Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. O
    Cô, cô gái, thím (phương ngữ miền Trung). Trong gia đình, o cũng dùng để chỉ em gái của chồng.
  2. Cỡi
    Cưỡi (phương ngữ Trung Bộ). Cũng được phát âm là cợi ở một số địa phương Bắc Trung Bộ.
  3. Tru
    Trâu (phương ngữ một số vùng Bắc Trung Bộ).
  4. Sống lưng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Tắc, hò, rì
    Những tiếng hô để điều khiển trâu bò khi cày bừa. "Hò tắc" là rẽ trái, "hò rì" là rẽ phải, "hò" (có nơi hô thành "họ") là dừng lại.
  6. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  7. Kia (phương ngữ Trung Bộ).
  8. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  9. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  10. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  11. Bát đàn
    Bát nông lòng, làm bằng đất nung thô có tráng men, thời xưa thường dùng.
  12. Có bản chép: Ai ơi đừng phụ bát đàn.
  13. An Nhơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bình Định, nay là thị xã An Nhơn, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về hướng Tây Bắc. Những năm 938-1470, An Nhơn là vùng trung tâm của Vương quốc Chăm Pa cổ đại, với thủ đô là thành Đồ Bàn (nay thuộc xã Nhơn Hậu).
  14. Mò O
    Tên một ngọn núi ở An Nhơn, Bình Định. Đại Nam nhất thống chí gọi là núi Mộ Ổ: "Núi Mộ Ổ ở phía Đông huyện, đỉnh núi có hai mũi nhọn như hình cái giá bút, phía Đông có núi Tương Bì, phía Đông Nam có núi Tiểu Đại (có tên nữa là Cô Sơn), phía Đông Bắc có thành Tây Sơn dài ước 3, 4 trượng, trong thành có hồ rộng hơn hai trượng, trong hồ có cột đá nhô đầu ra ngoài mặt nước chừng một thước, tương truyền do người Chiêm Thành dựng phía Nam có gò đất, lại có sông Cảnh Hãn, phía Tây Nam có hai cây tháp là tháp Con Gái và tháp Học Trò, nay đều đổ nát."

    Núi Mò O buổi bình minh

    Núi Mò O buổi bình minh

  15. Chùa Thập Tháp
    Tên chữ là Thập Tháp Di Đà, một ngôi chùa ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28km. Chùa được hòa thượng Nguyên Thiều dựng vào năm 1683, trên gò đất có mười ngôi tháp Chàm, nên có tên như vậy. Đây là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần vào các năm 1820, 1849, 1877 và 1924. Đến nay chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, cổ kính. Chùa Thập Tháp từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu, vì đây là ngôi chùa cổ xưa nhất ở miền Trung.

    Một góc chùa Thập Tháp

    Một góc chùa Thập Tháp

  16. Trường Thi
    Tên một bến đò trên sông Cửa Tiền, đoạn chảy qua hai xã Nhơn Hòa và Nhơn Hưng cùng thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Vào năm Tân Hợi (1851) nhà Nguyễn mở khoa thi Hương cho các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tại Bình Định. Từ thị trấn Bình Định đến trường thi phải qua một con đò ngang, nên bến đò này được gọi là bến Trường Thi.

    Bến Trường Thi cũng chính là bến My Lăng trong bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan:

    Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng!
    Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

    Cầu Trường Thi tại vị trí bến đò Trường Thi xưa

    Cầu Trường Thi tại vị trí bến đò Trường Thi xưa

  17. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  18. Căn số
    Chỉ số mệnh của một người theo luật nhân quả của đạo Phật. Theo đạo Phật, số phận của một người là kết quả của những hành động trong đời sống hiện tại và cả trong những kiếp trước.
  19. Suối vàng
    Cõi chết. Từ này bắt nguồn từ chữ hoàng tuyền, cũng đọc là huỳnh tuyền. Hoàng tuyền vốn có nghĩa là suối ngầm, mạch nước ngầm ở dưới đất, vì đất màu vàng nên có tên như vậy.

