Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khố
    Một trong những loại trang phục cổ xưa nhất của nhân loại, gồm một tấm vải dài, khổ hẹp dùng để để bọc và che vùng hạ bộ bằng cách quấn tựa vào vòng thắt lưng. Trước đây nhiều vùng sử dụng, hiện tại khố vẫn còn được sử dụng hạn chế như ở vùng cao, vùng xa nơi còn lạc hậu, ngoài ra một số nước giữ gìn nó như bản sắc văn hóa khi có hội hè. Đóng khố đuôi lươn là kiểu mặc khố có thừa một đoạn buôn thõng ở phía sau cho tới khoeo chân, như cái đuôi con lươn, còn không có thì gọi là khố cộc.

    Đóng khố

    Đóng khố

  2. Bòn bon
    Một loại kẹo (phiên âm từ tiếng Pháp bonbon).

    Kẹo bòn bon

    Kẹo bòn bon

  3. Sô cô la
    Phiên âm từ tiếng Pháp chocolat.
  4. Sữa hột gà
    Một món giải khát thành phần chủ yếu gồm lòng đỏ trứng gà, sữa, soda.

    Soda sữa hột gà

    Soda sữa hột gà

  5. Dầu cù là
    Cũng gọi là dầu cao, một loại cao bôi ngoài da dạng sệt có tác dụng làm nóng, chữa cảm cúm, đau bụng, côn trùng cắn... Dầu cù là thường được đóng trong các hộp nhỏ hình tròn bằng thủy tinh hoặc kim loại. Theo học giả An Chi, Cù Là là tên mà người xưa ở miền Tây Nam Bộ dùng để gọi nước Miến Điện. Trước đây có một loại dầu cao mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng khắp Nam bộ, nên được gọi là dầu Cù Là. Sau này danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao.

    Dầu cù là

    Dầu cù là

  6. Có bản chép: Pepsi.
  7. 3 ngày này thường bị xem là ngày xấu, nhưng có thuyết cho rằng đó là ba ngày tốt nhất trong cả tháng. Vì vậy cho nên ngày xưa vua chúa thường chọn 3 ngày này để đi du ngoạn.  Nhưng vì vua chúa đi đâu cũng có binh lính dẹp đường, dân chúng thì không được phép nhìn mặt vua chúa, phải cúi rạp hai bên vệ đường, chờ cho xa giá đi qua mới được đứng dậy. Cho nên muốn được việc, đành phải tìm đường khác đi cho nhanh, đỡ mất thì giờ, nhiều khi phải bỏ việc quay trở về. Dần dần, trở thành phong tục trong dân gian là tránh 3 ngày này và gọi 3 ngày này là ngày Nguyệt kỵ, tức là ngày kiêng kỵ xuất hành của từng tháng.
  8. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  10. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  11. Cá chạch
    Miền Nam gọi là cá nhét, một loại cá nước ngọt trông giống như lươn, nhưng cỡ nhỏ, thân ngắn và có râu, thường rúc trong bùn, da có nhớt rất trơn. Vào mùa mưa cá chạch xuất hiện nhiều ở các ao hồ, kênh rạch; nhân dân ta thường đánh bắt về nấu thành nhiều món ngon như canh nấu gừng, canh chua, chiên giòn, kho tộ...

    Cá chạch

    Cá chạch

  12. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  13. Sáo sậu
    Còn được gọi là cà cưỡng, một chi chim thuộc họ Sáo, vì vậy mang các đặc tính họ này như: thích sống vùng nông thôn rộng thoáng, chủ yếu ăn sâu bọ và quả, hay làm tổ trong các hốc, lỗ và đẻ các trứng màu xanh lam hay trắng. Họ Sáo, đặc biệt là sáo sậu, có khả năng bắt chước âm thanh từ môi trường xung quanh, kể cả tiếng còi ô tô hay giọng nói con người. Các loài trong chi này có thân nhỏ, lông thường màu đen hoặc đen xám, tím biếc hoặc xanh biếc, mỏ và chân màu vàng. Ở nước ta, loại chim này được nuôi phổ biến để dạy cho nói tiếng người.

    Sáo sậu

    Sáo sậu

  14. Có bản chép: rau diếp.
  15. Đình
    Công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi thờ Thành hoàng, và cũng là nơi hội họp của người dân trong làng.

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

    Đình Tiên Canh (tỉnh Vĩnh Phúc)

  16. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  17. Rươi
    Một loại giun đất nhiều chân, thân nhiều lông tơ, thường sinh ra ở những gốc rạ mục ở những chân ruộng nước lợ. Tới mùa rươi (khoảng tháng 9, tháng 10 âm lịch), rươi sinh sản rất nhiều, bà con nông dân thường bắt về làm mắm ăn.

