Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  2. Bác mẹ
    Cha mẹ (từ cổ).
  3. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  4. Rừng Nưa
    Rừng thuộc làng Cổ Định, nay là xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa.

    Đền Nưa ở cửa rừng Nưa

    Đền Nưa ở cửa rừng Nưa

    Núi Nưa

    Núi Nưa

  5. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  6. Đờn
    Đàn (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  7. Tùng giả
    Người đi theo, tùy tùng. Cũng nói là tòng giả.
  8. Quờn
    Quyền (cách phát âm Nam Bộ).
  9. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  10. "Hai làng" là hai hàm răng. "Một làng" là miếng trầu. Khi ăn trầu thì nước trầu nhổ ra có màu đỏ như máu, nên gọi là "máu chảy đầy đàng."

    Ăn trầu

    Ăn trầu

  11. Thanh nhàn
    Thảnh thơi, sung sướng.
  12. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  13. Thầy
    Cha, bố (phương ngữ một số địa phương Bắc và Bắc Trung Bộ).
  14. Nường
    Nàng (từ cũ).
  15. Nam thương
    Tên một khúc nhạc trong nghệ thuật ca trù. Khúc Nam thương có giai điệu ai oán, não nề nên cũng được thổi bằng kèn trong các đám tang.
  16. Bài ca dao này lấy ý từ tích Mạc Đĩnh Chi khi đi sứ Trung Quốc bị thách đối "Si, mị, võng, lượng, tứ tiểu quỷ" (theo Hán tự thì trong bốn chữ Si (li) 魑, Mị 魅, Võng 魍, Lượng 魉 đều có chữ Quỷ 鬼) đã đối lại "Cầm, sắt, tì, bà, bát đại vương" (Cầm 琴, Sắt 瑟, Tì 琵, Bà 琶, mỗi chữ đều có hai chữ Vương 王, cộng lại thành tám). Tuy nhiên, độ chân thực của tích này còn nhiều nghi vấn.
  17. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  18. Châu
    Nước mắt. Người xưa ví nước mắt như giọt châu (ngọc).

    Giọt châu lã chã khôn cầm
    Cúi đầu chàng những gạt thầm giọt Tương

    (Truyện Kiều)

  19. Nong
    Dụng cụ hình tròn, đan bằng tre, có vành, đáy nông, thường dùng để phơi nông sản hoặc để nuôi tằm. Có vùng gọi là nống. Nhỏ hơn nong một chút gọi là nia.

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  20. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  21. Bục
    Đồ đựng thóc lúa đan bằng tre hoặc quây bằng tôn.
  22. Thuốc rê
    Thuốc lá sợi được sản xuất theo lối thủ công, khi hút thường phải tự tay vấn thành điếu. Thuốc rê cũng có thể dùng để nhai. Những người nghiện thuốc ngày trước thường đi đâu cũng mang theo một bọc thuốc rê.

    Thuốc rê

    Thuốc rê

  23. Cao Lãnh
    Thành phố đồng thời là tỉnh lị của tỉnh Đồng Tháp. Cao Lãnh cũng là tên một huyện của tỉnh Đồng Tháp, cách thành phố Cao Lãnh 8 km về hướng Đông-Nam.
  24. Có bản chép: thấy mê.
  25. Ta quen đọc là (từ Hán Việt).