Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nồi Rang
    Tên một cái chợ cổ, nay thuộc thôn 3, xã Duy Nghĩa, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.

    Chợ Nồi Rang

    Chợ Nồi Rang

  2. Vượt cạn
    Chỉ việc sinh nở.
  3. Hòn Khói
    Một bán đảo nằm cách thị trấn Ninh Hoà, huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà chừng 10km về hướng Đông Bắc. Có tài liệu chép rằng xưa kia tại đây là cửa biển quan trọng, triều đình nhà Nguyễn cho đặt quan trấn phòng ngự, trên đỉnh núi có chất củi khô, khi nào có giặc bể vào cướp bóc thì quan trấn ra lệnh đốt lửa un khói làm hiệu để gọi quân tiếp viện. Vì vậy nơi này có tên là Hòn Khói, tên chữ là Yên Cang.

    Ngày nay, Hòn Khói là một bán đảo đẹp, cảnh quan hấp dẫn, nơi có nhiều chim yến làm tổ của tỉnh Khánh Hoà, đồng thời cũng là vựa muối của cả nước.

    Ruộng muối ở Hòn Khói

    Ruộng muối ở Hòn Khói

  4. Trấy
    Trái (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  5. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  6. Người đi bẫy cò đọc câu này khi xua để cò bay tới khoảng ruộng có đặt bẫy.
  7. Rau cần
    Một loại rau xanh thường được nhân dân ta trồng để nấu canh, xào với thịt bò, hoặc làm vị thuốc.

    Canh cá nấu cần

    Canh cá nấu cần

  8. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  9. Mận
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, hoa trắng, nở vào mùa xuân. Quả mận vị chua ngọt, có loại vỏ màu tím, xanh nhạt, vàng, hay đỏ. Các bộ phận của cây mận như quả, rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

    Mận tam hoa ở Bắc Hà, Lào Cai

  10. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  11. Giếng khơi
    Giếng sâu.
  12. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  13. Dị
    Chê bai, xa lánh (phương ngữ Trung Bộ).
  14. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  15. Rạ
    Rơm, phần còn lại của lúa sau khi gặt. Nhân dân ta thường dùng rơm rạ để lợp nhà hoặc làm chất đốt.

    Mái rạ

    Mái rạ

  16. Trăng mờ vì có nhiều hơi nước trong không khí, báo hiệu sắp có mưa, tốt cho lúa nỏ (lúa ở ruộng cao, khô). Ngược lại, trăng tỏ nghĩa là trời nắng, không mưa, cấy lúa ở ruộng sâu không sợ lụt lội.
  17. Đồng Tháp
    Một tỉnh nằm ở miền Tây Nam Bộ, thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đồng Tháp nằm ở cửa ngõ của sông Tiền, có đường biên giới giáp với Campuchia, nổi tiếng với những đầm sen, bàu sen... Ngó và hạt sen là những đặc sản của vùng này.

    Đầm sen Đồng Tháp

    Đầm sen Đồng Tháp

  18. Cấm Chỉ
    Tên dân gian quen gọi ngõ Hàng Bông (cắt phố Hàng Bông và Tống Duy Tân), thời Pháp thuộc tên là phố Lông-đơ (rue Lhonde), sau 1945 đổi thành ngõ Cấm Chỉ, Hàng Bông Lờ, Hàng Bông. Về tên gọi Cấm Chỉ, có hai giả thuyết:

    1. Đây là lối đi vào Dương mã thành, cấm đi lại khi đã có trống, chuông thu không (lúc chiều tối).
    2. Chúa Chổm ra chỉ cấm không cho những người đòi nợ đi qua đây để đòi nợ tiếp.

  19. Can Lộc
    Tên cũ là Thiên Lộc, nay là một huyện thuộc tỉnh Hà Tĩnh. Đây là vùng đất giàu truyền thống hiếu học và có bề dày văn hóa, lịch sử nổi tiếng của tỉnh.
  20. Bút Cấm Chỉ, sĩ Thiên Lộc
    Ngõ Cấm Chỉ xưa kia sản xuất nhiều loại bút lông nổi tiếng, Thiên Lộc có nhiều kẻ sĩ hiển đạt lưu danh sử sách.
  21. Cầm bằng
    Kể như, coi như là (từ cũ).
  22. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tám Dây.
  23. Nam Tào
    Vị tiên trông coi bộ sổ sinh của con người ở trần gian, tức sổ những người được sinh ra đời, gọi là sổ Nam Tào (theo điển tích xưa và theo một số tín ngưỡng dân gian).
  24. Dao cầu
    Loại dao của thầy thuốc, dùng để cắt thuốc. Nghề thầy thuốc trước đây vì thế cũng được gọi là nghề "dao cầu."

    Dao cầu

    Dao cầu

  25. Nghĩa là thầy thuốc cũng như Nam Tào đều có thể quyết định số mệnh người khác.
  26. Đưng
    Một loại cây cỏ thân cao cùng họ với cỏ lác, cỏ bàng, có thân cắt ngang hình tam giác, mọc nhiều ở các vùng đầm lầy ngập mặn.

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

    Bụi cây đưng ở Bàu Sấu, Nam Cát Tiên

  27. Sậy
    Loại cây thuộc họ lúa, thân rỗng, thường mọc dày đặc thành các bãi sậy.

    Bãi sậy

    Bãi sậy

  28. Vá quàng
    Những người phải lao động, khuân vác nhiều, phần lưng và vai áo thường rách thành lỗ lớn. Người ta vá những chỗ ấy bằng miếng vải to, có khi không trùng màu, gọi là vá quàng.
  29. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  30. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.