Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  2. Tam huyền
    Một loại đàn ba dây của Trung Quốc (tam huyền nghĩa là ba dây), có cần đàn dài, không ngăn phím. Thân đàn có hình chữ nhật được làm hơi tròn, phần trên bọc da rắn. Theo truyền thống, đàn tam huyền được chơi bằng một miếng gảy cứng và mỏng, làm bằng sừng thú, nhưng ngày ngay phần lớn người chơi đều sử dụng miếng gảy bằng chất dẻo hoặc gảy bằng móng tay.

    Đàn tam huyền

    Đàn tam huyền

  3. Giồng
    Dải đất nổi cao ở ven sông do phù sa bồi đắp. Giồng có thể là do phù sa bồi đắp lâu năm tạo thành, hoặc cũng có thể do người dân tạo thành trong lúc đào kênh mương dẫn nước để lập vườn tược. Đất giồng là đất phù sa pha cát, sạch phèn, màu mỡ, nên rất thuận tiện để trồng trọt. Ở Nam Bộ có nhiều địa danh với tiền tố Giồng như Giồng Trôm, Giồng Tượng, Giồng Ông Tố...
  4. Mắm ruốc
    Mắm làm từ con ruốc, rất nặng mùi. Đây là một loại nước chấm đặc trưng của nước ta, cùng với mắm tômmắm nêm. Mắm ruốc còn là nguyên liệu chính trong nhiều món rau và thịt xào.

    Mắm ruốc

    Mắm ruốc

  5. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Ngũ Dụm.
  6. Cà cuống
    Loài bọ cánh nửa, sống ở nước, phần ngực con đực có hai túi chứa tinh dầu mùi thơm, vị cay, dùng làm gia vị.

    Con cà cuống

    Con cà cuống

  7. Quân tử
    Hình mẫu con người lí tưởng theo Nho giáo. Quân tử là người ngay thẳng, đứng đắn, công khai theo lẽ phải, trung thực và cẩn trọng.
  8. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  9. Quận công
    Một tước hiệu thời phong kiến trong lịch sử nước ta, phổ biến nhất vào thời vua Lê - chúa Trịnh. Khi ấy quận công được xếp chỉ sau vua, chúa và vương.
  10. Lưỡng mục vô châu
    Hai mắt không tròng (thành ngữ Hán Việt).
  11. Theo giai thoại, đây là cuộc hát đối đáp giữa một cô tên là Kiều (“xỉu con cò” nói lái lại thành “xỏ con Kiều”) và một anh chàng mù.
  12. Bùi Kiệm
    Tên một nhân vật phản diện trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Y và Trịnh Hâm là bạn đồng hành của Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực và Hớn Minh khi lên kinh ứng thí, nhưng rất ghen ghét và đố kị tài năng của Lục Vân Tiên. Sau này, Trịnh Hâm lừa đẩy Lục Vân Tiên xuống sông, còn Bùi Kiệm thì ép Kiều Nguyệt Nga phải lấy mình. Về cuối truyện, Lục Vân Tiên thành trạng nguyên, Hớn Minh đòi giết Trịnh Hâm và Bùi Kiệm, nhưng Vân Tiên truyền thả, đuổi về quê.

    Trịnh Hâm khỏi giết rất vui,
    Vội vàng cúi lạy chân lui ra về.
    Còn người Bùi Kiệm máu dê,
    Ngồi chai bề mặt như sề thịt trâu.

  13. Kiều Nguyệt Nga
    Tên nhât vật nữ chính trong truyện thơ Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga là một người con gái xinh đẹp, đức hạnh, được Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai. Nghe tin Vân Tiên chết, nàng đã ôm bức hình Vân Tiên nhảy xuống sông tự vẫn, nhưng được Phật Bà đưa dạt vào vườn hoa nhà họ Bùi. Bùi Kiệm ép nàng lấy hắn. Nàng trốn đi, nương tựa nhà một bà lão dệt vải. Sau này khi Vân Tiên dẹp giặc Ô Qua, đi lạc vào rừng đã gặp lại Nguyệt Nga, hai người sống sum vầy hạnh phúc.

