Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  2. Lam Kiều
    Cầu Lam. Tên một chiếc cầu thuộc huyện Lam Điền, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. Điển tích truyền lại rằng Bùi Hàng, người đời Đường, một hôm gặp nàng Vân Tiên và được nàng tặng một bài thơ có ý nhắc đến Lam Kiều là nơi động tiên. Bùi Hàng tìm đến nơi ấy, gặp một giai nhân tên Vân Anh. Hai người kết duyên và cùng lên cõi tiên. Ngày cưới, Bùi Hàng mới biết người đã tặng mình bài thơ kia chính là chị của Vân Anh. Do điển này, Lam Kiều được dùng để chỉ nơi người đẹp ở, hoặc nơi trai gái gặp gỡ và nên duyên vợ chồng.
  3. Đào nguyên
    Nguồn đào, chỉ cõi tiên trong tác phẩm Đào hoa nguyên kí của Đào Tiềm, nhà thơ lớn đời Đông Tấn, Trung Quốc. Tóm tắt tác phẩm như sau: Vào khoảng triều Thái Nguyên đời Tấn, có một người đánh cá ở Vũ Lăng một hôm bơi thuyền thấy một đóa hoa đào trôi từ khe núi. Ông bèn chèo thuyền dọc theo khe núi, đi mãi rồi đến một thôn xóm dân cư đông đúc, đời sống thanh bình. Người đánh cá hỏi chuyện mới biết tổ tiên của họ vốn người nước Tần, nhưng do không chịu được chế độ hà khắc của Tần Thủy Hoàng nên bỏ lên sống ở đó, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Ở lại mấy ngày, rồi người ngư phủ tạm biệt ra về. Sau một thời gian, ông quay lại tìm chốn đào nguyên nhưng không thấy nữa.

    Đào nguyên cũng gọi là động đào.

    Tranh vẽ Đào nguyên

    Tranh vẽ Đào nguyên

  4. Nỏ
    Không, chẳng (phương ngữ Trung Bộ).
  5. Cặp chân Sáu Nhỏ, cặp chỏ Chà Và
    Giới võ đài và giang hồ miền nam trước 1975 có võ sĩ Sáu Nhỏ (tên thật Trần Văn Trọng) nổi tiếng cặp chân cứng đá cong sắt, còn Chà Và Hương (Ngô Văn Hương) lừng danh đòn chỏ lật.
  6. Ngọc Hoàng Thượng Đế
    Thường được gọi tắt là Ngọc Hoàng, cũng gọi là Ngọc Đế hoặc Thiên Đế, vị vua tối cao của bầu trời, cai quản Thiên đình trong quan niệm của Trung Quốc và Việt Nam. Theo thần thoại, Ngọc Hoàng Thượng Đế là người trần, tu luyện một nghìn bảy trăm năm mươi kiếp, mỗi kiếp mười hai vạn chín nghìn sáu trăm năm. Ngọc Hoàng cai quản toàn bộ lục giới : Nhân, Thần, Ma, Yêu, Quỷ, Tiên.

    Hình tượng Ngọc Hoàng

    Hình tượng Ngọc Hoàng

  7. Thiên Lôi
    Vị thần có nhiệm vụ làm ra sấm sét theo tưởng tượng của người xưa. Thiên Lôi thường được khắc họa là một vị thần tính tình nóng nảy, mặt mũi đen đúa dữ tợn, tay cầm lưỡi búa (gọi là lưỡi tầm sét). Trong văn hóa Việt Nam, Thiên Lôi còn được gọi là ông Sấm, thần Sấm, hoặc thần Sét.
  8. Cau vòng nguyệt
    Chũm cau (tròn và dẹt như hình mặt trăng).
  9. Trầu cánh dơi
    Phần rìa của lá trầu, được cắt bỏ khi têm (trông giống như cánh dơi).
  10. Nhợ
    Cũng gọi là rợ, dây thừng nhỏ làm bằng gai hoặc xơ dừa, dùng để trói, buộc hoặc làm dây câu.
  11. Ghềnh
    Cũng gọi là gành, chỗ lòng sông hoặc biển có đá lởm chởm nằm chắn ngang làm nước dồn lại, chảy xiết. Ở nước ta có nhiều địa danh có chữ Gành hoặc Ghềnh như Gành Son, Gành Hào, Gành Cả, Gành Ráng...

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

    Thắng cảnh gành Đá Dĩa, Phú Yên

  12. Cao su
    Một loại cây có nguồn gốc từ Nam Mỹ, cho nhựa mủ dùng để sản xuất cao su tự nhiên. Cao su tự nhiên là một chất liệu rất quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, dùng để sản xuất ra rất nhiều thành phẩm dùng trong đời sống. Trong thời gian đô hộ nước ta, thực dân Pháp đã cho thành lập nhiều đồn điền cao su, bắt dân đi phu dài hạn, đối xử gần như nô lệ. Tên gọi cao su bắt nguồn từ tiếng Pháp caoutchouc.

    Khai thác nhựa cao su

    Khai thác nhựa cao su

  13. Bủng beo
    Chỉ thể trạng người ốm yếu, có nước da nhợt nhạt như mọng nước.
  14. Đầu thế kỉ 20, thực dân Pháp lập rất nhiều đồn điền cao su ở Việt Nam và liên tục chiêu mộ phu đồn điền. Để đi phu, người dân chỉ việc đưa ngón tay lăn mực, điểm chỉ vào giấy giao kèo. Điều kiện làm việc và ăn uống cực khổ, lại thường xuyên bị quản thúc, đòn roi, nên rất nhiều người đã bỏ mạng tại các đồn điền cao su.

    Phu đồn điền cao su

    Phu đồn điền cao su

  15. Phi cao đẳng bất thành phu phụ
    Không tốt nghiệp cao đẳng thì không thành vợ chồng. Đây là “chủ trương kén chồng” của các cô gái Hà Nội thời Pháp thuộc (ở thời ấy bằng cao đẳng là rất cao).
  16. Có bản chép: tơ hồng.
  17. Cầu Đôi
    Tên chung của hai cây cầu song song nhau, một dành cho xe lửa và một dành cho đường bộ, nằm ở cửa ngõ thành phố Quy Nhơn, Bình Định, bắc trên nhánh sông từ hồ đèo Son chảy ra đầm Thị Nại.

    Cầu Đôi

    Cầu Đôi

  18. Tháp Hưng Thạnh
    Tên một khu tháp của Chăm Pa, gồm hai tháp là tháp phía bắc và tháp phía nam cạnh nhau (nên gọi là tháp Đôi), hiện nằm ở phường Đống Đa, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

    Tháp Hưng Thạnh (tháp Đôi)

  19. Mụt ruồi
    Nốt ruồi (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  20. Thép
    Chực, nhờ của người khác. Bú thép là bú nhờ; ăn thép là ăn chực.
  21. Màng tang
    Thái dương (phương ngữ).
  22. Nốt ruồi bên mép được cho là quý tướng, sau này hiển đạt cả làng được nhờ. Nốt ruồi bên thái dương thì ngược lại, ăn tàn phá hại cả làng.
  23. Vít
    Nốt ruồi (phương ngữ).
  24. Thọ bệnh
    Mắc bệnh (từ Hán Việt).
  25. Ba trăng
    Người xưa gọi mỗi tháng là một con trăng. Ba trăng tức là ba tháng.
  26. Chợ Bến Thành
    Còn gọi là chợ Sài Gòn, ban đầu được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh, nằm bên cạnh sông Bến Nghé, gần thành Gia Định (nên được gọi là Bến Thành). Sau một thời gian, chợ cũ xuống cấp, người Pháp cho xây mới lại chợ tại địa điểm ngày nay. Chợ mới được xây trong khoảng hai năm (1912-1914), cho đến nay vẫn là khu chợ sầm uất bậc nhất của Sài Gòn, đồng thời là biểu tượng của thành phố.

    Chợ Bến Thành

    Chợ Bến Thành

  27. Xúp lê
    Cũng viết là súp lê, phiên âm từ tiếng Pháp của động từ souffler (kéo còi tàu thủy). Còn được hiểu là còi tàu.
  28. Xe lửa Sài Gòn
    Vào đầu thế kỉ 20, người Pháp đã tiến hành xây dựng một mạng lưới giao thông đường sắt hoàn chỉnh kết nối Sài Gòn với những tỉnh thành phụ cận. Cuối năm 1881, hệ thống xe lửa nhẹ nối liền hai khu vực chính của thành phố là Sài Gòn và Chợ Lớn bắt đầu họat động, ban đầu chạy bằng hơi nước, sau đó chạy bằng điện. Mạng lưới này dần dần được mở rộng, lan tới Gò Vấp rồi Lái Thiêu, Thủ Dầu Một.
    Nổi tiếng hơn là tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho dài 70 kí-lô-mét, khởi hành từ chợ Bến Thành, quan Bình Chánh, Bến Lức, Tân An rồi đến ga chính ở Mỹ Tho (gần vườn hoa Lạc Hồng ngày nay). Vào thời gian đầu, khi chưa có cầu Bến Lức và cầu Tân An, cả đoàn tàu phải xuống phà đế băng qua hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Tuyến đường này khánh thành vào giữa năm 1885, tồn tại 73 năm, đến năm 1958 thì ngừng hoạt động.
    Nhiều dấu tích của mạng lưới đường sắt nội thị ngày xưa cũng như của tuyến xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho như đường rày, cầu, giếng nước vẫn còn tồn tại.

    Xe lửa nhẹ (tramway) nối liền Sài Gòn - Gia Định

  29. Đập
    Con đường đắp ngang để chắn nước.
  30. Be bờ
    Đắp đất thành bờ để ngăn nước.

    Be bờ

    Be bờ

  31. Lờ
    Dụng cụ đánh bắt cá đồng làm bằng nan tre. Hình dạng của lờ giống như một cái lồng, ở một đầu có chế tạo một miệng tròn gọi là miệng hom sao cho cá chỉ có thể từ ngoài chui vào lờ thông qua miệng hom mà không thể chui ra. Khi đặt lờ thường người đặt thả mồi vào trong để dụ cá bơi vào.

    Lờ có nhiều loại: Loại đại dài từ 0,5 đến 1 m, gọi là “lờ bầu”, thả chỗ nước sâu như sông, hồ để bắt cá diếc, sảnh, dầy. Loại tiểu gọi là “lờ đồng”, thả nơi nước cạn như ao, đìa, ruộng bắt cá trê, rô, sặc, mương, nhét…

    Lờ bắt cá

    Lờ bắt cá

  32. Đó
    Dụng cụ đan bằng tre hoặc mây, dùng để bắt tôm cá.

    Cái đó

    Cái đó

  33. Đơm
    Đánh bắt cá bằng các dụng cụ bắt cá như đơm, đó, lờ.