Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mắt xanh
    Do điển tích Thanh Bạch Nhãn, nghĩa là mắt xanh (đồng tử), tròng trắng. Nhà thơ Nguyễn Tịch, người đời Tấn, là người rất ưa rượu và đàn. Ông làm quan rồi cáo bệnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc). Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng. Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý.

    Bấy lâu nghe tiếng má đào,
    Mắt xanh chẳng để ai vào có không?

    (Truyện Kiều)

  2. Vắn
    Ngắn (từ cổ).

    Tự biệt nhiều lời so vắn giấy
    Tương tư nặng gánh chứa đầy thuyền

    (Bỏ vợ lẽ cảm tác - Nguyễn Công Trứ)

  3. Của ăn hay hết người còn thấy nhau
    Của cải là thứ tạm thời, con người ăn ở, cư xử với nhau mới là thứ bền lâu. Có câu tương tự: Của vắn mặt dài hay Người đời của tạm.
  4. Khánh Hòa
    Một tỉnh duyên hải thuộc Nam Trung Bộ. Khánh Hòa có bờ biển dài hơn 200 km và gần 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều vịnh biển đẹp như Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh... cùng khu du lịch quốc tế bắc bán đảo Cam Ranh. Với khí hậu ôn hòa và nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng khác, Khánh Hòa đã trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước.

    Vịnh Vân Phong tỉnh Khánh Hòa

    Vịnh Vân Phong

  5. Trầm hương
    Phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của nước ta.

    Gỗ có trầm hương

    Gỗ có trầm hương

  6. Vạn Giã
    Một địa danh nay là thị trấn của huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Vạn Giã là vựa lúa lớn nhất tỉnh Khánh Hoà. Về du lịch, nơi đây có chùa Tổ đình Linh Sơn gần 300 tuổi, hằng năm có rất nhiều khách thập phương về dự lễ hội. Vịnh Vân Phong và bãi biển Đại Lãnh cũng thuộc khu vực này.

    Biển Đại Lãnh

    Biển Đại Lãnh

  7. Yến sào
    Tổ chim yến, được hình thành bằng nước bọt của chim yến, tìm thấy trên các vách đá nơi chim ở. Yến sào có hình dạng như chén trà bổ đôi, là thực phẩm rất bổ dưỡng nên từ xưa đã được coi là một món cao lương mĩ vị. Ở nước ta, yến sào nổi tiếng nhất có lẽ là ở Khánh Hòa.

    Yến sào

    Yến sào

  8. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang

  9. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  10. Trát
    Giấy truyền lệnh của quan lại ngày xưa. Từ chữ Hán 札 nghĩa là cái thẻ, vì ngày xưa không có giấy nên mọi mệnh lệnh muốn truyền đạt phải viết vào miếng gỗ nhỏ.
  11. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  12. Giồng Dứa
    Một bộ phận của Ba Giồng ở tỉnh Tiền Giang, xuất phát từ xã Tam Hiệp chạy đến cặp lộ Đông Dương (quốc lộ I) thuộc ấp Đông xã Long Định huyện Châu Thành, nằm cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 10km về phía Tây. Do ở đây có nhiều cây dứa gai mọc hoang um tùm nên nhân dân địa phương gọi là Giồng Dứa.
  13. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  14. Dục dặc
    Trắc trở, không thuận hòa (phương ngữ Phú Yên).
  15. Ông gấm
    Con beo, con báo hoa mai (phương ngữ).

    Báo hoa mai

    Báo hoa mai

  16. Truông
    Vùng đất hoang, có nhiều cây thấp, lùm bụi, hoặc đường qua rừng núi, chỗ hiểm trở (theo Đại Nam quấc âm tự vị).
  17. Bầu
    Đồ đựng rượu làm từ vỏ bầu khô, hình thuôn, đáy tròn lớn, miệng nhỏ, giữa thắt lại.

    Bầu rượu

    Bầu rượu

  18. Say hoa đắm nguyệt
    Nghĩa đen là say đắm hoa và trăng. Nghĩa bóng là say mê chuyện yêu đương trai gái.
  19. Tuồng
    Từ dùng với ý coi thường để chỉ hạng người cùng có một đặc điểm chung nào đó.
  20. Cẩm lai
    Một loại cây cao, tán rộng, cho gỗ rất cứng. Gỗ cẩm lai là một loại gỗ quý, được khai thác để làm nhà cửa, bàn ghế, đồ thủ công mĩ nghệ...

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

    Bộ bàn ghế bằng gỗ cẩm lai

  21. Cậy
    Ỷ vào sức mạnh, quyền thế hay tiền bạc.
  22. Sưa
    Còn được gọi là huỳnh đàn, trắc thối, một loại cây thân cao, tán rộng, dẻo dai, chống chịu gió bão tốt, cho gỗ quý. Gỗ sưa chắc, thơm và nặng hơn gỗ bình thường, đặc biệt có vân gỗ rất đẹp nên rất được ưa chuộng để làm những đồ mĩ nghệ có ý nghĩa phong thủy, tâm linh. Cây sưa cũng được trồng lấy bóng mát.

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

    Tượng Phật làm từ gỗ sưa

  23. Cá cơm
    Cũng gọi là cá duội (ruội) hay cá chi, một loại cá biển phổ biến ở Việt Nam, có thể chế biến thành các món ăn, phơi làm khô cá, hoặc làm nước mắm.

    Cá cơm

    Cá cơm

  24. Cá chày
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở nước ta, dân gian còn gọi là cá rói. Cá thường sống thành đàn lớn, thân cá gần tròn, đầu to vừa, mõm tù, ngắn, có hai đôi râu bé, mắt nhỏ và đỏ, lưng và đầu hơi đen, bụng vàng hay trắng nhợt. Nhân dân ta thường đánh bắt (câu, lưới) cá chày để chế biến thành các món canh, kho, chiên giòn...

    Cá chày (cá rói)

    Cá chày (cá rói)

  25. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  26. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  27. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  28. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  29. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  30. Be
    Bình đựng rượu, làm bằng sành, sứ hoặc đá quý, bầu tròn, cổ dài và hẹp.

    Be rượu bằng sứ

    Be rượu bằng sứ

  31. Đút cặc vô be, lấy que mà chọt
    Ăn không ngồi rồi, rửng mỡ làm việc rỗi hơi để tự chuốc vạ vào thân.
  32. Rau răm
    Một loại cây nhỏ, lá có vị cay nồng, được trồng làm gia vị hoặc để ăn kèm.

    Rau răm

    Rau răm

  33. Xe chỉ
    Xe là động tác xoắn sợi để tạo nên hiệu ứng theo yêu cầu công việc, hoặc là xoắn rồi gập đôi lại để có một sợi to hơn, chắc hơn, hoặc xoắn bện giữa hai, ba sợi với nhau, hoặc xe từ bông vải để thành sợi chỉ, hoặc xe vuốt cho đầu sợi chỉ đang xòe bung trở thành thuôn nhỏ để luồn kim...

    Nghe bài dân ca Xe chỉ luồn kim.

  34. Vãi
    Người phụ nữ chuyên giúp việc và quét dọn trong chùa nhưng không tu hành.