    Gọi là gặp gỡ giữa đường
    Họa là người dưới suối vàng biết cho

    (Truyện Kiều)

  20. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  21. Lườn
    Phần thịt ở hai bên ngực và bụng chim, gà, cá.
  22. Có bản chép: Thế gian dại dại, khôn khôn.
  23. Lục Lễ
    Địa danh nay là một thôn thuộc xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.
  24. Có bản chép là "Luật Lễ."
  25. Đụn
    Kho thóc.
  26. Hàm Rồng
    Tên một ngọn núi nằm trong dãy Ngũ Hoa Phong nằm bên bờ sông Mã, có dáng như đầu rồng. Tên Hàm Rồng cũng được đặt cho một cây cầu ở khu vực này, đồng thời là tên của một phường thuộc thành phố Thanh Hóa hiện nay.
  27. Có bản chép: Chừng nào giấm ngọt.
  28. Tầm gửi
    Còn gọi là chùm gửi, là tên gọi chung của một họ thực vật sống bán kí sinh trên những cây khác. Có khoảng 1300 loại tầm gửi, vài loại trong số đó có tác dụng chữa bệnh.

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

    Một chùm tầm gửi trên cây gạo

  29. Võng dù
    Ngày xưa những nhà giàu sang quyền quý mới được đi võng dù. "Võng dù" cũng dùng để chỉ cảnh vinh sang phú quý.

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

    Quan đi võng thời nhà Nguyễn

  30. Kết tóc xe tơ
    Kết tóc: Thuở xưa, con trai và con gái đều để tóc dài bới lên đầu. Trong đêm tân hôn, tóc của dâu rể được các nữ tì buộc vào nhau. Xe tơ: Xem chú thích Nguyệt Lão.

    Kết tóc xe tơ có nghĩa là cưới nhau, thành vợ thành chồng.

  31. Thì
    Thời, lúc.
  32. Nếp
    Loại lúa cho hạt gạo hạt to và trắng, nấu chín thì trong và dẻo, thường dùng thổi xôi, làm bánh.

    Xôi nếp

    Xôi nếp

  33. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  34. Nữ nhi
    Con gái nói chung.
  35. Đồ đan bằng tre có vành (gọi là cạp), dùng để đựng gạo hoặc nông sản.

    Sàng và rá

    Sàng và rá

  36. Liếp
    Tấm mỏng đan bằng tre nứa, dùng để che chắn.

    Tấm liếp

    Tấm liếp

  37. Xạ hương
    Chất do hươu xạ và một số loại cầy tiết ra, có mùi thơm đặc biệt, thường được khai thác làm hương liệu, nước hoa và các loại dược phẩm.
  38. Từng
    Tầng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  39. Ắt
    Chắc chắn.
  40. Thầy mẹ
    Cha mẹ (phương ngữ miền Bắc).

    Con đi mười mấy năm trời,
    Một thân, một bóng, nửa đời gió sương.
    Thầy đừng nhớ, mẹ đừng thương,
    Cầm như đồng kẽm ngang đường bỏ rơi!
    Thầy mẹ ơi, thầy mẹ ơi,
    Tiếc công thầy mẹ đẻ người con hư!

    (Thư gửi thầy mẹ - Nguyễn Bính)

  41. Nhời
    Lời nói (phương ngữ miền Bắc).
  42. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  43. Đông Phước
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nơi bắt đầu sông Bí, một nhánh của sông Trà Bồng.
  44. Tham Hội
    Một địa danh nay thuộc xã Bình Thanh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
  45. Châu Me
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Châu Me là tên một con sông ở Quảng Ngãi, chảy ra biển Đông bằng cửa Sa Kỳ, đồng thời là tên một cái chợ tập nập, là đầu mối gom hàng để bán cho ngư dân và cho những thương thuyền.