Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  2. Đồn Nhứt
    Tên một cái chòi canh trên đèo Hải Vân, được xây dựng từ thời nhà Nguyễn, có tường bao bọc xung quanh, trong đó có một tháp canh rất cao. Khi quay lại xâm lược nước ta lần thứ hai, Pháp đưa quân chiếm giữ khu vực này và gọi là "Đồn Nhứt." Hiện ở đây vẫn còn di tích tháp canh này.

    Di tích đồn Nhất

    Di tích đồn Nhứt

  3. Liên Chiểu
    Tên một quận, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Đèo Hải Vân thuộc quận này.
  4. Thủy Tú
    Tên một ngôi làng thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng hiện nay.
  5. Nam Ô
    Cũng gọi là Nam Ổ hay Năm Ổ, tên cũ là Nam Hoa, một vùng nay thuộc quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng. Nam Ô có dải núi gành và bãi biển đẹp nổi tiếng, cùng với nghề làm nước mắm truyền thống lâu đời. Có ý kiến cho rằng vùng này có tên gọi Nam Ô vì trước đây là phía Nam của châu Ô (cùng với Châu Lý là hai vùng đất cũ của Vương quốc Chăm Pa).

    Bãi biển Nam Ô

    Bãi biển Nam Ô

  6. Đà Nẵng
    Tên thành phố thuộc Nam Trung Bộ, trước đây thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Nguồn gốc từ "Đà Nẵng" là biến dạng của từ Chăm cổ Daknan, nghĩa là "vùng nước rộng lớn" hay "sông lớn", "cửa sông cái" vì thành phố nằm bên bờ sông Hàn. Dưới thời nhà Nguyễn, Đà Nẵng có tên là Cửa Hàn, là thương cảng lớn nhất miền Trung. Cuộc xâm lược của Pháp tại Việt Nam khởi đầu chính tại thành phố này.

    Hiện nay Đà Nẵng là một thành phố hiện đại, trong lành, có tiềm năng du lịch rất lớn, và được xem là thành phố đáng sống nhất Việt Nam.

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Bến sông Hàn ngày xưa

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

    Cầu sông Hàn, một trong những biểu tượng của Đà Nẵng

  7. Hà Thân
    Tên một xã ở bên kia sông Hàn, nay thuộc quận Sơn Trà, Đà Nẵng.
  8. Quán Cái
    Còn gọi là Quảng Cái, nay thuộc phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, nơi có chợ Quán Cái và nghề chạm khắc đá nổi tiếng.
  9. Mân Quang
    Tên gốc là Mân Quan, nay thuộc phường Thọ Quan, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.
  10. Miếu Bông
    Một địa danh nay thuộc quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.
  11. Cẩm Lệ
    Tên một làng cổ từ thế kỉ 16, nay thuộc xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với "đặc sản" thuốc lá Cẩm Lệ.

