Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Đãy
    Cũng gọi là tay nải, cái túi to làm bằng vải, có quai để quàng lên vai, dùng để mang đi đường. Đây là vật dụng thường thấy ở những nhà sư khất thực.

    Mang đãy

    Mang đãy

  2. Cầy
    Tên chung của một số loài thú giống mèo, thân hình mềm mại, mõm dài và nhọn, chủ yếu sống ở trên cây, ăn thịt. Cầy có khả năng tiết ra mùi riêng rất mạnh, tùy theo loài mà mùi có thể hôi hoặc thơm. Ở nước ta có các giống cầy như cầy hương, cầy mực, cầy giông... Lưu ý: nhiều người vẫn gọi chó là cầy và thịt chó là thịt cầy, đây là một sự nhầm lẫn.

    Con cầy

    Con cầy

  3. Suốt
    Tuốt: tuốt lúa, tuốt lá... (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Xoan
    Một loại cây được trồng nhiều ở các vùng quê Việt Nam, còn có tên là sầu đâu (đọc trại thành thầu đâu, thù đâu), sầu đông... Cây cao, hoa nở thành từng chùm màu tím nhạt, quả nhỏ hình bầu dục (nên có cụm từ "hình trái xoan"). Xoan thường được trồng lấy gỗ, vì gỗ xoan không bị mối mọt.

    Hoa xoan

    Hoa xoan

  5. Dâu tằm
    Loại cây thường được trồng hai bên bờ sông, chủ yếu để lấy lá cho tằm ăn. Lá và rễ dâu cũng là vị thuốc đông y. Quả dâu tằm chín cũng có thể dùng để ăn hoặc ngâm rượu, gọi là rượu dâu tằm. Ở nước ta, dâu có nhiều giống: dâu bầu, dâu da, dâu cỏ, dâu tam bội...

    Lá và quả dâu tằm

    Lá và quả dâu tằm

  6. Niêu
    Nồi nhỏ bằng đất nung hoặc đồng, có nắp đậy, dùng để nấu nướng hoặc sắc thuốc. Niêu sắc thuốc thì có thêm cái vòi để rót thuốc.

    Cơm niêu

    Cơm niêu

  7. Ăn xó mó niêu
    Chỉ hạng người hèn mọn, ăn ở chui rúc, bệ rạc.
  8. Ghe
    Thuyền nhỏ, thường đan bằng tre (gọi là ghe nan) hoặc bằng gỗ. Từ này đôi khi được dùng để chỉ tàu thuyền nói chung, nhất là ở vùng Trung và Nam Bộ.

    Chèo ghe

    Chèo ghe

  9. Con nước
    Cũng gọi là ngọn nước, chỉ sự lên xuống của mực nước sông theo thủy triều.
  10. Đặng
    Được, để, nhằm (từ cũ, phương ngữ).
  11. Làm mai
    Còn gọi là làm mối, mai mối. Người làm mai gọi là ông (bà) mối hay ông (bà) mai, là người đứng trung gian, giới thiệu cho hai bên trai gái làm quen hoặc cưới nhau.
  12. Một loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, có hoa trắng hoặc đỏ, nở vào mùa xuân. Quả mơ vị chua chát, dùng để làm nước ép, ướp đường, làm ô mai, làm rượu, mứt, hoặc chế biến thành các món canh.

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, mơ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả mơ

    Quả mơ

  13. Thuyền quyên
    Gốc từ chữ thiền quyên. Theo từ điển Thiều Chửu: Thiền quyên 嬋娟  tả cái dáng xinh đẹp đáng yêu, cho nên mới gọi con gái là thiền quyên.

    Trai anh hùng, gái thuyền quyên
    Phỉ nguyền sánh phượng, đẹp duyên cưỡi rồng

    (Truyện Kiều)

  14. Một trong những thể loại âm nhạc dân gian, có nguồn gốc từ lao động sông nước, diễn tả tâm tư tình cảm của người lao động. Hò là nét văn hóa đặc trưng của miền Trung và miền Nam. Hò và tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với với một động tác khi làm việc, còn lý thì không.

