Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  2. Nhài
    Còn gọi là lài, loại cây nhỏ có hoa màu trắng rất thơm. Nhân dân ta thường dùng hoa lài để ướp trà.

    Bông hoa nhài

    Bông hoa lài (nhài)

  3. Hoa khoai lang

    Hoa khoai lang

  4. Đồng cốt
    Người được cho là có khả năng đặc biệt, có thể cho thần linh, ma quỷ, hồn người đã chết mượn thể xác (xương cốt) của mình trong chốc lát, qua đó các linh hồn này có thể giao tiếp với người đang sống.

    Một bà đồng ngày xưa

    Một bà đồng ngày xưa

  5. Trống chầu
    Loại trống lớn thường được đặt trên giá gỗ, đánh bằng dùi lớn trong các buổi hát bội, lễ hội đình chùa. Lưu ý: phân biệt với loại trống chầu gõ trong các buổi hát ả đào ở miền Bắc.

    Trống chầu

    Trống chầu

  6. Múa bông
    Cũng gọi là múa bài bông, một cách múa trong lễ lên đồng, trong đó người múa (con hát) đeo trên vai hai ngọn đèn làm hình hoa sen thắp lên rồi vừa múa vừa tiến lui ngang dọc.

    Một thằng đầu trọc ngồi khua mõ
    Hai ả tròn xoe đứng múa bông

    (Ông sư và mấy ả lên đồng - Tú Xương)

  7. Tâu rỗi
    Tâu gởi mà cứu ai, hoặc cho ai khỏi chết. (Đại Nam quấc âm tự vị - Huình Tịnh Của)
  8. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  9. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  10. Bảo Đại tứ niên
    Bảo Đại năm thứ 4, tức năm 1929.
  11. Sâu keo
    Một loại sâu ăn lúa, phá hoại mùa màng, phát triển mạnh có thể tạo thành nạn dịch.

    Sâu keo

    Sâu keo

  12. Ngũ tỉnh
    Năm tỉnh giáp với Hà Nội: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Khái niệm này được dùng trong một số giai đoạn lịch sử của nước ta.
  13. Đồn điền
    Trang trại có quy mô lớn, trồng những loại cây công nghiệp như bông gòn, thuốc lá, cà phê, chè, mía, cao su, cây lấy gỗ hoặc cây ăn trái. Vào thời Pháp thuộc, người Pháp mở rất nhiều đồn điền cao su, cà phê... ở các tỉnh Nam Kỳ, mộ dân phu làm lụng vô cùng cực nhọc với mức công rẻ mạt.

    Phu đồn điền cao su

    Phu đồn điền cao su

  14. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  15. Mệ
    Bà cụ già, mẹ (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  16. Cá úc
    Một loài cá da trơn, chủ yếu sống ngoài biển, một số sống trong môi trường nước lợ hay ngọt, thường thấy ở khu vực ôn đới ấm và nhiệt đới. Cá úc được chế biến thành nhiều món đặc sản Nam Bộ.

    Cá úc

    Cá úc

  17. Lọi
    Gãy lìa (phương ngữ).
  18. Cổ
    Củ (phương ngữ Trung Bộ).
  19. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  20. Thuốc xỉa
    Một nhúm thuốc lào được ngậm bằng môi trên trong lúc ăn trầu để tẩy cổ trầu (nước bọt có màu hồng) và xác trầu bám vào răng. Động tác bỏ thuốc xỉa vào miệng gọi là xỉa thuốc.
  21. Bốn dài hai ngắn
    Tiếng lóng chỉ quan tài - được lắp bằng bốn tấm ván dài và hai tấm ngắn ở hai đầu.
  22. Nứa
    Loài cây cùng họ với tre, mình mỏng, gióng dài, mọc từng bụi ở rừng, thường dùng để đan phên và làm các đồ thủ công mĩ nghệ. Ống nứa ngày xưa cũng thường được dùng làm vật đựng (cơm, gạo, muối...).

    Bụi nứa

    Bụi nứa

  23. Giang
    Một loại tre thân nhỏ vách dày, thân khá cao, mọc thành cụm, lá xanh đậm. Cũng ghi là dang ở một số văn bản.

    Rừng dang

    Rừng giang

  24. Thi lễ
    Kinh Thi và kinh Lễ, dùng để chỉ sự nền nếp, gia giáo thời phong kiến.
  25. Mĩ mạo
    Mặt đẹp (từ Hán-Việt).
  26. Đa mang
    Tự vương vấn vào nhiều tình cảm để rồi phải đeo đuổi, vấn vương, dằn vặt không dứt ra được.

