Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  2. Bánh bò
    Một loại bánh làm bằng bột gạo, nước, đường và men, một số nơi còn cho thêm dừa nạo. Có một số loại bánh bò khác nhau tùy vùng miền, ví dụ Sóc Trăng có bánh bò bông, Châu Đốc có bánh bò thốt nốt...

    Bánh bò

    Bánh bò

  3. Chợ Phố Châu
    Chợ thuộc địa phận Phố Châu, nay là thị trấn huyện lỵ của huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.

    Chợ Phố Châu ngày nay

    Chợ Phố Châu ngày nay

  4. Nốc
    Cổ ngữ Việt chỉ thuyền, ghe. Ngày nay chỉ thuyền nhỏ, còn dùng ở miền Bắc Trung Bộ.
  5. Hà Tân
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hà Tân, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  6. Nho giáo
    Một hệ thống đạo đức, triết lí và tôn giáo do Khổng Tử sáng lập (nên còn gọi là Khổng giáo). Mục đích của Nho giáo là để xây dựng một xã hội thịnh trị. Nho giáo rất phát triển ở Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Quốc (như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...). Người theo học đạo Nho được gọi là nhà Nho (Nho gia).
  7. Cá diễn
    Còn gọi là cá viễn, một loại cá biển có thân mình dẹp, da dày, thịt ăn ngon.

    Cá diễn

    Cá diễn

  8. Hòn Gió
    Tên một ngọn núi ở đầu nguồn sông Bàn Thạch, tỉnh Phú Yên.
  9. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  10. An Nhơn
    Một địa danh thuộc tỉnh Bình Định, nay là thị xã An Nhơn, cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 20 km về hướng Tây Bắc. Những năm 938-1470, An Nhơn là vùng trung tâm của Vương quốc Chăm Pa cổ đại, với thủ đô là thành Đồ Bàn (nay thuộc xã Nhơn Hậu).
  11. Mò O
    Tên một ngọn núi ở An Nhơn, Bình Định. Đại Nam nhất thống chí gọi là núi Mộ Ổ: "Núi Mộ Ổ ở phía Đông huyện, đỉnh núi có hai mũi nhọn như hình cái giá bút, phía Đông có núi Tương Bì, phía Đông Nam có núi Tiểu Đại (có tên nữa là Cô Sơn), phía Đông Bắc có thành Tây Sơn dài ước 3, 4 trượng, trong thành có hồ rộng hơn hai trượng, trong hồ có cột đá nhô đầu ra ngoài mặt nước chừng một thước, tương truyền do người Chiêm Thành dựng phía Nam có gò đất, lại có sông Cảnh Hãn, phía Tây Nam có hai cây tháp là tháp Con Gái và tháp Học Trò, nay đều đổ nát."

    Núi Mò O buổi bình minh

    Núi Mò O buổi bình minh

  12. Chùa Thập Tháp
    Tên chữ là Thập Tháp Di Đà, một ngôi chùa ở thôn Vạn Thuận, xã Nhơn Thành, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 28km. Chùa được hòa thượng Nguyên Thiều dựng vào năm 1683, trên gò đất có mười ngôi tháp Chàm, nên có tên như vậy. Đây là ngôi chùa cổ nhất thuộc phái Lâm Tế, được trùng tu bốn lần vào các năm 1820, 1849, 1877 và 1924. Đến nay chùa vẫn giữ được tổng thể hài hòa, tôn nghiêm, cổ kính. Chùa Thập Tháp từ lâu đã trở thành danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Bình Định, thu hút nhiều khách thập phương về hành hương, cúng tế, lễ bái hoặc tham quan, khảo cứu, vì đây là ngôi chùa cổ xưa nhất ở miền Trung.

    Một góc chùa Thập Tháp

    Một góc chùa Thập Tháp

  13. Trường Thi
    Tên một bến đò trên sông Cửa Tiền, đoạn chảy qua hai xã Nhơn Hòa và Nhơn Hưng cùng thuộc huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Vào năm Tân Hợi (1851) nhà Nguyễn mở khoa thi Hương cho các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận tại Bình Định. Từ thị trấn Bình Định đến trường thi phải qua một con đò ngang, nên bến đò này được gọi là bến Trường Thi.

    Bến Trường Thi cũng chính là bến My Lăng trong bài thơ cùng tên nổi tiếng của nhà thơ Yến Lan:

    Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng!
    Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng.

    Cầu Trường Thi tại vị trí bến đò Trường Thi xưa

    Cầu Trường Thi tại vị trí bến đò Trường Thi xưa

  14. Bình Định
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ. Đây là mảnh đất có bề dày lịch sử với nền văn hoá Sa Huỳnh, từng là cố đô của vương quốc Chămpa, đồng thời là quê hương của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Bình Định cũng là nơi có nghệ thuật tuồng rất phát triển, gắn liền với tên tuổi của Đào Duy Từ. Những món đặc sản của vùng đất này gồm có rượu Bàu Đá, bánh tráng nước dừa, bánh ít lá gai...