    Con rươi

    Con rươi

  18. Thả vỏ quýt ăn mắm rươi
    Kinh nghiệm dân gian, vỏ quýt giúp món rươi thơm ngon hơn và hỗ trợ quá trình tiêu hóa rươi.
  19. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  20. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  21. Mán, Mường
    Tên gọi chung các dân tộc thiểu số miền núi (thường mang nghĩa miệt thị).
  22. Bài ca dao này nhắc đến việc công chúa Huyền Trân bị gả cho vua Chiêm Thành để đổi lấy hai châu Ô, Lý (từ đèo Hải Vân, Thừa Thiên đến phía bắc Quảng Trị ngày nay). Đọc thêm về công chúa Huyền Trân.
  23. Châu Thường
    Một địa danh nằm ở miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hoá, nay là huyện Thường Xuân, là nơi cư trú của ba dân tộc Thái - Mường - Kinh. Vùng này trồng rất nhiều cây quế.
  24. Ông ầm
    Một tên gọi dân gian của hổ.
  25. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  26. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  27. Dùi đục cẳng tay
    Thành ngữ, chỉ sự đối xử phũ phàng.
  28. Đàn nguyệt
    Từ Hán Việt là nguyệt cầm, Nam Bộ gọi là đàn kìm. Loại đàn này có hộp đàn hình tròn như mặt trăng nên mới có tên là "đàn nguyệt." Theo sách xưa thì đàn nguyên thủy có 4 dây, sau rút lại còn 2 dây. Sách của Phạm Đình Hổ ghi rằng đàn nguyệt xuất hiện ở Việt Nam vào thế kỷ 18. Xem thêm nhạc sĩ Huỳnh Khải giải thích về đàn kìm tại đây.

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

    Giáo sư Trần Văn Khê đang chơi đàn nguyệt

  29. Tỉ như
    Giống như, cũng như (phương ngữ Nam Bộ).
  30. Quây
    Dùng bồ cào khỏa lúa (hoặc các nông sản khác) khi đang phơi cho mau khô.
  31. Như tuồng
    Như có vẻ.
  32. Làng La
    Tên gọi chung bảy làng ở huyện Từ Liêm, trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc quận Hà Đông và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Bảy làng gồm: La Cả (Ỷ La và La Nội), La Khê, La Du, La Dương, La Phù, La Tinh. Xưa kia bảy làng này đều có nghề dệt cổ truyền. La (羅) theo nghĩa chữ Hán có nghĩa là dệt sợi, đan sợi. Các làng dệt thờ 10 vị tiên sư sống vào thời Lê Trung Hưng từ nơi khác đến cư ngụ và có công cải tiến nâng cao kỹ thuật dệt. Ngoài ra nơi đây còn thờ ông Trần Quý (thế kỷ 19) làm ông tổ nghề dệt gấm.
  33. Yên Lãng
    Tên nôm là làng Láng, nay thuộc phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, xưa thuộc xã Yên Lãng, gần cửa Bảo Khánh, thành Thăng Long. Làng có nghề trồng rau, trong đó nổi tiếng nhất là rau húng. Húng Láng khi trồng ở làng thì có một hương vị riêng rất đặc biệt, hương vị này không còn nếu đem đi trồng ở làng khác.

    Húng Láng

    Húng Láng

  34. Đình Bảng
    Tên một ngôi làng ở tỉnh Bắc Ninh, xưa là làng Cổ Pháp, có tên Nôm là làng Báng. Đây là quê hương của Lý Thái Tổ – vị vua sáng lập triều Lý, người đã dời đô về Thăng Long-Hà Nội.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý.

    Đền Lý Bát Đế, còn gọi là Đền Đô, thờ 8 vị vua nhà Lý ở làng Đình Bảng

  35. Bần Yên Nhân
    Gọi tắt là làng Bần, một địa danh nay là thị trấn huyện lị của huyện Mỹ Hào, Hưng Yên. Làng Bần nổi tiếng với tương Bần, loại tương đặc trưng của miền Bắc, được sản xuất từ thế kỉ 19.

    Tương Bần

    Tương Bần

  36. Vạn Vân
    Một thương hiệu nước mắm do doanh nhân Đoàn Đức Ban sáng lập, từng nổi danh toàn xứ Bắc Kỳ dưới thời Pháp thuộc (từ sau năm 1959, đổi tên thành nước mắm Cát Hải cho đến nay) và ở giai đoạn hưng thịnh giữa những năm 1930 được xem là cơ sở sản xuất nước mắm lớn nhất Việt Nam cũng như Đông Dương (năm 1939 bắt đầu mở đại lí tại Paris, Pháp). Ông Đoàn Đức Ban đã khôn ngoan sử dụng tên của làng Vân, một làng quê Kinh Bắc từ xưa nổi tiếng về nghề làm rượu và nước mắm, để làm thương hiệu cho sản phẩm của mình, nhờ vậy đã chiếm được lòng tin của toàn miền Bắc và đạt được thành công lớn.

