Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tảo tần
    Cũng như tần tảo, chỉ người phụ nữ khéo thu vén công việc trong nhà. Tần 苹 là bèo, tảo 藻 là rong, hai thứ rau cỏ mọc dưới nước, người Trung Hoa cổ dùng vào việc cúng tế. Thơ "Thái tần" trong Kinh Thi ca ngợi người vợ biết chu toàn việc cúng tế tổ tiên, viết: "Vu dĩ thái tần, nam giản chi tân. Vu dĩ thái tảo, vu bỉ hành lạo" (Hái bèo ở đâu, bên bờ khe nam. Hái rong ở đâu, bên lạch nước kia). "Tảo tần" còn chỉ sự vất vả cực khổ.
  2. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  3. Cơ hàn
    Đói (cơ 飢) và lạnh (hàn 寒). Chỉ chung sự nghèo khổ cơ cực.

    Bạn ngồi bạn uống rượu khan
    Tôi ngồi uống nỗi cơ hàn bạn tôi!

    (Gặp bạn ở chợ Bến Thành - Hoàng Đình Quang)

  4. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  5. Trâm bầu
    Một loại cây bụi hoặc gỗ, mọc hoang ở miền kênh rạch vùng Đông Nam Bộ hoặc được trồng để nuôi kiến cánh đỏ. Lá, rễ và hạt được cho là có nhiều tác dụng chữa bệnh, phổ biến nhất trong dân gian là dùng để tẩy giun đũa.

    Lá và quả trâm bầu.

    Lá và quả trâm bầu.

  6. Nghĩa nhân
    Cũng viết nhân nghĩa, nghĩa là "lòng yêu thương người (nhân) và biết làm điều phải (nghĩa)." Hiểu rộng là đạo nghĩa sống ở đời.
  7. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  8. Có bản chép: Ghét người người lại hóa ra ghét mình.
  9. Cu gáy
    Một loài chim bồ câu, lông xám, bụng và đầu có phớt hồng, lưng và quanh cổ có chấm đen như hạt cườm.

    Chim cu gáy

  10. Vừng
    Miền Trung và miền Nam gọi là mè, một loại cây nông nghiệp ngắn ngày, cho hạt. Hạt vừng là loại hạt có hàm lượng chất béo và chất đạm cao, dùng để ăn và ép lấy dầu.

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

    Hạt vừng có hai loại: trắng và đen

  11. Bồ câu
    Cũng gọi là chim cu, loài chim có cánh dài, bay giỏi, mỏ yếu, mắt tròn đẹp và sáng, được nuôi làm cảnh và lấy thịt. Nhờ nhớ đường và định hướng rất tốt nên trước đây chúng thường được huấn luyện để đưa thư.

    Chim bồ câu

    Chim bồ câu

  12. Chích chòe
    Tên chung của một số loài chim nhỏ, đuôi dài, ăn sâu bọ. Các loại chính chòe thường gặp là chích chòe than (lông màu đen, có đốm trắng), chích chòe lửa (có bụng màu gạch đỏ như lửa), chích chòe đất... Hiện nay chích chòe thường được nuôi làm cảnh.

