Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Ba Gia
    Còn gọi là Ba Da, hay Bà Già, tên cũ gọi một vùng biển ở Phan Rang, Ninh Thuận.
  2. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  3. Đồn Vàng
    Tên một cái đồn do Pháp lập ra ở huyện lị Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú, nay là phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
  4. Bảo Vệ
    Một làng nay là hai thôn Bảo Vệ Thượng và Bảo Vệ Hạ, thuộc xã Hương Nộn, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Làng Bảo Vệ và làng Hùng Nhĩ xưa là cái nôi của hát ghẹo Phú Thọ (xem chi tiết ở chú thích Hùng Nhĩ).
  5. Chính chuyên
    Tiết hạnh, chung thủy với chồng (từ Hán Việt).
  6. Mưa chẳng qua Ngọ, gió chẳng qua Mùi
    Kinh nghiệm đoán biết thời tiết: mưa buổi sáng thường không kéo dài sang quá buổi trưa (giờ Ngọ, từ 11h đến 13h); gió (bắc) thường lặng vào buổi chiều (giờ Mùi, từ 13h đến 15h).
  7. Tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn
    Cất giữ lúa gạo phòng khi đói, cất giữ quần áo phòng khi rét (thành ngữ Hán Việt).
  8. Ví dầu
    Nếu mà, nhược bằng (từ cổ). Cũng nói là ví dù.
  9. Rau dền
    Một loại rau có tính mát, giàu sắt, là món ăn dân dã phổ biến với người Việt Nam. Ở Việt Nam chủ yếu có hai loại rau dền là dền trắng và dền đỏ (tía). Rau dền thường được luộc hay nấu canh.

    Rau dền đỏ

    Rau dền đỏ

  10. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  11. Vàng mười
    Vàng nguyên chất.
  12. Vàng bảy
    Vàng không tinh khiết có pha tạp các kim loại khác, chỉ được chừng bảy trên mười phần là vàng (so với vàng mười là vàng nguyên chất).
  13. Bòng
    Một loại quả rất giống bưởi. Ở một số tỉnh miền Trung, người ta không phân biệt bưởi và bòng. Trong ca dao hay có sự chơi chữ giữa chữ "bòng" trong "đèo bòng" và quả bòng.
  14. Đồng hồ
    Nghĩa gốc là cái bình bằng đồng. Người xưa đo thời gian bằng cách chứa nước trong cái bình bằng đồng, dưới có lỗ cho nước đều đặn nhỏ xuống. Vì vậy trong thơ văn cổ hay dùng cụm từ "giọt đồng hồ" hoặc "giọt đồng" để chỉ thời gian.

    Đồng hồ ngày xưa

    Đồng hồ ngày xưa

  15. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  16. Thủ tiết
    Giữ trọn tiết nghĩa. Từ này thường được dùng cho người phụ nữ giữ trọn lòng chung thủy với chồng.
  17. Tò vò
    Loài côn trùng có cánh màng, nhìn giống con ong, lưng nhỏ, hay làm tổ bằng đất trộn với nước bọt của mình. Tổ tò vò rất cứng, trong chứa ấu trùng tò vò.

    Con tò vò

    Con tò vò

  18. Môn đương hộ đối
    Cổng và cửa nhà tương xứng (thành ngữ Hán Việt). Chỉ sự ngang bằng về nhà cửa, gia thế, địa vị của hai bên dâu rể. Cũng nói môn đăng hộ đối.
  19. Hồng xiêm
    Còn có tên là lồng mứt hay sa pô chê (từ tiếng Pháp sapotier), một loại cây cho quả khi chín có ruột thẫm, mềm, ăn rất ngọt.

    Quả hồng xiêm

    Quả hồng xiêm

  20. Chầy
    Trễ, chậm (từ cổ). Trong ca dao ta cũng thường gặp cụm từ "canh chầy," nghĩa là canh khuya, đêm khuya.
  21. Khăn vuông
    Loại khăn to bề khổ, bốn cạnh bằng nhau, dùng để đội đầu hoặc gói bọc đồ đạc quần áo đem theo mình. Đầu tiên, người ta để quần áo vật dụng vào giữa khăn, lấy hai chéo đối nhau siết chặt lại, cuối cùng thắt gút hai chéo còn lại với nhau, xỏ tay vào để mang túi lên vai.
  22. Người nghĩa
    Người thương, người tình.
  23. Kiến
    Gặp, trông thấy (từ Hán Việt).