    Thôi em chả dám đa mang nữa
    Chẳng buộc vào chân sợi chỉ hồng

    (Xuân tha hương - Nguyễn Bính)

  27. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  28. Màng
    Mơ tưởng, ao ước, thèm muốn (từ cổ).
  29. Kỳ ngộ
    Gặp gỡ một cách may mắn kỳ lạ (từ Hán Việt).
  30. Tương phùng
    Gặp nhau (từ Hán Việt).
  31. Tư Mã Tương Như
    Tự là Tràng Khanh, người ở Thành Ðô, đời vua Cảnh Ðế nhà Hán. Ông là một người đa tài, văn hay đàn giỏi, được phong làm quan nhưng sau đó sinh chán nên cáo bệnh từ quan. Khi ông đến nhà Trác Vương Tôn chơi, Trác Vương Tôn yêu cầu ông cho đàn một bài. Biết Trác Vương Tôn có người con gái rất đẹp tên là Văn Quân, còn trẻ mà sớm goá chồng, thích nghe đàn nên Tương Như sinh lòng yêu mến, nhân đó định trêu nàng nên vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng. Trác Văn Quân đứng nép bên trong nghe tiếng đàn thì lòng cảm thấy bồi hồi, sau bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Dập dìu lá gió cành chim,
    Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh

    (Truyện Kiều)

  32. Phượng cầu hoàng
    Nghĩa là "chim phượng trống tìm chim phượng mái," một khúc đàn được Tư Mã Tương Như gảy để tỏ tình với Trác Văn Quân. Ðây là một khúc đàn tình tứ lãng mạn:

    Phượng hề phượng hề quy cố hương
    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng
    Thời vị ngô hề vô sở tương
    Hữu diện thục nữ tại khuê phường
    Thất nhĩ ngân hà, sầu ngã trường
    Hà duyên giao cảnh vi uyên ương
    Tương hiệt ương hề cộng cao tường

    Trong Bích Câu Kỳ ngộ có câu:

    Cầu hoàng tay lựa nên vần
    Tương Như lòng ấy Văn Quân lòng nào

  33. Trác Văn Quân
    Con gái của Trác Vương Tôn, người ở đất Lâm Cùng, đời Tây Hán trong lịch sử Trung Quốc. Nàng là người con gái rất đẹp mà sớm goá chồng, thích nghe đàn. Khi nghe Tương Như vừa đàn vừa hát khúc Phượng cầu hoàng nàng đã đem lòng say mê rồi quyết bỏ nhà đi theo Tương Như.

    Như chuyện Tương Như và Trác thị,
    Đưa nhau về ở đất Lâm Cùng
    Vườn xuân trắng xóa hoa cam rụng
    Tôi với em Nhi kết vợ chồng

    (Hoa với rượu - Nguyễn Bính)

  34. Luống
    Từ dùng để biểu thị mức độ nhiều, diễn ra liên tục, không dứt.

    Vì lòng anh luống âm thầm tha thiết
    Gán đời mình trọn kiếp với Dê Sao

    (Nỗi lòng Tô Vũ - Bùi Giáng)

  35. Duyên nợ
    Theo giáo lí nhân quả của nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên (nhân duyên), và nên nghĩa vợ chồng để trả nợ từ kiếp trước.
  36. Ba sinh
    Ba kiếp người: kiếp trước, kiếp này và kiếp sau, theo thuyết luân hồi của Phật giáo. Văn học cổ thường dùng chữ "nghĩa ba sinh" hoặc "nguyện ước ba sinh" để nói về sự gắn kết nam nữ.

    Ví chăng duyên nợ ba sinh,
    Làm chi những thói khuynh thành trêu ngươi?

    (Truyện Kiều)

  37. Đồng thau
    Hợp kim của đồng và kẽm. Đồng thau có màu khá giống màu của vàng, nên khi xưa thường được dùng để đúc đồ trang trí hay làm tiền xu. Tuy nhiên, khi hơ lửa đồng thau sẽ bị xỉn màu (do bị oxy hóa) còn vàng thì không.

    Vòng tay làm bằng đồng thau

    Vòng tay làm bằng đồng thau

  38. Quan hà
    Cửa ải (quan) và sông (hà). Thường dùng để chỉ sự xa xôi cách trở.
  39. Ban sơ
    Ban đầu.