    Nghe một bài hò mái nhì.

  15. Nhãn tiền
    Nhãn là con mắt. Tiền nghĩa là "trước." Nhãn tiền dịch nghĩa là "trước mắt," thấy ngay nhãn tiền nghĩa là xảy ra ngay lập tức.
  16. Thao
    Loại vải có sợ thô và to, mặt vải còn chưa sạch gút (mối vải).
  17. Đàng
    Đường, hướng (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  18. Mạnh mẫu
    Mẹ của Mạnh Tử - một triết gia nổi tiếng của Trung Quốc. Bà nổi tiếng là người nghiêm khắc và hết lòng dạy dỗ con. Theo Liệt nữ truyện, mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà để khuyến khích con chuyên cần học tập. Một lần Mạnh Tử bỏ học về nhà chơi, bà Mạnh đang ngồi dệt vải trông thấy bèn đứng dậy, kêu con lại rồi cầm dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, nói rằng: "Con đang đi học mà bỏ học thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt bỏ đi." Mạnh Tử tỉnh ngộ, tu chí học hành, sau này thành một triết gia lỗi lạc. Người đời sau nói về gương giáo dục con cái hay nhắc điển tích Mẹ Mạnh Tử ba lần chuyển nhà (Mạnh mẫu trạch lân).

    Tranh vẽ Mạnh mẫu

    Tranh vẽ Mạnh mẫu cắt tấm vải dạy con

  19. Khương hậu
    Hoàng hậu họ Khương, vợ vua Chu Tuyên Vương nhà Chu (trị vì 828 - 782 trước CN), được hậu thế khen là "triết hậu." Theo Liệt nữ truyện, Chu Tuyên Vương có thói ngủ dậy rất trưa, Khương hậu khuyên can mãi không được, liền tháo trâm, cởi bỏ hoa tai ngồi chịu tội ở cung Vĩnh Hạng (nơi giam cầm những cung phi có tội thời bấy giờ), gởi lời tâu với vua rằng: "Thiếp bất tài, làm cho quân vương vui sắc đẹp mà quên đức, sai lễ, thường dậy trưa. Tội ấy tại thiếp." Vua hối hận, từ đó siêng năng việc cần chính. Người đời sau lấy việc ấy làm điển tích nói về người vợ hiền mẫu mực.

    Tuyên Vương trễ buổi triều mai,
    Bà Khương chịu tội khéo lời khuyên can.

    (Nữ phạm diễn nghĩa từ - Tuy Lý Vương)

  20. Võ Tắc Thiên
    (625 - 705) Thường gọi là Võ Mị Nương, tên thật là Võ Chiếu, nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Trung Quốc (trị vì 690 - 705). Bà từ địa vị tài nhân (thê thiếp tầm thường) thăng dần lên đến hoàng hậu, vợ vua Đường Cao Tông. Năm 690, bà lên ngôi hoàng đế, đổi tên nước là Chu, tiến hành nhiều chính sách chính trị đổi mới, được nhiều hiền nhân đương thời giúp sức như Lâu Sử Đức, Địch Nhân Kiệt, Tống Cảnh... Võ Tắc Thiên cũng nổi tiếng chuyên quyền độc đoán và tàn bạo, lại vượt ra ngoài đạo lí thông thường của Nho giáo nên phải chịu nhiều điều tiếng. Về sau bà bị truất ngôi, giam lỏng trong cung rồi chết già.

    Võ Tắc Thiên

    Võ Tắc Thiên

  21. Đường
    Một triều đại kéo dài từ năm 618 đến năm 907 trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời nhà Đường, văn học Trung Quốc, nhất là thơ ca, phát triển cực thịnh. Đa số những nhà thơ lớn nhất của Trung Quốc sống với thời kì này: Vương Bột, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị, Đỗ Mục...