    Bình Định

    Bình Định

  15. Vênh
    Cong lên một bên.
  16. Câu này nói về vua Bảo Đại. Tên chữ Hán của Bảo Đại là 保大, trong đó chữ 保 có thể chiết thành 人 (nhân - người) và 呆 (ngốc). 保大 vì thế trở thành 人保大, có thể diễn dịch nôm na là "người rất ngu ngốc."
  17. Bảo hộ
    Giúp đỡ và che chở. Trước đây thực dân Pháp lấy danh nghĩa bảo hộ để xâm lược nước ta và nhiều nước khác.
  18. Đáo lai
    Đến (từ Hán Việt).
  19. Thuế thân
    Cũng gọi là thuế đinh hay sưu, một loại đóng theo đầu người dưới chế độ phong kiến hoặc quân chủ. Trong lịch sử nước ta, thuế thân có từ thời nhà Lý, kéo dài đến hết thời thuộc Pháp.
  20. Xâu
    Cũng gọi là sưu, món tiền mà người đàn ông từ mười tám tuổi trở lên phải nộp (sưu thế), hoặc những công việc mà người dân phải làm cho nhà nước phong kiến hay thực dân (đi xâu).
  21. Kim Dữ
    Tên một hòn đảo ngoài khơi biển Hà Tiên. Theo truyền thuyết dân gian, Kim Dữ ngày xưa là một hòn đảo nhỏ, có con giao long ẩn mình dưới núi. Khi nó cựa mình thì hòn núi bị xê dịch, có khi gần bờ, có khi xa bờ. Do núi Kim Dữ có vị trí hiểm yếu, phòng thủ, trấn giữ phía biển của trấn Hà Tiên, năm 1831, nhà Nguyễn cho đắp đồn lũy trên đảo, đặt súng thần công. Từ đó hòn đảo này có tên gọi là Pháo Đài. Địa danh Pháo Đài hiện nay là một phường thuộc Hà Tiên.
  22. Hòn Chảo
    Cũng gọi là núi Ông Chao, một quả núi nay thuộc địa phận xã Gành Dầu, huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Để phòng những cuộc tấn công bất ngờ của hải tặc, năm 1735 tổng trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tích lên thay cha (Mạc Cửu) đã ra tay trấn cướp và còn cho lập trên đỉnh núi này một đàn trời rộng lớn làm nơi đốt lửa báo nguy cho Phương Thành (Hà Tiên) khi cần ứng cứu. Lưu ý phân biệt với hòn đảo cùng tên thuộc địa phận Đà Nẵng.
  23. Cổ Tron
    Cũng gọi là hòn Lớn, một hòn đảo thuộc quần đảo Nam Du, nay là xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang.

    Hòn Cổ Tron

    Hòn Cổ Tron

    Xem truyện ngắn Hòn Cổ Tron của nhà văn Sơn Nam.

  24. Củ ấu
    Một loại củ có vỏ màu tím thẫm, có hai sừng hai bên, được dùng ăn độn hoặc ăn như quà vặt.

    Củ ấu

    Củ ấu

  25. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  26. Chợ Hà Đông
    Ngôi chợ lớn nhất của Hà Đông trước đây. Chợ Hà Đông vốn là chợ làng Đơ (nên còn gọi là chợ Đơ hay chợ Cầu Đơ) xây ba dãy cầu gạch lợp ngói song song với nhau tồn tại mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20, khi xây ba nhà chợ lớn lợp mái tôn. Khu vực chợ gia súc mở năm 1904 nay là khu vực Ngân hàng nông nghiệp, Đài phát thanh truyền hình thành phố, viện Kiểm sát nhân dân quận, Trường Mỹ nghệ sơn mài.

    Chợ Hà Đông hiện nay

    Chợ Hà Đông hiện nay

  27. Củ cải trắng
    Một loại cải có rễ mọc phình to thành củ, màu trắng, có vị ngọt hơi cay. Phần lá cũng gọi là rau lú bú. Nhân dân ta thường trồng củ cải để lấy lá luộc ăn, lá già muối dưa và để lấy củ chế biến nhiều món ăn như luộc, kho với thịt, với cá, xào mỡ, xào thịt, nấu canh... hoặc làm dưa muối. Ngoài ra, củ cải trắng còn được dùng làm vị thuốc Đông y giúp long đờm, trị viêm, bỏng, lợi tiểu, trừ lị...

    Củ cải trắng

    Củ cải trắng

  28. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  29. Dưa hồng
    Dưa hấu non. Gọi vậy vì dưa hấu non có ruột màu hồng nhạt (hường) chứ chưa đỏ như khi dưa chín.