    Chích chòe lửa

    Chích chòe lửa

  13. Đất biền
    Vùng đất ven sông, ngập nước khi thủy triều lên.
  14. Yên Duyên
    Tên nôm là làng Mui, còn gọi là sở Mui, nay là thôn Yên Duyên, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội. Tên làng bắt nguồn từ câu chuyện vua Lý Nhân Tông trong một chuyến đi kinh lý đến đất này, thấy một cô gái xinh đẹp cứ ẩn hiện trên con thuyền giữa dòng sông Hồng. Vua ở xa, cô gái cất tiếng hát, giọng ấm mà vang truyền; vua đến gần, lại không thấy cô gái đâu. Cho rằng đó là công chúa Thủy cung hiện lên, có nhân duyên với mình mà không gặp, vua bèn sức cho dân làng lập nghè thờ, gọi là Nghè Bà Chúa và ban mỹ tự cho bà là “Thần tiên mỹ nữ tự đại vương,” nhân đó đổi tên làng là An Duyên (mối tình duyên yên bình).
  15. Thời xưa nhân dân làng Mui hay đi vớt củi rều trên sông và chặt thân ngô đem bán.
  16. Nam Dư
    Tên một làng nay thuộc phường Lĩnh Nam, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Làng này ngày xưa có lò nấu đường, làm mật.
  17. Thanh Trì
    Một địa danh trước đây thuộc phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông, đến năm 1961 được sát nhập và Hà Nội. Lần lượt vào năm 2001 và 2003, một phần của Thanh Trì được cắt ra để thành lập quận Thanh Xuân và quận Hoàng Mai. Thanh Trì nằm ở hữu ngạn sông Hồng, với nhiều ao, hồ, đầm. Tên cổ của huyện là Thanh Đàm có nghĩa là "đầm xanh," chính là dựa vào đặc điểm địa hình của huyện, đến thế kỉ 16 do kị húy vua Lê Thế Tông (Lê Duy Đàm) nên đổi thành Thanh Trì (ao xanh). Tại đây có món đặc sản rất nổi tiếng là bánh cuốn Thanh Trì.
  18. Đồng Nhân
    Tên một làng nay thuộc địa phận quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tại đây có đền Đồng Nhân, thờ Trưng Trắc – Trưng Nhị, hằng năm từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 2 âm lịch lại tổ chức lễ hội tưởng nhớ công ơn Hai Bà.
  19. Thúy Ái
    Một làng nằm bên bờ sông Hồng, nay thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội. Toàn bộ đồng đất của làng là đất bãi phù sa tươi tốt, rất thuận lợi cho việc trồng dâu, mía.
  20. Kẻ Mơ
    Tên một vùng đất rộng lớn ở phía Đông Nam thành Thăng Long xưa, bao gồm Hoàng Mai, Tương Mai, Hồng Mai (sau đổi thành Bạch Mai vì kị húy vua Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm) và Mai Động ngày nay. Làng Hoàng Mai có rượu cúc và rượu mơ rất nổi tiếng, nên gọi là làng Mơ Rượu. Làng Mai Động lại có nghề làm đậu phụ rất ngon, gọi là Mơ Đậu. Còn ở làng Tương Mai, các nhà ven đường đều mở hàng cơm, nên có tên khác là Mơ Cơm.
  21. Sở Lờ
    Còn có tên là Sở Thượng, một phần của xã Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội ngày nay. Làng ngày xưa có nghề đánh cá, đơm lờ, vì vậy thành tên.
  22. Cươi
    Sân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  23. Sấm tháng mười cày cươi mà cấy
    Tháng mười có sấm thì nhất định vụ chiêm sau đó sẽ được mùa, nên tận dụng đất (cày cả sân nhà) để cấy lúa.
  24. Hồ lơ
    Hồ quần áo với nước có pha phẩm xanh loãng cho đẹp hơn. là màu xanh nhạt (từ tiếng Pháp bleu).
  25. Ra (phương ngữ).
  26. Bồ đề
    Còn gọi tắt là cây đề, một loại cây lớn, có ý nghĩa thiêng liêng trong quan niệm của Ấn Độ giáo, Kì Na giáo và Phật giáo. Tương truyền thái tử Tất Đạt Đa Cồ Đàm ngồi thiền định dưới một gốc cây như vậy và đạt giác ngộ, trở thành một vị Phật (Thích Ca), từ đó cây có tên bồ đề (theo âm tiếng Phạn bodhi, có nghĩa là giác ngộ, thức tỉnh).