    Doanh nhân Đoàn Đức Ban cũng chính là thân phụ của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tác giả của nhiều những ca khúc tiền chiến bất hủ: Tình nghệ sĩ, Lá thư, Đường về Việt Bắc, Tà áo xanh, Gửi gió cho mây ngàn bay...

    Ông Đoàn Đức Ban

    Ông Đoàn Đức Ban

  37. Đến nay vẫn còn tranh cãi về hai chữ "Vạn Vân" được nhắc đến trong câu này. Nếu viết hoa chữ "Vạn" thì đây là thương hiệu nước mắm Vạn Vân. Nếu viết thường thì có lẽ câu này muốn chỉ làng Vân (vạn nghĩa là làng chài).
  38. Cá rô
    Loại cá rất thường gặp trên các đồng ruộng ở nước ta. Nhân dân ta thường tát đồng để bắt cá rô. Cá rô đồng có thịt béo, thơm, dai, ngon, dù hơi nhiều xương, và được chế biến thành nhiều món ngon như kho, nấu canh, làm bún...

    Lưu ý: Có một giống cá khác gọi là cá rô phi, thường được nuôi ở ao, nhưng khi nhắc đến cá rô thì người ta nghĩ ngay đến cá rô đồng.

    Cá rô đồng kho tộ

    Cá rô đồng kho tộ

  39. Đầm Sét
    Một cái đầm lớn thuộc địa phận làng Sét, tên chữ là Thịnh Liệt, còn có tên là Giáp Nhị - quê hương của Tể tướng Bùi Huy Bích cuối thời vua Lê - chúa Trịnh. Cá rô ở đầm Sét, cùng với sâm cầm ở hồ Tây, là một trong những sản vật của Thăng Long-Hà Nội xưa.
  40. Bảo Đại
    (1913-1997) Hoàng đế thứ mười ba và cuối cùng của triều Nguyễn, triều đại phong kiến cuối cùng ở nước ta, đồng thời cũng là quốc trưởng đầu tiên của Đế quốc Việt Nam (3/1945) và Quốc gia Việt Nam (7/1949). Ông sinh tại Huế, là con vua Khải Định, có tên huý là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy. Ông có một câu nói nổi tiếng khi chính thức thoái vị và trao ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho cách mạng vào ngày 23 tháng 8 năm 1945: Trẫm muốn được làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước bị trị. Cuối đời ông sống lưu vong tại Pháp và qua đời trong lặng lẽ vào ngày 31 tháng 7 năm 1997, thọ 85 tuổi.

    Vua Bảo Đại

    Vua Bảo Đại

  41. Bảo Đại tứ niên
    Bảo Đại năm thứ 4, tức năm 1929.
  42. Sâu keo
    Một loại sâu ăn lúa, phá hoại mùa màng, phát triển mạnh có thể tạo thành nạn dịch.

    Sâu keo

    Sâu keo

  43. Ngũ tỉnh
    Năm tỉnh giáp với Hà Nội: Thái Nguyên ở phía bắc, Bắc Ninh và Hưng Yên ở phía đông và đông nam, Hà Tây và Vĩnh Phúc ở phía nam và phía tây. Khái niệm này được dùng trong một số giai đoạn lịch sử của nước ta.
  44. Đồn điền
    Trang trại có quy mô lớn, trồng những loại cây công nghiệp như bông gòn, thuốc lá, cà phê, chè, mía, cao su, cây lấy gỗ hoặc cây ăn trái. Vào thời Pháp thuộc, người Pháp mở rất nhiều đồn điền cao su, cà phê... ở các tỉnh Nam Kỳ, mộ dân phu làm lụng vô cùng cực nhọc với mức công rẻ mạt.

    Phu đồn điền cao su

    Phu đồn điền cao su

  45. Cu li
    Từ tiếng Pháp coolie, chỉ người lao động làm những công việc nặng nhọc.
  46. Ba La
    Một địa danh nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Tại đây có nghề truyền thống là trồng rau xanh.
  47. Vạn Tượng
    Tên một làng nay thuộc xã Nghĩa Dõng, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi, nơi sông Trà Khúc đổ ra biển bằng cửa Đại Cổ Lũy. Tại đây nổi tiếng với đặc sản là don.
  48. Chánh Lộ
    Tên một phường thuộc thành phố Quảng Ngãi hiện nay. Trước đây địa danh này là xã Cù Mông, đời Gia Long thuộc tổng Trung, sau thuộc về tổng Nghĩa Điền huyện Chương Nghĩa, có 815 mẫu ruộng đất. Đời Minh Mạng, Cù Mông đổi là Chánh Mông. Đến năm 1896, đường xuyên Việt chạy ngang qua xã, nên xã Chánh Mông đổi tên là xã Chánh Lộ.