ngãi và đổ ra cửa Đại Cổ Lũy. Sông Trà Khúc và núi Thiên Ấn là biểu tượng của tỉnh Quảng Ngãi, còn gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Sông Trà Khúc

    Sông Trà Khúc

  23. Lời nói gói vàng
    Lời nói nếu khéo sử dụng cũng có giá trị như gói vàng.
  24. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  25. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương