Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Trấn đơn mùi sồng
    Nhuộm qua một lớp nước nâu (trấn nghĩa là nhúng vào nước).
  2. Nghiên
    Đồ dùng để mài mực hoặc son khi viết chữ Hán hoặc gần đây là thư pháp.

    Bút và nghiên mực Tàu

    Bút và nghiên mực Tàu

  3. Bụt
    Cách gọi dân gian của Phật, bắt nguồn từ cách phiên âm từ Buddha (bậc giác ngộ - Phật) trong tiếng Ấn Độ.
  4. Mù u
    Một loại cây gỗ lớn khá quen thuộc ở Trung và Nam Bộ. Cây mù u cùng họ với cây măng cụt, lớn chậm, gỗ cứng, thường mọc dọc bờ sông rạch, quả tròn, vỏ mỏng, hạt rất cứng có thể dùng để ép lấy dầu. Dầu mù u có nhiều dược tính và được dùng làm nhiều loại thuốc, ví dụ như thuốc trị bòng và chăm sóc da. Xưa kia, người dân Nam Bộ thường dùng dầu mù u như một nhiên liệu tự nhiên sẵn có và rẻ tiền để thắp đèn. Cây mù u còn cho gỗ tốt, thường được dùng để đóng ghe thuyền.

    Trái mù u

    Trái mù u

    Hoa mù u

    Hoa mù u

     

  5. Đây vốn là hai câu thơ của nhà thơ Kiên Giang:

    Ong bầu đậu đọt mù u
    Lấy chồng càng sớm tiếng ru càng buồn

  6. Công
    Một loài chim thuộc họ Trĩ, có tên Hán Việt là khổng tước. Chim trống bộ lông có màu lục óng ánh, đuôi rất dài, có màu lục ánh đồng, mỗi lông ở mút có sao màu lục xanh, đỏ đồng, vàng, nâu. Mào dài, hẹp thẳng đứng, phần mặt của nó có màu vàng và xanh, khi nó múa đuôi xòe ra hình nan quạt để thu hút chim mái. Công mái không có đuôi dài và đẹp như công trống.

    Chim công

    Chim công

  7. Tò vò
    Loài côn trùng có cánh màng, nhìn giống con ong, lưng nhỏ, hay làm tổ bằng đất trộn với nước bọt của mình. Tổ tò vò rất cứng, trong chứa ấu trùng tò vò.

    Con tò vò

    Con tò vò

  8. Quán Cau
    Đèo Quán Cau ở làng Mỹ Phú, còn chợ Quán Cau ở làng Phong Phú, đều thuộc xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Tại đây nổi tiếng có giống ngựa thồ rất tốt. Phía đông đèo Quán Cau là đầm Ô Loan, một thắng cảnh nổi tiếng của nước ta.

    Về địa danh Quán Cau, có câu chuyện sau: Ngày xưa, nơi chân đèo Quán Cau có một bà cụ già không rõ từ đâu đến. Bà cất quán bán trầu cau, khách bộ hành qua đèo khá dài nên dừng chân giải khát, mua trầu cau ăn nghỉ rồi tiếp tục hành trình. Người đi ra Bắc đến chân đèo thì chờ người bạn đường, cũng mua trầu cau ăn rồi tiếp tục trèo đèo. Vì thế có tên đèo Quán Cau.

    Đèo Quán Cau

    Đèo Quán Cau

  9. Cá thu
    Loại cá biển, thân dài, thon, không có hoặc có rất ít vảy. Từ cá thu chế biến ra được nhiều món ăn ngon.

    Cá thu

    Cá thu

  10. Chợ Yến
    Tên một ngôi chợ thuộc huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Chợ từ xưa nổi tiếng với các hàng cá biển tươi ngon. Từ vị trí này sang hướng Đông khoảng một cây số là Hòn Yến.
  11. Kén lừa
    Kén chọn.
  12. Dãi
    Phơi ra, trải ra.
  13. Củi rều
    Củi từ cành cây nhỏ, cây vụn trôi trên sông.
  14. Dang ca
    Nói chuyện dông dài (phương ngữ Nam Trung Bộ).
  15. Thiếp
    Từ Hán Việt chỉ người vợ lẽ, hoặc cách người phụ nữ ngày xưa dùng để tự xưng một cách nhún nhường.
  16. Nớ
    Kia, đó (phương ngữ Trung Bộ).
  17. Ni
    Này, nay (phương ngữ miền Trung).
  18. Thiệt
    Thật (phương ngữ Trung và Nam Bộ). Chữ này được đọc trại ra như vậy do kị húy bà vương phi Lê Thị Hoa (được vua Gia Long đặt tên là Thật).
  19. Một bồn hai kiểng
    Một chậu trồng hai cây cảnh.

