Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  2. Vải lĩnh
    Còn gọi là lãnh, loại vải dệt bằng tơ tằm nõn, một mặt bóng mịn, một mặt mờ. Lĩnh được cho là quý hơn lụa, có quy trình sản xuất rất cầu kì. Vải lãnh thường có màu đen, trơn bóng hoặc có hoa, gọi là lĩnh hoa chanh, thường dùng để may quần dài cho các nhà quyền quý. Lĩnh Bưởi ở vùng Kẻ Bưởi miền Bắc (gồm các làng An Thái, Bái Ân, Hồ Khẩu, Trích Sài) và lãnh Mỹ A ở miền Nam là hai loại vải lãnh nổi tiếng ở nước ta.

    Khăn nhỏ, đuôi gà cao
    Lưng đeo dải yếm đào
    Quần lĩnh, áo the mới
    Tay cầm nón quai thao

    (Chùa Hương - Nguyễn Nhược Pháp)

    Vải lãnh Mỹ A

    Vải lãnh Mỹ A

  3. Chao
    Dùng rổ sâu, giậm, cái chao mà múc, xúc hay hớt lấy vật gì.
  4. Nghè
    Tên gọi dân gian của học vị Tiến sĩ dưới chế độ phong kiến.
  5. Hương Cần
    Một làng bên sông Bồ, thuộc xã Hương Toàn, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên–Huế. Quýt Hương Cần là giống quýt quý hiếm nổi tiếng, sinh thời Nguyễn Du và Tùng Thiện Vương có làm thơ ca tụng.

    Quýt Hương Cần

    Quýt Hương Cần

  6. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  7. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  8. Chùa Cầu
    Tên một cây cầu đồng thời cũng là một ngôi chùa cổ ở Hội An. Cầu được các thương nhân người Nhật góp tiền xây dựng vào thế kỉ 17 (nên còn được gọi là cầu Nhật Bản), bắc ngang qua một lạch nước nhỏ chảy ra sông Thu Bồn. Năm 1653, người ta dựng thêm phần chùa, nối liền vào lan can phía Bắc, nhô ra giữa cầu, từ đó người dân gọi là Chùa Cầu. Chùa Cầu là một biểu tượng văn hóa - du lịch của Hội An.

    Chùa Cầu

    Chùa Cầu

  9. Cao lầu
    Món mì được xem là đặc sản của thị xã Hội An. Cao lầu nhìn khá giống mì Quảng với có sợi mì màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống... Khác với mì Quảng, cao lầu có rất ít nước dùng.

    Cao lầu

    Cao lầu

  10. Bánh xèo
    Một loại bánh làm bằng bột, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá, đúc hình tròn. Tùy theo mỗi vùng mà cách chế biến và thưởng thức bánh xèo có khác nhau. Ở Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, đậu phộng. Ở miền Nam, bánh có cho thêm trứng, chấm nước mắm chua ngọt. Ở miền Bắc, nhân bánh xèo còn có thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi. Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non...

    Bánh xèo

    Bánh xèo

  11. Bánh đập
    Cũng gọi là bánh dập hay bánh chập tùy theo vùng, một loại bánh phổ biến ở miền Trung. Bánh gồm một miếng bánh ướt ghép với một miếng bánh tráng nướng, xong đập nhẹ để bánh tráng nướng vỡ vụn dính chặt vào bánh ướt. Bánh đập có thể ăn riêng với mắm nêm hoặc ăn kèm với rau sống, thịt nướng...

    Bánh đập

    Bánh đập

  12. Cẩm Nam
    Một cù lao nằm ở phía Nam thành phố Hội An, gần Cửa Đại, nơi sông Thu Bồn đổ ra biển.

    Phong cảnh Cẩm Nam

    Phong cảnh Cẩm Nam

  13. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  14. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  15. Vĩnh Điện
    Địa danh nay là một thị trấn thuộc huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  16. La Qua
    Một làng thuộc tổng Hạ Nông, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, nay thuộc khối phố 3, thị trấn Vĩnh Điện, Điện Bàn, Quảng Nam. La Qua là một trong những căn cứ quan trọng của thực dân dưới thời Pháp thuộc.
  17. Đình Khao
    Tên một ngôi đình nằm ven sông Cổ Chiên, nay thuộc xã Thanh Đức, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Ngôi đình này vừa là nơi thờ Thành hoàng, vừa là nơi binh lính hoàn thành quân ngũ tập hợp về để được khao thưởng (nên mới có tên là Đình Khao). Theo một số tài liệu, đình Khao được xây cất từ thời Gia Long thứ 16 (Đinh Sửu - 1817). Năm 1867, sau khi đánh chiếm ba tỉnh còn lại của Nam Kỳ là Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên, thực dân Pháp cho triệt hạ hết các thành trì, dinh thự, lăng tẩm... của nhà Nguyễn, đình Khao và vật thờ trong đình đều bị hủy hoại. Khoảng bảy năm sau, dân làng lập chùa Bửu Lâm Tự trên nền đất cũ của đình. Đến năm 1945, giặc Pháp mở đợt ruồng bố ven sông Cổ Chiên, đốt chùa Bửu Lâm. Năm 1961, chùa được dựng lại bằng cây, mái ngói, rồi dần dần được xây dựng khang trang như hiện nay.

    Tại khu vực này cũng có các địa danh liên quan như phà Đình Khao, trung tâm hành hương Đình Khao...

    Cầu xuống phà Đình Khao

    Cầu xuống phà Đình Khao

  18. Vạc
    Một loại chim có chân cao, cùng họ với diệc, , thường đi ăn đêm, tiếng kêu rất to.

    Vạc

    Vạc

  19. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  20. Chân le chân vịt
    Trạng thái sốt ruột, đứng ngồi không yên, hoặc nửa muốn ở nửa muốn đi. Giống như một chân là chân le le (bay được), một chân là chân vịt (không bay được).
  21. Thẻ mực
    Câu mực.
  22. Khêng
    Loại giỏ đan bằng tre.
  23. Thác
    Chết, mất, qua đời (từ Hán Việt).