    Kiều Nguyệt Nga được người dân Nam Bộ xem là biểu tượng của lòng chung thủy.

  14. Đậu
    Chắp hai hay nhiều sợi với nhau. Vải (lụa) đậu ba, đậu tư là loại vải tốt, dệt dày.
  15. Áo cổ giữa
    Cũng gọi là áo cổ trịt (cổ trệt), một loại áo ngắn của người bình dân, gài nút trước ngực, không bâu, nếu là áo nam thường có xẻ nách, còn áo nữ thì bít kín.
  16. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  17. Lúa (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  18. Những người da dẻ đen hoặc đỏ hồng thường do chăm chỉ lao động nên tích lũy được của cải. Những người lười biếng, ăn hại thì da dẻ trắng trơn.
  19. Đỗ quyên
    Có giả thuyết cho là chim cuốc. Theo hai học giả Đào Duy Anh và An Chi thì chim quyên là chim tu hú. Hình ảnh chim quyên trong ca dao dân ca thường tượng trưng cho những điều tốt đẹp.

    Chim tu hú

    Chim tu hú

  20. Cồng cộc
    Tên gọi miền Nam của chim cốc đế, một loại chim làm tổ trong các rừng ngập mặn đồng bằng sông Cửu Long. Chim có đầu, mào, cổ toàn bộ mặt lưng và đuôi màu đen, cánh xanh lục hay tím đỏ. Thức ăn chủ yếu là cá.

    Chim cồng cộc

    Chim cồng cộc

  21. Le le
    Tên một loài chim gần giống vịt trời, hay kiếm ăn ở vùng đồng ruộng hay bưng biền, gặp nhiều ở vùng Đồng Tháp Mười.

    Con le le

    Con le le

  22. Chèo bẻo
    Một loài chim thuộc họ chim cắt, có bộ lông màu đen nhánh, cũng có con điểm vài chiếc lông trắng ở dưới đuôi và hai cánh. Chim chèo bẻo là loài chim rất hung dữ, nhất là khi tranh mồi hoặc bảo vệ tổ và chim non.

    Chèo bẻo

    Chèo bẻo

  23. Cò ma
    Một loại cò có bộ lông trắng, mỏ vàng và chân màu vàng xám. Trong mùa sinh sản, chim trưởng thành chuyển sang màu cam trên lưng, ngực và đầu, còn mỏ, chân và mắt chuyển màu đỏ.

    Cò ma

    Cò ma

  24. Đom đóm
    Loài côn trùng cánh cứng nhỏ có khả năng phát quang, có tập tính hoạt động về ban đêm, con đực thường có cánh và bay vào những đêm đầu mùa hạ.

    Con đom đóm

    Con đom đóm

  25. Thuốc bắc
    Tên chung của các loại thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền của Trung Quốc, phân biệt với thuốc nam là thuốc theo y học cổ truyền Việt Nam. Các vị trong thuốc bắc có nguồn gốc từ thực vật (vỏ, rễ, lá cây...), động vật (sừng, xương, da lông...) và khoáng chất (hoàng thổ, thạch tín ...) được chia thành thang, luộc trong nước (gọi là sắc thuốc) trước khi uống.

    Một số vị thuốc bắc

    Một số vị thuốc bắc

  26. Sắc thuốc
    Sắc nghĩa là làm cho keo, đậm lại. Sắc thuốc là đun thuốc Bắc hoặc thuốc Nam với lượng nước lúc đầu khoảng ba chén, sau khi sôi thật lâu để thuốc ra hết chất và nước chỉ còn khoảng một chén, vừa uống.
  27. Thuyên dù
    Dù (hay dủ): Khá, lành mạnh (gốc từ cách phát âm của chữ Hán 愈). Thuyên dù: Thuyên giảm nhiều, đỡ nhiều.