    Thuốc lá Cẩm Lệ

    Thuốc lá Cẩm Lệ

  12. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Ngó
    Nhìn, trông (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Chợ Tổng
    Gốc là chợ Củi, một ngôi chợ trù phú nằm gần bến sông và phủ lị Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam vào cuối thế kỉ 19. Sau cách mạng tháng Tám, chiến tranh bùng nổ, chợ vẫn hoạt động nhưng khách vãng lai thưa dần vì cơ quan hành chính dời về Vĩnh Điện. Đến năm 1948 giặc Pháp lập đồn Cầu Mống, nới rộng vòng đai bảo vệ, chợ Củi bị giải toả và chuyển về Ngã Tư Quốc lộ - tỉnh lộ đi Hội An gọi là chợ Tổng (Tổng An Nhơn) gần khu Văn Thánh. Chợ bấy giờ là nơi buôn bán của dân chúng các làng An Nhơn, Thanh Chiêm, Uất Lũy, Phước Kiều, An Quán (các xã Điện Minh, Điện Phương bây giờ). Hàng rau tươi từ Trung Phú gánh đến bán cũng như tôm cá do vạn ghe An Nhơn, Cầu Mống mua về từ cửa Đại. Đến năm 1954, đường thuỷ sông Thu Bồn thuận tiện cho việc đối lưu hàng hoá dưới biển trên nguồn, Cầu Mống có bến ghe tập trung tạo nên một khu chợ mới. Chợ Cầu Mống hình thành, Chợ Tổng dần vắng khách. Đến năm 1977 chợ Tổng bị giải tỏa.
  15. Phú Thượng
    Tên một thôn nay thuộc xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam.
  16. Đại La
    Một địa danh nằm giữa phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) và xã Hòa Sơn (huyện Hòa Vang - Đà Nẵng).
  17. Cồn Dầu
    Một địa danh ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng, nổi tiếng với giáo xứ Cồn Dầu.
  18. Cẩm Sa
    Tên một ngôi làng cũ ở xã Điện Nam, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tên địa danh này có nghĩa là "vùng cát đẹp." Tại đây từng xảy ra trận đánh quan trọng giữa quân Trịnh và quân Tây Sơn vào cuối thế kỉ 18.
  19. Chợ Vải
    Một ngôi chợ chuyên bán vải nổi tiếng ở phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam.

    Chợ Vải ở Hội An

    Chợ Vải ở Hội An

  20. Câu Lâu
    Tên một cây cầu bắc ngang sông Chợ Củi ở thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Cầu được xây dựng thời Pháp thuộc, trong chiến tranh Việt Nam thì được xây dựng lại lần thứ hai. Đầu thế kỷ 21, cầu được xây dựng lại với quy mô lớn hơn, có 4 làn xe chạy.

    Về tên cây cầu này, có một sự tích: Ngày xưa, ven sông Chợ Củi, có một đôi vợ chồng từ xa đến lập nghiệp. Ngày ngày, chồng đi câu cá đổi gạo, vợ ở nhà trồng rau, vun vén gia đình. Chỗ ngồi câu cá quen thuộc của người chồng là trên một tảng đá gần bờ sông. Một đêm nọ, có cơn nước lũ từ nguồn đột ngột đổ về, người chồng bị cuốn đi. Người vợ ở nhà, đợi mãi vẫn chẳng thấy chồng về, cứ bồng con thơ thẩn ra vào, miệng luôn lẩm bẩm: "Câu gì mà câu lâu thế!" Cuối cùng, sốt ruột quá, nàng bồng con ra sông để tìm chồng. Khi hiểu ra sự việc, nàng quỳ khóc nức nở rồi ôm con gieo mình xuống dòng nước. Dân làng cảm thương đôi vợ chồng nghèo chung tình, đặt tên cho cây cầu bắc qua sông Chợ Củi là cầu Câu Lâu.

    Thật ra Câu Lâu là một địa danh gốc Champa, biến âm từ chữ Pulau có nghĩa là "hòn đảo."

    Cầu Câu Lâu

    Cầu Câu Lâu

  21. Giáp Năm
    Tên một cây cầu ở xã Điện An, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.
  22. Chừ
    Giờ. Bây chừ nghĩa là "bây giờ" (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  23. Cam
    Bằng lòng chịu vì cho là không thể nào khác được.
  24. Còng gió
    Loại còng ở biển, chạy rất nhanh. Nhân dân ta thường bắt còng gió làm mắm hoặc làm món ăn, nhất là trong những ngày biển động.

    Còng gió

    Còng gió

  25. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  26. Hát huê tình
    Hay hát hoa tình, cũng gọi hát đối, hát giao duyên, hát ghẹo, lối hát mang âm hưởng hát ru pha với điệu hò, thường có đệm thêm những câu "em ôi," "bớ anh ơi," hay "này bạn mình ơi" v.v. Hát huê tình có nội dung chủ yếu là lời tán tỉnh, trêu ghẹo, ướm tình ý giữa đôi trai gái với nhau.
  27. Đấu
    Đồ dùng để đong thóc gạo ngày trước, bằng khoảng một lít hiện nay.
  28. Bồ
    Đồ cỡ lớn đựng thóc lúa, thường đan bằng tre.