    Lý Bạch

    Lý Bạch

  22. Cương thường
    Cũng đọc là cang thường, cách nói tắt của tam cương ngũ thường, một khái niệm về đạo lí của Nho giáo trong chế độ phong kiến dành cho nam giới. Tam cương nghĩa là ba giềng mối (cương là đầu mối của lưới, nắm được cương thì các mắt lưới sẽ giương lên), gồm có quân thần (vua tôi), phụ tử (cha con), và phu phụ (chồng vợ). Ngũ thường (năm đức tính phải có) gồm: Nhân (đức khoan dung), lễ (lễ độ), nghĩa (đạo nghĩa), trí (trí tuệ) và tín (lòng thành thật).

    Trong ca dao - dân ca, đạo cang thường thường dùng để chỉ tình cảm vợ chồng.

  23. Cỏ tranh
    Loại cỏ thân cao, sống lâu năm, có thân rễ lan dài, ăn sâu dưới đất. Lá mọc đứng, cứng, gân nổi, dáng lá hẹp dài, mép lá rất sắc, có thể cứa đứt tay. Ở nhiều vùng quê, nhân dân ta thường đánh (bện) cỏ tranh thành tấm lợp nhà. Tro của cỏ tranh có vị mặn, vì vậy thú rừng thường liếm tro cỏ tranh thay cho muối.

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

    Nhà dài Ê Đê lợp tranh

  24. Võ công
    Cha của nhân vật Võ Thể Loan trong truyện thơ Nôm Lục Vân Tiên. Võ công hứa gả con gái là Thể Loan cho Lục Vân Tiên, nhưng sau thấy Vân Tiên gặp nạn, mù lòa nên khinh rẻ; Thể Loan lại lừa bỏ rơi chàng trong hang núi. Sau bạn của Vân Tiên là Vương Tử Trực đỗ đạt, qua nhà Võ công hỏi thăm tin tức Vân Tiên. Võ công ngỏ ý gả con gái cho Tử Trực thì bị chàng cự tuyệt và mắng vào mặt, Võ công hổ thẹn ốm rồi chết.

    Võ công hổ thẹn trong mình,
    Năm ngày nhuốm bệnh, thình lình thác oan.

  25. Tài
    Tiền bạc, của cái (từ Hán Việt).
  26. Nạ dòng
    Người phụ nữ đã có con, đứng tuổi. Từ này thường dùng với nghĩa chê bai. Có nơi phát âm thành lại dòng.

    Theo học giả An Chi, nạ là một từ Việt gốc Hán bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 女 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "nữ" còn âm xưa chính là "nạ," có nghĩa là "đàn bà," "mẹ"... còn dòng là một từ Việt gốc Hán, bắt nguồn ở một từ ghi bằng chữ 庸 mà âm Hán Việt chính thống hiện đại là "dung" còn âm xưa chính là "dòng," có nghĩa gốc là hèn mọn, tầm thường, yếu kém, mệt mỏi... rồi mới có nghĩa phái sinh là không còn nhanh nhẹn, gọn gàng vì đã luống tuổi, nhất là đối với những người đã có nhiều con.

  27. Nguyệt náo trung thiên
    Trăng rộn giữa trời (thành ngữ Hán Việt).
  28. Ngô
    Trung Quốc. Thời Lê - Mạc, dân ta gọi nước Trung Quốc là Ngô, gọi người Trung Quốc là người Ngô.
  29. Tấn
    Một trong những nước chư hầu mạnh nhất trong thời kỳ Xuân Thu - Chiến Quốc trong lịch sử Trung Quốc, tồn tại từ thế kỉ 11 TCN đến năm 376 TCN, trải qua 40 đời vua.
  30. Hồ
    Tên gọi chung chỉ các dân tộc ở phía tây và phía bắc Trung Quốc như Hung Nô, Tiên Ti, Ô Hoàn, Đê, Khương, Thổ Phồn, Đột Quyết, Mông Cổ, Khiết Đan, Nữ Chân...
  31. Tần
    Tên triều đại kế tục nhà Chu và được thay thế bởi nhà Hán, kéo dài từ năm 221 đến 206 trước Công nguyên trong lịch sử Trung Quốc. Nhà Tần, đứng đầu là Tần Thủy Hoàng Đế, có công rất lớn trong việc thống nhất Trung Quốc, đặt nền móng cho nhiều mặt văn hóa - lịch sử của Trung Quốc, nhưng cũng gây bất bình mạnh mẽ trong nhân dân vì cách cai trị hà khắc. Vì vậy, chỉ 4 năm sau khi Tần Thủy Hoàng chết, nhà Tần đã bị các cuộc khởi nghĩa nông dân làm suy yếu, và cuối cùng mất vào tay Hạng Vũ, kéo theo đó là cuộc Hán Sở tranh hùng kéo dài 5 năm với kết quả là sự thành lập nhà Hán của Hán Cao Tổ Lưu Bang.

