Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đội
    Một chức vụ trong quân đội thời thực dân Pháp, tương đương với tiểu đội trưởng hiện nay (Đội Cung, Đội Cấn...).
  2. Một chức vụ trong quân đội.
  3. Ngãi
    Nghĩa, tình nghĩa (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  5. Của ăn hay hết người còn thấy nhau
    Của cải là thứ tạm thời, con người ăn ở, cư xử với nhau mới là thứ bền lâu. Có câu tương tự: Của vắn mặt dài hay Người đời của tạm.
  6. Oan gia
    Người thù ghét (từ Hán Việt).
  7. Tân Phước
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.
  8. Rạch Già
    Tên một xóm thuộc Tân Phước, Tiền Giang. Đây là một trong những địa bàn chiến đấu của nghĩa quân Trương Định, và hiện vẫn còn miếu thờ ông.
  9. Cá lóc
    Còn có các tên khác là cá tràu, cá quả tùy theo vùng miền. Đây là một loại cá nước ngọt, sống ở đồng và thường được nuôi ở ao để lấy giống hoặc lấy thịt. Thịt cá lóc được chế biến thành nhiều món ăn ngon. Ở miền Trung, cá tràu và được coi là biểu tượng của sự lanh lợi, khỏe mạnh, vì thế một số nơi có tục ăn cá tràu đầu năm.

    Cá lóc

    Cá lóc

  10. Chành rành
    Còn gọi chành ràng, chằn rằn, một loại cây bụi hoặc cây gỗ nhỏ có vỏ trắng, lá vò ra có mùi thơm, thường mọc trên các đồi cát dọc bờ biển. Lá, vỏ, gỗ và hạt chành rành đều được làm vị thuốc Đông y. Ở một số nơi người ta cũng bó chành rành làm chổi quét sân, làm roi trị tội trẻ con.

    Lá và hoa chành rành

    Lá và hoa chành rành

  11. Chạp mả
    Một phong tục của dân ta, thường hàng năm vào tháng chạp âm lịch, người ta đi thăm và sửa sang lại mồ mả người thân trong gia đình.
  12. Hương nguyền
    Nén hương thắp lúc thề nguyền.

    Mất người còn chút của tin
    Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa
    Mai sau dù có bao giờ
    Đốt lò hương ấy, so tơ phím này
    Trông ra ngọn cỏ lá cây
    Thấy hiu hiu gió thì hay chị về

    (Truyện Kiều - Nguyễn Du)

  13. Đá vàng
    Cũng nói là vàng đá, lấy ý từ từ Hán Việt kim thạch. Kim là kim khí để đúc chuông, đỉnh. Thạch là đá. Ngày trước, những lời vua chúa hoặc công đức của nhân vật quan trọng được khắc ghi trên bia đá hay chuông, đỉnh đồng để lưu truyền mãi mãi. Đá vàng vì thế chỉ sự chung thủy son sắt, hoặc sự lưu truyền tên tuổi mãi mãi về sau.
  14. Quảng Ngãi
    Địa danh nay là một tỉnh nằm ở duyên hải Nam Trung Bộ, nằm hai bên bờ sông Trà Khúc, được mệnh danh là vùng đất Núi Ấn Sông Trà. Quảng Ngãi là mảnh đất có bề dày lịch sử về văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa, đặc biệt là hệ thống thành lũy Chàm. Tại đây cũng nổi tiếng cả nước với đặc sản đường mía (đường phèn, đường phổi, mạch nha...) và tỏi ở Lý Sơn.

    Núi Ấn

    Núi Ấn sông Trà

  15. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  16. Thủ khoa
    Đứng đầu trong một kì thi (từ Hán Việt).
  17. Bài ca dao này thật ra là từ hai câu ca dao đối đáp nhau của người dân Bình Định và Quảng Ngãi. Nguyên vào đời vua Tự Đức năm thứ 4 (1851), triều đình cho lập trường thi Hương đầu tiên tại Bình Định dành riêng cho sĩ tử thuộc các tỉnh từ Quảng Ngãi vào Bình Thuận. Ba khoa thi đầu tiên (Nhâm Tí 1852, Ất Mão 1855 và Mậu Ngọ 1858) sĩ tử Bình Định giành trọn giải nguyên (đỗ đầu), sĩ tử Quảng Ngãi chỉ được á nguyên (hạng nhì). Từ đó người Bình Định có câu ca dao:

    Tiếc công Quảng Ngãi đường xa,
    Để cho Bình Định thủ khoa ba lần.

    Sang đến khoa Mậu Thìn (1868), Canh Ngọ (1870) và các khoa về sau, sĩ tử Quảng Ngãi đều chiếm được giải nguyên, từ đó có câu ca dao đáp trả:

    Tiếc công Bình Định xây thành,
    Để cho Quảng Ngãi vô giành thủ khoa.

  18. Mành mành
    Đồ dùng được làm từ tre, gỗ hoặc nhựa, thường được treo ở cửa chính hoặc cửa sổ nhà ở để che bớt ánh sáng.

    Mành mành

    Mành mành

  19. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  20. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  21. Bông vải
    Một loại cây thấp, được trồng từ rất sớm. Hoa bông mới trổ có màu trắng sữa, sau chuyển thành màu trắng phấn. Tiếp đó xuất hiện múi bông, sau 6 đến 9 tuần thì múi bông chín muồi chuyển sang màu nâu, khi nở lộ ra chất sợi mềm màu trắng. Sợi này là lông dài, mọc trên vỏ của hạt bông. Người ta thu hoạch bông để kéo sợi, dệt thành vải.

    Bông vải

    Hoa bông vải

  22. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  23. Phương tiện di chuyển trên nước, đóng bằng cách cột nhiều thân cây (tre, nứa, gỗ...) với nhau.

    Chèo bè đi học

    Chèo bè đi học

  24. Xống
    Váy (từ cổ).
  25. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  26. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  27. Mai thích Huế, xế thích Quảng
    Tính tình đồng bóng, lúc thế này, lúc thế khác. Buổi mai, buổi sáng thì thích Huế, xế chiều thì lại thích Quảng.
  28. Nhân tâm
    Lòng người (từ Hán Việt).
  29. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  30. Bạn
    Người bạn gái, thường được dùng để chỉ người mình yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  31. An Nam
    Tên gọi của nước ta trong một số giai đoạn lịch sử. Tiêu biểu nhất có lẽ là dưới thời kì đô hộ của thực dân Pháp, khi nước ta bị chia thành ba kỳ.