Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cá liệt
    Còn gọi là cá ót, một loại cá biển có thân có hình thoi, dẹt bên, to khoảng ba, bốn ngón tay, nhiều xương. Cá thường được kho khô ăn kèm với cơm, nấu canh chua hay nấu riêu, hoặc để làm bột cá.

    Cá liệt

    Cá liệt

  2. Bủa
    Từ từ Hán Việt bố, nghĩa là giăng ra trên một diện tích rộng lớn (bủa lưới, vây bủa, sóng bủa...).
  3. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  4. Nón quai thao
    Còn gọi là nón ba tầm, nón thúng, một loại nón xưa của phụ nữ đồng bằng Bắc Bộ. Nón làm bằng lá gồi hoặc lá cọ, mặt nón rộng 70 - 80 cm, hình bánh xe, đỉnh bằng, có vành cao độ 10 - 12 cm. Mặt dưới nón gắn một vành tròn vừa đầu người đội, gọi là khua. Quai nón dài, khi đội thì thả võng đến thắt lưng, người đội dùng tay giữ quai. Quai nón làm bằng từ một 1 tới 8 dây thao đen kết bằng tơ, chỉ, ngoài bọc tơ dệt liên tục. Đời nhà Trần, nón này được cải tiến cho cung nữ đội và gọi là nón thượng.

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

    Phụ nữ Hà Nội đội nón quai thao (đầu thế kỉ 20).

  5. Quai thao
    Còn gọi quai tua, phần quai để giữ nón quai thao. Một bộ quai thao gồm từ hai đến ba sợi thao (dệt từ sợi tơ) bện lại với nhau, gọi là quai kép, thả võng đến thắt lưng. Khi đội phải lấy tay giữ quai ở trước ngực để tiện điều chỉnh nón.

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

    Chiếc nón quai thao ngày xưa

  6. Quảng Nam
    Tên một tỉnh ở vùng duyên hải Nam Trung Bộ, trước đây bao gồm cả thành phố Đà Nẵng, gọi chung là tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng. Quảng Nam có nghĩa là "mở rộng về phương Nam." Tỉnh Quảng Nam giàu truyền thống, độc đáo về bản sắc văn hóa với những danh tích như thánh địa Mỹ Sơn, phố cổ Hội An...

    Vẻ đẹp Hội An

    Vẻ đẹp Hội An

  7. Huế
    Một địa danh ở miền Trung, nay là thành phố thủ phủ của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Là kinh đô của Việt Nam dưới triều đại phong kiến nhà Nguyễn (1802 - 1945), Huế còn được gọi là đất Thần Kinh (ghép từ hai chữ kinh đôthần bí) hoặc cố đô. Huế là một vùng đất thơ mộng, được đưa vào rất nhiều thơ văn, ca dao dân ca và các loại hình văn học nghệ thuật khác, đồng thời cũng là mảnh đất giàu truyền thống văn hóa với nón Bài Thơ, nhã nhạc cung đình, ca Huế, các đền chùa, lăng tẩm, các món ẩm thực đặc sắc...

    Địa danh "Huế" được cho là bắt nguồn từ chữ "Hóa" trong Thuận Hóa, tên cũ của vùng đất bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Cầu Tràng Tiền bắc ngang qua sông Hương, một biểu tượng của Huế

    Thành Nội, Huế

    Thành Nội

  8. Lạch
    Dòng nước nhỏ hơn sông.
  9. Chợ Bàn Thạch
    Một chợ phiên họp tại phía nam cầu Bàn Thạch, thôn Bàn Thạch, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Chợ họp sáu phiên chính vào các ngày mồng 2, 6, 12, 16, 22 và 26 hằng tháng, ngoài ra chợ còn họp vào mỗi buổi sáng. Đây là một ngôi chợ khá sầm uất nằm sát Quốc lộ 1A ở phía nam tỉnh Phú Yên. Những cánh đồng hai bên bắc nam sông Bàn Thạch là nơi sản sinh rất nhiều lươn, nên trước đây, lúc việc đi lại chuyên chở còn khó khăn, chợ Bàn Thạch là đầu mối nơi lái buôn thu mua lươn để mang về bán lại tại thị xã Tuy Hoà.

  10. Thời
    Thì. Xưa vì kị húy vua Tự Đức (Nguyễn Phúc Thì) nên chữ này được đọc chạnh đi thành "thời."
  11. Kiều Sáo
    Một làng nay thuộc địa phận xã Duy Minh, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam.
  12. Le Mur
    Pháp âm là "lơ-muya," một kiểu áo dài cách tân do họa sĩ Cát Tường (nghệ danh là Le Mur Cát Tường) tung ra vào những năm 1930. Áo Le Mur lấy cảm hứng từ chiếc váy của phương Tây với nối vai, tay phồng, cổ lá sen..., đặc biệt những màu thâm, nâu, đen của áo dài truyền thống được thay bằng màu sắc sặc sỡ, tương sáng mặc kết hợp với quần trắng. Sau khi thịnh hành một vài năm, đến năm 1934, họa sĩ Lê Phổ cải tiến kiểu áo theo cách dung hòa giữa váy phương Tây với áo tứ thân truyền thống (gọi là áo "Lê Phổ"), áo Le Mur bớt phổ biến dần.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

    Đám cưới họa sĩ Cát Tường, Bắc Ninh 1936. Chú rể đứng phía trái, đang giang hai tay. Cô dâu Nguyễn Thị Nội mặc áo trắng, đi bên cạnh phù dâu, đều mặc áo Le Mur.

