Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Nấm
    Mô đất cao.
  2. Tháng mười âm lịch thời tiết hanh khô, cây cối rất cần có nước, nếu có sấm (báo hiệu trời mưa) thì cây cối hoa màu dễ phát triển.
  3. Mần răng
    Làm sao (phương ngữ Trung Bộ).
  4. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  5. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  6. Nguyệt Lão
    Đời nhà Đường, có một người tên là Vi Cố đi kén vợ, gặp một ông cụ ngồi dựa túi xem sách dưới bóng trăng. Anh ta hỏi, thì ông cụ bảo sách ấy chép tên những người lấy nhau và túi ấy đựng những sợi chỉ hồng (xích thằng) để buộc chân hai người phải lấy nhau, không sao gỡ ra được nữa. Anh ta hỏi phải lấy ai, thì ông cụ chỉ một đứa bé lên ba tuổi ở trong tay một người đàn bà chột mắt đem rau ra bán ở chợ mà bảo đó là vợ Vi Cố. Vi Cố giận, sai người đâm con bé ấy, nhưng nó chỉ bị thương. Mười bốn năm sau, quả nhiên Vi Cố lấy người con gái ấy. Chữ "nguyệt lão" chúng ta thường dịch nôm na là "trăng già." Hai chữ "Ông Tơ" và "Bà Nguyệt" cũng bởi tích ấy mà ra, dùng chỉ vị thần lo chuyện kết nhân duyên. Mối nhân duyên cũng do thế mà thường được gọi là "mối tơ." Xem thêm: Hình tượng Ông Tơ Bà Nguyệt trong văn hóa dân gian.

    Ông Tơ Nguyệt

    Ông Tơ Nguyệt

  7. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  8. Quắn
    Xoăn tít (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  9. Huỳnh
    Đọc trại âm từ chữ Hán hoàng 黃 (nghĩa là vàng). Xưa vì kị húy với tên chúa Nguyễn Hoàng mà người dân từ Nam Trung Bộ trở vào đều đọc thế.
  10. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  11. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  12. Vóc
    Một loại vải tơ tằm, bóng mịn, có hoa, dệt bằng sợi đồng màu, dùng làm tán thờ thần hay may y phục cho vua chúa, quan lại.
  13. Trúc bâu
    Loại vải trắng mịn, khổ rộng.
  14. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  15. Nhạn
    Vốn nghĩa là con ngỗng trời. Theo Thiều Chửu: Chim nhạn, mùa thu lại, mùa xuân đi, cho nên gọi là hậu điểu 候鳥  chim mùa. Chim nhạn bay có thứ tự, nên anh em gọi là nhạn tự 雁序. Có khi viết là nhạn 鴈. Ta gọi là con chim mòng. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của cũng chép “Nhạn: Thứ chim giống con ngỗng.” Trong văn học cổ ta thường bắt gặp những cụm từ "nhạn kêu sương," "tin nhạn." Hiện nay từ này thường được dùng để chỉ chim én.
  16. Vằng
    Cũng gọi là chè vằng, một loại cây bụi nhỏ mọc hoang, được dùng để pha nước uống hoặc sắc thuốc.

    Vằng

    Vằng

  17. Nhái bầu
    Tên chung của một số loài nhái có bụng to, lưng thường có màu nâu tối, đôi khi có hoa văn.

    Nhái bầu trơn

    Nhái bầu trơn

  18. Theo bài Tính chất phản kháng trong thơ văn bình dân Nam-kỳ thời Pháp thuộc của Long Điền: "Cồ cồ" tức coco là trái dừa, "ba nanh" tức banane là trái chuối. Quần chúng đã kết hợp tài tình hai thứ tiếng để chế giễu bọn bồi bếp, bọn ăn học chẳng ra gì nhưng lại được thực dân trọng dụng.
  19. Sơn hà
    Núi sông (từ Hán Việt). Từ cũ, nghĩa rộng dùng để chỉ đất nước.

    Nam quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên phận định tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    (Lý Thường Kiệt)

    Dịch thơ:

    Sông núi nước Nam vua Nam ở
    Rành rành định phận tại sách trời
    Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm
    Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.

  20. Nồm
    Thời tiết ấm và ẩm ướt (giao giữa cuối đông và đầu xuân, thường ở miền Bắc).
  21. Mạ
    Cây lúa non. Sau khi ngâm ủ thóc giống, người ta có thể gieo thẳng các hạt thóc đã nảy mầm vào ruộng lúa đã được cày, bừa kỹ hoặc qua giai đoạn gieo mạ trên ruộng riêng để cây lúa non có sức phát triển tốt, sau một khoảng thời gian thì nhổ mạ để cấy trong ruộng lúa chính.

    Bó mạ

    Bó mạ

    Cấy lúa

    Cấy lúa

  22. Giá
    Lạnh buốt.
  23. Bình Châu
    Tên cũ của xã Bình Thắng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, nằm bên cửa Đại. Tại đây hằng năm có lễ hội Nghinh Ông để ngư dân cầu cho mưa thuận gió hòa, đánh bắt được mùa.