    Cây bồ đề

    Cây bồ đề

  27. Chị của mẹ.
  28. Xuýt chó bụi rậm
    Xúi giục người khác (thường là ngu dốt) lao vào nơi nguy hiểm.
  29. Một loại nhạc khí thường làm bằng gỗ, khi gõ có tiếng vang. Trong đạo Phật, Phật tử gõ mõ khi tụng kinh. Ở làng quê Việt Nam xưa, khi muốn thông báo gì thì người ta gõ mõ. Người chuyên làm công việc đánh mõ rao việc làng cũng gọi là mõ.

    Mõ

  30. Tú tài
    Trong thời kì phong kiến, tú tài là danh hiệu dành cho người thi hương đỗ dưới hàng cử nhân. Người đỗ tú tài thường được gọi là ông Tú, cậu Tú. Vợ họ thì được gọi là cô Tú hoặc bà Tú.
  31. Cử nhân
    Học vị cấp cho những người thi đỗ kì thi hương dưới thời phong kiến, trên tú tài. Người có học vị này thường được gọi là ông cử.
  32. Ngọt ngay
    Cũng nói là ngọt ngây, cách nói của Trung và Nam Bộ để mô tả vị ngọt đậm đà.

    Quýt Cái Bè nổi tiếng ngọt ngây
    Ai ăn rồi nhớ mãi miền Tây

    (Hành trình trên đất phù sa - Thanh Sơn)

  33. Cầu Nước Mặn
    Một cây cầu bắc ngang qua một con suối chảy từ Phụng Du xuống sông Tam Quan, thuộc huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Có ý kiến cho rằng tên cầu như vậy vì trước đây sông Tam Quan đáy còn sâu, cửa còn rộng, mỗi khi có triều lớn, nước biển mặn dâng lên tới tận Phụng Du. Theo thời gian, cửa sông hẹp lại và lòng sông bị bồi lấp, đầy dần lên, nước mặn không lên cao được nữa, nhưng tên cầu vẫn giữ nguyên.
  34. Má hồng
    Từ chữ hồng nhan (cũng nói là hường nhan ở Nam Bộ), từ dùng trong văn thơ cổ chỉ người con gái đẹp.

    Phận hồng nhan có mong manh
    Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

    (Truyện Kiều)

  35. Mặn chằng
    Cũng viết là mặn chằn, cách nói miêu tả vị mặn gắt ở Trung và Nam Bộ.
  36. Đề Gi
    Một làng biển thuộc huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, nằm ngay cửa nơi vịnh Nước Ngọt ăn thông ra biển. Đề Gi nổi tiếng với nghề làm muối và nước mắm, và hiện nay cũng đang là một cảng biển tấp nập.

    Cảng cá Đề Gi

    Cảng cá Đề Gi

  37. Nước Ngọt
    Tên chữ là Đạm Thủy, một cái đầm nằm trên ranh giới phía Đông của xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ và xã Cát Minh, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, đồng thời cũng là tên mũi đất ở đó. Người ta kể rằng, vào thời kỳ Nguyễn Ánh đang phải trốn chạy quân Tây Sơn, có lần hết nước uống, phải cho thuyền cập cửa Đề Gi nhưng không dám vào làng gặp dân vì sợ bị lộ. Nước đầm mặn không uống được, ông ngửa mặt lên trời khấn: "Nếu mệnh trời của họ Nguyễn chưa dứt thì xin ban cho nước ngọt," rồi cho đào sâu xuống thì gặp mạch nước ngọt, vì vậy thành tên đầm.

    Mũi Nước Ngọt

    Mũi Nước Ngọt

  38. Chí
    Đến, kéo dài cho đến (từ Hán Việt).
  39. Thài lai
    Còn nói thày lay, xen vào việc của người khác không liên quan đến mình (phương ngữ Nam Bộ).
  40. Nghĩa là: Núi không cao, sông không sâu, nam gian trá, nữ hoang dâm. Câu thành ngữ được cho là nói về Huế.