    Bồ và cối xay thóc

    Bồ và cối xay thóc

  29. Cái lợi thu vào thì ít, mà cái công sức, chi phí phải trả thì quá nhiều.
  30. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  31. Có bản chép: "có người nào nghe"
  32. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  33. Tam tòng
    Những quy định mang tính nghĩa vụ đối với người phụ nữ phương Đông trong xã hội phong kiến ngày trước, xuất phát từ các quan niệm của Nho giáo. Tam tòng bao gồm:

    Tại gia tòng phụ:  khi còn nhỏ ở với gia đình phải theo cha,
    Xuất giá tòng phu: khi lập gia đình rồi phải theo chồng,
    Phu tử tòng tử: khi chồng qua đời phải theo con.

  34. Trào
    Triều (từ cũ).
  35. Le Mur
    Pháp âm là "lơ-muya," một kiểu áo dài cách tân do họa sĩ Cát Tường (nghệ danh là Le Mur Cát Tường) tung ra vào những năm 1930. Áo Le Mur lấy cảm hứng từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen..., đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tương sáng mặc kết hợp với quần trắng. Sau khi thịnh hành một vài năm, đến năm 1934, họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống (gọi là áo "Lê Phổ"), áo Le Mur bớt phổ biến dần.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

  36. Bóp phơi
    Cũng đọc trại thành bóp (bót) tơ phơi, từ chữ tiếng Pháp portefeuille, nghĩa là cái ví tiền. Đây cũng là gốc của từ "bóp," được dùng nhiều ở miền Nam.
  37. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  38. Hồi đó, ngay tại thủ đô Huế, nơi có triều đình Việt Nam và Toà Khâm Sứ Pháp, một số các cô tân thời hay mặc "mốt" áo Le Mur. Dân Huế do đó mà có bài vè này.
  39. Cơm khô là cơm thảo, cơm nhão là cơm hà tiện
    Cùng một lượng gạo, nếu nấu nhão sẽ được nhiều cơm hơn, tiết kiệm hơn.
  40. Cả
    Lớn, nhiều (từ cổ).
  41. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  42. Tri âm
    Bá Nha đời Xuân Thu chơi đàn rất giỏi, thường phàn nàn thiên hạ không ai thưởng thức được tiếng đàn của mình. Một lần Bá Nha đem đàn ra khảy, nửa chừng đàn đứt dây. Đoán có người rình nghe trộm, Bá Nha sai lục soát, bắt được người đốn củi là Tử Kỳ. Tử Kỳ thanh minh rằng nghe tiếng đàn quá hay nên dừng chân thưởng thức. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, tâm trí nghĩ tới cảnh non cao, Tử Kỳ nói: Nga nga hồ, chí tại cao sơn (Tiếng đàn cao vút, ấy hồn người ở tại núi cao). Bá Nha chuyển ý, nghĩ đến cảnh nước chảy, Tử Kỳ lại nói: Dương dương hồ, chí tại lưu thủy (Tiếng đàn khoan nhặt, ấy hồn người tại nơi nước chảy). Bá Nha bèn kết bạn với Tử Kỳ. Sau khi Tử Kỳ chết, Bá Nha đập vỡ đàn mà rằng "Trong thiên hạ không ai còn được nghe tiếng đàn của ta nữa." Do tích này, hai chữ tri âm (tri: biết, âm: tiếng) được dùng để nói về những người hiểu lòng nhau.
  43. Thanh địa
    Vùng đất trong sạch. Có bản chép: thánh địa (vùng đất thánh, đất thiêng).
  44. Mũ bình thiên
    Kiểu mũ của vua chúa đội thời phong kiến.

    Mũ bình thiên

    Mũ bình thiên

  45. Áo mã tiên
    Loại áo do nữ công nhã nhạc triều Nguyễn mặc khi chơi nhạc.

    Áo mã tiên

    Áo mã tiên