    Lễ hội Nghinh Ông ở Bình Thắng

    Lễ hội Nghinh Ông ở Bình Thắng

  24. Tam Hoàng Ngũ Đế
    Thời kỳ lịch sử đầu tiên của Trung Quốc, và là các vị vua huyền thoại của Trung Quốc trong thời kỳ từ năm 2852 TCN tới 2205 TCN, ngay trước thời nhà Hạ. Tam Hoàng là ba vị vua đầu tiên của nước này, Ngũ Đế là năm vị vua nối tiếp theo Tam Hoàng, có công khai hóa dân tộc Trung Hoa, đưa dân tộc này thoát khỏi tình trạng sơ khai.

    Các học giả Trung Hoa không nhất trí với nhau về Tam Hoàng và Ngũ Đế cụ thể là ai.

    Tam hoàng, tùy theo ý kiến, có thể bao gồm Phục Hy, Nữ Oa, Thần Nông; hoặc Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng; hoặc Phục Hy, Thần Nông, Toại Nhân.

    Ngũ đế có thể là Hoàng Đế, Chuyên Húc, Đế Khốc, Đế Nghiêu, và Đế Thuấn; có thể là các vị thần ở các phương: Thiếu Hạo (đông), Chuyên Húc (bắc), Hoàng Đế (trung), Phục Hi (tây), Thần Nông (nam); hoặc có thể đồng nhất với Ngũ thị, bao gồm: Hữu Sào thị, Toại Nhân thị, Phục Hi thị, Nữ Oa thị, Thần Nông thị.

    Ngoài ra, còn có các thuyết khác về thành phần của Tam Hoàng Ngũ Đế.

     

  25. Tam Hoàng Ngũ Đế chi thư
    Sách của Tam Hoàng, Ngũ Đế.
  26. Mống
    Cầu vồng (phương ngữ).
  27. Cu Đê
    Một địa danh nằm ở phía Bắc huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng hiện nay. Tại đây có núi và sông Cu Đê. Sách Đại Nam Nhất thống chí ghi: "Núi Cu Đê [...] lại có tên là núi Hoa Ổ (tục gọi là động Suối Đá), núi nhiều ve ve, người địa phương bắt nấu ăn rất ngon. Mùa thu mùa đông cầu vồng hiện ở phía Nam núi, người ta lấy đấy mà chiêm nghiệm mưa lụt." Làng Cu Đê ngày xưa chính là làng Nam Ô bây giờ.

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

    Cửa sông Cu Đê với núi Xuân Dương (phải) và núi Gành Nam Ô

  28. Cửa Đại
    Tên cũ là cửa Đại Chiêm, cửa sông nơi sông Thu Bồn đổ ra Biển Đông, thuộc Hội An, Quảng Nam. Cửa Đại (hay Cửa Đợi) cũng là tên của bãi biển khu vực này.

    Vùng Cửa Đại xưa kia là hải cảng chính của nước Champa và kinh thành Champa trên đất Quảng Nam, là nơi giao thương buôn bán sầm uất. Hiện nay Cửa Đại là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Quảng Nam.

    Biển Cửa Đại

    Biển Cửa Đại

  29. Cá mại
    Loài cá nước ngọt cùng họ với cá chép, cỡ nhỏ bằng ngón tay cái, thân dẹp và ngắn.

    Cá mại nấu canh chua

    Cá mại nấu canh chua

  30. Trúc mai
    Trong văn chương, trúc và mai thường được dùng như hình ảnh đôi bạn tình chung thủy, hoặc nói về tình nghĩa vợ chồng.

    Một nhà sum họp trúc mai
    Càng sâu nghĩa bể càng dài tình sông

    (Truyện Kiều)

  31. Song nhạc
    Nhạc phụ và nhạc mẫu, tức bố và mẹ vợ (từ Hán Việt).
  32. Há dễ
    Không dễ dàng gì (từ cổ).

    Làm ơn há dễ mong người trả ơn (Lục Vân Tiên)

  33. Hà Bá
    Vị thần cai quản sông trong tín ngưỡng đạo giáo. Xưa kia ven sông thường có đền thờ Há Bá để cầu cho mọi người không gặp nạn trên sông và bắt được nhiều cá trong mùa mưa. Hà Bá thường được miêu tả là một ông lão râu tóc bạc trắng, tay cầm một cây gậy phất trần với một bầu nước uống, ngồi trên lưng một con rùa và cười vui vẻ.

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

    Một hình vẽ Hà Bá theo truyền thuyết

  34. "Phá sơn lâm" là phá rừng, đốn củi, khai hoang. "Đâm Hà Bá" là làm nghề chài lưới ở sông, biển. Đây được coi là hai nghề xúc phạm đến thần núi và thần nước: nhất là làm nghề rừng, hai là làm nghề sông biển, quan niệm này cho rằng vì lẽ đó, phá sơn lâm và đâm hà bá là hai nghề không giàu được.
  35. Lạt
    Nhạt (khẩu ngữ Trung và Nam Bộ).
  36. Kia (phương ngữ Trung Bộ).