Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Miệt vườn
    Tên gọi chung cho khu vực nằm trên những dải đất giồng phù sa dọc theo hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang tại đồng bằng sông Cửu Long. "Miệt" là phương ngữ Nam Bộ chỉ vùng, miền. Theo nhà nghiên cứu Sơn Nam, miệt vườn bao gồm các tỉnh Tiền Giang, Gò Công, Trà Vinh, Sa Đéc, Vĩnh Long, một phần của tỉnh Cần Thơ và một phần của tỉnh Đồng Tháp. Ngành nông nghiệp chính trên những vùng đất này là lập vườn trồng cây ăn trái.  Đất đai miệt vườn là phù sa pha cát màu mỡ, sạch phèn, lại không bị ảnh hưởng của lũ lụt và nước mặn. Do vậy, miệt vuờn được coi là khu vực đất lành chim đậu, có nhiều tỉnh lị phồn thịnh, sầm uất. Nhiều loại trái cây ngon của miệt vuờn đã trở nên nổi tiếng, gắn liền với địa danh như xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang), quýt Lai Vung (Đồng Tháp), vú sữa Lò Rèn (Tiền Giang), ...

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

    Quít hồng Lai Vung (Đồng Tháp)

  2. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  3. Vầy
    Như vậy, như thế này (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  5. Lụy sa cúc dục
    Nước mắt rơi (lụy sa) vì nghĩ công nuôi nấng (cúc dục) của cha mẹ.
  6. Trần ai
    Vất vả, khổ sở.
  7. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  8. Không vãng nỏ lai
    Không qua không lại.
  9. Rứa răng
    Thế sao (phương ngữ miền Trung).
  10. Chữ thiên 天 (trời) thêm nét đầu cho nhô cao một chút nữa sẽ thành chữ phu 夫 (chồng).Ý chàng trai muốn làm quen với người phụ nữ nhưng lại sợ người ta có chồng rồi.
    Chữ phu 夫 có thêm “vết vai” thành chữ thất 失 (mất). Ý người phụ nữ muốn nói, tuy cô đã có chồng nhưng chồng cô cũng đã mất rồi.
  11. Quynh
    Đồ đan bằng tre, dùng để quây và nhốt vịt ngoài đồng.
  12. Có bản chép: Hỏi thăm chú bán cót bán quynh.
  13. Bến Ván
    Còn có tên chữ Hán là Bản Tân, một bến thuyền nằm bên hữu ngạn của con sông cùng tên. Con sông thuộc địa phận huyện Núi Thành, chảy qua An Tân và đầm An Thái, tỉnh Quảng Nam, dài độ 6 km. Có tên như vậy do ngày xưa gỗ khai thác từ nguồn Hữu Ban chuyển theo đường nước về đây được xẻ thành ván cung cấp cho ngành đóng thuyền và làm đỗ gia dụng. Bến Ván nay thuộc thị trấn Núi Thành, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
  14. Trì Bình
    Một thôn nay thuộc xã Bình Nguyên, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  15. Quán Cơm
    Tên một cái chợ nay thuộc thị trấn Sơn Tịnh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  16. Cây rơm
    Sau mỗi vụ lúa, nhân dân ta thường phơi khô thân lúa thành rơm, đánh thành đống cao đặt ở trước hoặc sau nhà, gọi là cây rơm. Rơm khô có thể dùng làm chất đốt trong sinh hoạt hằng ngày, hoặc làm thức ăn, lót ấm cho gia súc trong mùa đông. Cây rơm càng to, cao thì vụ mùa càng bội thu.