    Nhớ câu "kiến ngãi bất vi"
    Làm người thế ấy cũng phi anh hùng.

    (Lục Vân Tiên - Nguyễn Đình Chiểu)

  24. Bầu dục
    Còn gọi là quả cật hay quả thận, một cơ quan trong cơ thể người hay động vật, có nhiệm vụ lọc nước tiểu. Bồ dục lợn là một món ăn ngon.

    Bầu dục lợn được chế biến thành món xào

    Bầu dục lợn xào

  25. Cá bẹ
    Còn gọi cá cháy, một loại cá thường gặp ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, tại các vùng nước biển ven bờ hoặc nước sông đục có dòng chảy mạnh. Cá bẹ có thân hình thon dẹt, đỉnh đầu trơn không có vân, toàn thân phủ vảy to, lưng có màu xanh lá cây. Thịt cá bẹ ngon nhưng có nhiều xương nhỏ và dài.

    Cá bẹ (cá cháy)

    Cá bẹ

    Ở vùng biển Bắc Bộ cũng có một loài cá bẹ, còn gọi là cá đé, thịt ngon thuộc hàng "tứ quý" (chim, thu, nhụ, đé).

  26. Cá chày
    Một loại cá nước ngọt thường gặp ở nước ta, dân gian còn gọi là cá rói. Cá thường sống thành đàn lớn, thân cá gần tròn, đầu to vừa, mõm tù, ngắn, có hai đôi râu bé, mắt nhỏ và đỏ, lưng và đầu hơi đen, bụng vàng hay trắng nhợt. Nhân dân ta thường đánh bắt (câu, lưới) cá chày để chế biến thành các món canh, kho, chiên giòn...

    Cá chày (cá rói)

    Cá chày (cá rói)

  27. Hồng Gai
    Cũng gọi là Hòn Gai, tên cũ là Bang Gai hoặc Áng Gai, nay là một phường thuộc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Cuối thế kỷ 19 trở về trước, đây là một vùng vắng vẻ, cư dân thưa thớt, vốn chỉ là vũng biển đậu thuyền. Tại đây có mỏ Hòn Gai, một mỏ than đã được đưa vào khai thác từ thời Pháp thuộc.

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

    Một góc mỏ than Hòn Gai thời Pháp thuộc

  28. Cẩm Phả
    Một địa danh nay là thành phố thuộc tỉnh Quảng Ninh. Tại đây từ xưa đã nổi tiếng với ngành khai thác than đá. Cẩm Phả cũng có nghề khai thác hải sản với hơn 50 km bờ biển, nhưng chủ yếu là đánh bắt gần bờ, sản lượng thấp.

    Cẩm Phả về đêm

    Cẩm Phả về đêm

  29. Đông Triều
    Tên một huyện thuộc tỉnh Quảng Ninh, là vùng đất cổ có từ thời Bắc thuộc, ghi đậm nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa. Đây cũng là nơi phát hiện ra than đá đầu tiên ở Việt Nam, và than đá Đông Triều đã được khai thác từ rất sớm – từ những năm 1820.

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

    Lăng mộ vua Trần ở đập Trại Lốc

  30. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  31. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  32. Bình bát
    Một loại cây cùng họ với mãng cầu (na), thường mọc ven bờ kênh, rạch có nước phèn, nước lợ ở Nam Bộ, quả ăn được. Bình bát dầm đường là món ăn vặt phổ biến ở trẻ em miền quê Nam Bộ, và còn được dùng làm thuốc. Tên gọi bình bát có nguồn gốc từ tiếng Thái-Khmer mean bat.

    Trái bình bát

    Trái bình bát

  33. Mãng cầu
    Miền Bắc gọi là na, một loại cây ăn quả cho quả tròn có nhiều múi (thực ra, mỗi múi là một quả) khi chín có vị ngọt, mùi rất thơm. Lá, hạt và rễ mãng cầu cũng là những vị thuốc dân gian.

    Trái mãng cầu

    Trái mãng cầu