    Cây kiểng

    Cây kiểng

  20. Trầu
    Còn gọi là trầu không, một loại dây leo dùng làm gia vị hoặc làm thuốc. Lá trầu được nhai cùng với vôi tôi hay vôi sống và quả cau, tạo nên một miếng trầu. Ở nước ta có hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu mỡ to bản, dễ trồng. Trầu quế có vị cay, lá nhỏ được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

    Người xưa có phong tục mời ăn trầu khi gặp nhau. Trầu cau tượng trưng cho tình yêu đôi lứa, vợ chồng, nên là một lễ vật không thể thiếu trong các dịp cưới hỏi.

    Lá trầu không

    Lá trầu không

    Một miếng trầu

    Một miếng trầu

    Nghe nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền hát bài Hoa cau vườn trầu.

  21. Nhộng
    Hình thái của một số loài sâu bọ trước khi thành bướm. Nhộng của con tằm là món ăn dân dã quen thuộc và bổ dưỡng.

    Nhộng tằm xào lá chanh

    Nhộng tằm xào lá chanh

  22. Bồ quân
    Cũng có nơi gọi là bù quân, mồng quân hoặc hồng quân, một loại cây bụi mọc hoang ở các vùng đồi núi, cho quả có hình dạng giống như quả nho, khi còn xanh thì có màu đỏ tươi, khi chín thì chuyển sang màu đỏ sẫm (tím), ăn có vị chua ngọt. Do màu sắc của quả bồ quân mà trong dân gian có cách nói "má bồ quân," "da bồ quân..."

    Quả bồ quân

    Quả bồ quân

  23. Nường
    Nàng (từ cũ).
  24. Thủng thẳng
    Thong thả (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  25. Phụ mẫu
    Cha mẹ (từ Hán Việt).
  26. The
    Hàng dệt bằng tơ nhỏ sợi, mặt thưa, mỏng, không bóng, thời xưa thường dùng để may áo dài hoặc khăn, màn.

    Áo dài the

    Áo dài the

  27. Đồng bạc Mexicana
    Đồng bạc của nước Cộng hòa Mexico (Republica Mexicana), do thực dân Pháp cho phép lưu hành ở nước ta từ năm 1862, tới 1906 thì chính thức cấm lưu hành trên toàn Đông Dương. Đồng bạc hình tròn, chính giữa có hình con ó biển cổ cong, nhân dân gọi là đồng bạc con cò (còn gọi là điểu ngân - đồng tiền có hình chim, hoặc đồng hoa xòe, vì mặt sau có hình chiếc nón tỏa hào quang trông như bông hoa đang xòe ra). Đồng con cò trị giá 600 đồng tiền kẽm, bằng giá với một quan tiền cổ truyền.

    Đồng bạc con cò

    Đồng bạc con cò

  28. Cối xay
    Dụng cụ nhà nông dùng để bóc vỏ hạt thóc, tách trấu ra khỏi hạt gạo, hoặc để nghiền các hạt nông sản. Ngày nay cối xay ít được sử dụng vì được thay thế bằng các loại máy xay công nghiệp có hiệu suất cao hơn.

    Xay lúa

    Xay lúa

  29. Con gà bị què không đi xa được nên chỉ có thể kiếm thóc quanh quẩn gần cối xay trong nhà. Ý nói: Kẻ bất tài vô tướng không ra ngoài tranh đấu kiếm ăn với thiên hạ được lại quay về nhà bòn rút người thân.
  30. Cửa sài
    Từ chữ sài môn, nghĩa là cổng củi, cổng của nhà nghèo.
  31. Tớ
    Tôi tớ, đầy tớ.
  32. Nhà bạc
    Nhà lợp cỏ. Cách nói nhà bạc cửa gai (thường bị chạnh thành nhà bạt cửa gai) dùng để chỉ nhà nghèo.