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

    Tần Thủy Hoàng, người sáng lập nhà Tần

  32. Sở
    Một nước thời Xuân Thu - Chiến Quốc ở Trung Quốc vào khoảng năm 1030 đến 223 trước Công nguyên. Với sức mạnh của mình, Sở đã tiêu diệt 45 chư hầu lớn nhỏ và ở thời hùng mạnh nhất, Sở chiếm nhiều vùng đất rộng lớn, gồm toàn bộ các tỉnh Hồ Nam, Hồ Bắc, và một phần của các tỉnh thành Trùng Khánh, Hà Nam, Thượng Hải, Giang Tô, Quý Châu, An Huy, Chiết Giang ngày nay.
  33. Ngô
    Cũng gọi là Đông Ngô (phân biệt với Đông Ngô thời Tam Quốc), một nước chư hầu của nhà Chu trong thời Xuân Thu ở Trung Quốc. Ở nước ta, nước Ngô được biết đến nhiều nhất có lẽ qua cuộc chiến tranh Ngô-Việt mà kết cục là nước Việt do Việt Vương Câu Tiễn lãnh đạo đã tiêu diệt hoàn toàn nước Ngô vào năm 473 TCN, Ngô Vương là Phù Sai tự vẫn.
  34. Cẩm thạch
    Tên dân gian là đá hoa, tên gọi chung của một số loại đá rất cứng và nặng, có thể mài giũa cho bóng loáng, thường được dùng trong nghệ thuật điêu khắc và trang trí.

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

    Tượng Phật bằng cẩm thạch

  35. Lim
    Một loại cây cho gỗ rất quý. Gỗ lim là một trong bốn loại gỗ "tứ thiết" (cứng như sắt) của nước ta, gồm đinh, lim, sến, táu. Gỗ cứng, chắc, nặng, không bị mối mọt; có màu hơi nâu đến nâu thẫm, nếu để lâu hay ngâm nước bùn thì mặt gỗ chuyển sang màu đen.

    Cây lim cổ thụ

    Cây lim cổ thụ

    Gỗ lim

    Gỗ lim

  36. Cươi
    Sân (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  37. Nón cời
    Nón lá rách, cũ.

    Đội nón cời

    Đội nón cời

  38. Chè
    Cũng gọi là trà, tên chung của một số loại cây được trồng lấy lá nấu thành nước uống. Một loại có thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi, gọi là chè xanh. Loại thứ hai là chè đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước, hiện được trồng ở nhiều nơi, phổ biến nhất là Thái Nguyên và Bảo Lộc thành một ngành công nghiệp.

    Đồi chè Thái Nguyên

    Đồi chè Thái Nguyên

  39. Điếu
    Đồ dùng để hút thuốc (thuốc lào hoặc thuốc phiện). Điếu để vào trong cái bát gọi là điếu bát. Điếu hình ống gọi là điếu ống.

    Bát điếu và xe điếu

    Bát điếu và xe điếu

  40. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  41. Kèo
    Thanh bằng tre hay gỗ từ nóc nhà xuôi xuống đỡ các tay đòn hay xà gỗ.

    Kèo

    Kèo

  42. Đanh
    Đinh (phương ngữ).
  43. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).