  13. Bóp phơi
    Cũng đọc trại thành bóp (bót) tơ phơi, từ chữ tiếng Pháp portefeuille, nghĩa là cái ví tiền. Đây cũng là gốc của từ "bóp," được dùng nhiều ở miền Nam.
  14. Ô cánh dơi
    Ô (dù) hình khum, những múi ô khi mở ra trông giống cánh con dơi căng ra, xưa kia nam giới thường dùng.
  15. Hồi đó, ngay tại thủ đô Huế, nơi có triều đình Việt Nam và Toà Khâm Sứ Pháp, một số các cô tân thời hay mặc "mốt" áo Le Mur. Dân Huế do đó mà có bài vè này.
  16. Tề
    Kìa (phương ngữ miền Trung).
  17. Ba tiếng "tội chưa tề" ở đây vừa có nghĩa là "tội nghiệp chưa kìa" theo cách nói của người miền Trung, lại vừa mô phỏng tiếng kèn đám ma "tò tí te."
  18. Dôn
    Chồng (phương ngữ một số vùng Trung Bộ).
  19. Ruốc
    Một loại tôm nhỏ (chỉ dài khoán 10-40mm), thường được đánh bắt dùng để làm mắm (mắm ruốc, mắm tôm hoặc mắm chua) hay phơi khô thành ruốc khô, có thể xay vụn thành bột ruốc.

    Ruốc khô

    Ruốc khô

  20. Kèn lá
    Một loại nhạc cụ đơn giản của một số dân tộc miền núi, chỉ gồm một chiếc lá cây được cắt phần cuống, gấp đôi theo sống lá. Thường người ta chọn những lá có bề mặt rộng, bóng nhẵn, không có răng cưa.

    Thổi kèn lá

    Thổi kèn lá

  21. Giả đò
    Giả vờ (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  22. Kiểng
    Cảnh (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ "Cảnh" là tên của Nguyễn Phúc Cảnh (con cả của chúa Nguyễn Ánh), người được đưa sang Pháp làm con tin để đổi lấy sự giúp đỡ đánh nhà Tây Sơn, vì vậy được gọi trại ra thành "kiểng" để tránh phạm húy.
  23. Bạn ngọc
    Bạn quý như ngọc, thường chỉ người thương hay bạn thân.
  24. Gia thất
    Vợ chồng. Theo Thiều Chửu: Vợ gọi chồng là gia 家, cũng như chồng gọi vợ là thất 室. Vợ chồng lấy nhau vì thế gọi là “thành gia thất.”
  25. Chửa
    Chưa (từ cổ, phương ngữ).
  26. Niên
    Năm (từ Hán Việt)
  27. Cơ đoạn
    Có thể hiểu là lúc khó khăn, đói kém.
  28. Nâu
    Cũng gọi là bồ nâu, một loại cây mọc hoang ở vùng núi, có củ hình tròn, vỏ sần sùi, màu xám nâu, thịt đỏ hay hơi trắng, rất chát. Củ nâu có thể dùng để nhuộm (gọi là nhuộm nâu), luộc ăn, hoặc làm vị thuốc.

    Củ nâu

    Củ nâu

  29. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  30. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  31. Cuốc
    Còn gọi là chim quốc, con nghịt, một loại chim nhỏ thường gặp ngoài đồng ruộng, có tiếng kêu "cuốc, cuốc." Tương truyền chim cuốc (cũng gọi là chim đỗ quyên, xin xem chi tiết ở chú thích Đỗ quyên) là do vua Thục Đế mất nước khóc đến chảy máu mắt, chết đi hóa thành.

    Chim cuốc

    Chim cuốc

  32. Bồ hòn
    Cây to cùng họ với vải, nhãn, quả tròn, khi chín thì thịt quả mềm như mạch nha. Quả bồ hòn có vị rất đắng, có thể dùng để giặt thay xà phòng.

    Quả bồ hòn

    Quả bồ hòn

  33. Sung
    Một loại cây gặp nhiều trên các vùng quê Việt Nam. Thân cây sần sùi, quả mọc thành chùm. Quả sung ăn được, có thể muối để ăn như muối dưa, cà, ngoài ra còn dùng trong một số bài thuốc dân gian.

    Cây và quả sung

    Cây và quả sung

  34. Chú khách
    Một cách gọi người Hoa sống ở Việt Nam. Từ này bắt nguồn từ chữ "khách trú," cũng gọi trại thành cắc chú.
  35. Phủ
    Tên gọi một đơn vị hành chính thời xưa, cao hơn cấp huyện nhưng nhỏ hơn cấp tỉnh. Đứng đầu phủ gọi là quan phủ, cũng gọi tắt là phủ.
  36. Mốc cời
    Bị mốc nặng, mốc mòn, mốc meo.