    Cây rơm

    Cây rơm

  17. Kiến bất thủ nhi tầm thiên lí
    Ở ngay trước mắt mà không giữ lấy, cứ mải đi tìm ở chốn xa xôi.
  18. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  19. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  20. Hữu ý
    Có ý, có tình (từ Hán Việt).
  21. Nam mô
    Phiên âm của từ Namo नमो (nghĩa là tôn kính hoặc hướng về) trong tiếng Sanskrit, để thể hiện sự sùng kính hoặc quy ngưỡng. Người theo đạo Phật thường dùng tiếng "Nam mô" để khởi đầu cho câu niệm danh hiệu các Phật và Bồ Tát. "Nam mô" còn đọc là "Nam vô" 南無 theo phiên âm từ tiếng Hán.
  22. Quan Âm bồ tát
    Quan Âm, Quan Thế Âm, Quán Âm, Phật Bà đều là các tên gọi khác nhau của Quán Thế Âm, một trong những vị Bồ Tát quan trọng nhất trong Phật giáo Đại thừa. Theo đạo Phật cũng như dân gian, Quan Âm có hình hài của một người phụ nữ, gương mặt hiền lành phúc hậu, đứng hoặc ngồi xếp bằng trên tòa sen, tay cầm bình nước cam lồ, thường hiện ra để cứu khổ cứu nạn - vì vậy những người gặp nạn thường niệm "Nam mô Quan Thế Âm bồ tát." Một số tài liệu, hình vẽ và tượng lại mô tả Quan Âm là một vị phật có nghìn mắt, nghìn tay để quán xuyến việc thế gian.

    Quan Thế Âm bồ tát

    Quan Thế Âm bồ tát

  23. Lạt
    Tre hoặc nứa chẻ mỏng, dẻo, dùng làm dây buộc.
  24. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  25. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  26. Huỳnh
    Đọc trại âm từ chữ Hán hoàng 黃 (nghĩa là vàng). Xưa vì kị húy với tên chúa Nguyễn Hoàng mà người dân từ Nam Trung Bộ trở vào đều đọc thế.
  27. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  28. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  29. Câu ca này tương truyền kể về Đinh Bộ Lĩnh, vị vua khởi nghiệp nhà Đinh (968-980). Đại Việt Sử Ký Toàn Thư chép:

    “Vua mồ côi cha từ bé, mẹ họ Đàm đưa gia thuộc vào ở cạnh đền sơn thần trong động. Vào tuổi nhi đồng, vua thường cùng bọn trẻ con chăn trâu ngoài đồng. Bọn trẻ tự biết kiến thức không bằng vua, cùng nhau suy tôn làm trưởng. Phàm khi chơi đùa, thường bắt bọn chúng chéo tay làm kiệu khiêng và cầm hoa lau đi hai bên để rước như nghi trượng thiên tử. Ngày rỗi, thường kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác, đến đâu bọn trẻ đều sợ phục, hàng ngày rủ nhau đến phục dịch kiếm củi thổi cơm. Bà mẹ thấy vậy mừng lắm, mổ lợn nhà cho chúng ăn. Phụ lão các sách bảo nhau: "Đứa bé này khí lượng như thế ắt làm nên sự nghiệp, bọn ta nếu không theo về, ngày sau hối thì đã muộn". Bèn dẫn con em đến theo, rồi lập làm trưởng ở sách Đào Áo. Người chú của vua giữ sách Bông chống đánh với vua. Bấy giờ, vua còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, phải thua chạy. Khi qua cầu ở Đàm Gia Nương Loan, cầu gãy, vua rơi xuống bùn, người chú toan đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hộ vệ vua, nên sợ mà lui. Vua thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục, phàm đi đánh đến đâu đều dễ như chẻ tre, gọi là Vạn Thắng Vương.”

  30. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  31. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  32. Ăn quận Năm, nằm quận Ba, múa ca quận Một, trấn lột quận Tư
    Đặc điểm của mỗi quận thuộc Sài Gòn xưa: quận Năm nổi tiếng với ẩm thực của người Hoa; quận Ba nhiều dinh thự lộng lẫy; quận Một là trung tâm mua sắm, ăn chơi; quận Bốn dành cho dân lao động nghèo, nổi tiếng là nơi tụ tập, trú ẩn của giới xã hội đen.
  33. A
    Nông cụ dùng để cắt rạ hoặc cắt cỏ, có hai lưỡi tra vào cán dài. Có nơi còn gọi là cái gạc hoặc cái trang.
  34. Lưỡi hái
    Một nông cụ có lưỡi bằng sắt sắc bén, dài và cong và có chuôi cầm bằng gỗ dài, thường dùng để phát cỏ.

    Lưỡi hái

    Lưỡi hái