Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Khu
    Đít, mông (phương ngữ).
  2. Giòn
    Xinh đẹp, dễ coi (từ cổ).
  3. Mần chi
    Làm gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  4. Tứ mã phân thây
    Hay tứ mã phanh thây, một hình phạt thời phong kiến. Tứ chi của phạm nhân bị cột vào bốn sợi dây nối vào bốn con ngựa và bị kéo cho đến khi đứt rời ra, chảy máu cho đến chết. Hình phạt này còn có một biến thể là ngũ mã phân thây với sợi dây thứ năm cột vào cổ.
  5. Giày
    Giẫm đi giẫm lại nhiều lần cho nát ra.
  6. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  7. Chưn
    Chân (cách phát âm của Trung và Nam Bộ).
  8. Hạc
    Loại chim cổ cao, chân và mỏ dài. Trong Phật giáo và văn chương cổ, hạc tượng trưng cho tuổi thọ hoặc tính thanh cao của người quân tử. Trước cửa các điện thờ thường có đôi hạc đá chầu.

    Đỉnh Hoa biểu từ khơi bóng hạc
    Gót Nam Du nhẹ bước tang bồng

    (Nhị thập tứ hiếu)

    Tranh vẽ hạc

    Tranh vẽ hạc

  9. Quạ
    Còn gọi là ác, loài chim có bộ lông màu đen đặc trưng, ăn tạp. Theo mê tín dân gian, quạ có thể đem lại điềm xui xẻo.

    Con quạ

    Con quạ

  10. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  11. Dầu cù là
    Cũng gọi là dầu cao, một loại cao bôi ngoài da dạng sệt có tác dụng làm nóng, chữa cảm cúm, đau bụng, côn trùng cắn... Dầu cù là thường được đóng trong các hộp nhỏ hình tròn bằng thủy tinh hoặc kim loại. Theo học giả An Chi, Cù Là là tên mà người xưa ở miền Tây Nam Bộ dùng để gọi nước Miến Điện. Trước đây có một loại dầu cao mang nhãn hiệu Mac Phsu, sản xuất tại Miến Điện, được ưa chuộng khắp Nam bộ, nên được gọi là dầu Cù Là. Sau này danh từ dầu cù là được dùng rộng rãi để chỉ tất cả các loại dầu cao.

    Dầu cù là

    Dầu cù là

  12. Nẫu
    Người ta, họ (phương ngữ Bình Định-Phú Yên).
  13. Dông
    Bỏ chạy mất (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  14. Đạo hằng
    Đạo thường. Ý nói ăn ở bình thường, ngay thẳng, có đạo đức. Cũng nói là tính (tánh) hằng.
  15. Đươn
    Đan (phương ngữ Nam Bộ)
  16. Nia
    Dụng cụ đan bằng tre, hình tròn, có vành, rất nông, dùng để đựng và phơi nông sản (gạo, lúa)...

    Nong, nia, thúng

    Nong, nia, thúng

  17. Mũi Đại Lãnh
    Còn có tên gọi khác là Mũi Nạy, Mũi Ba, Mũi Điện, Cap Varella (đặt theo tên một tướng giặc Pháp tự cho có công phát hiện nơi này), thuộc địa phận thôn Phước Tân, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên. Đây là một nhánh của dãy Trường Sơn đâm ra biển. Trên mũi có ngọn hải đăng lớn chỉ đường cho tàu thuyền trong khu vực. Đây được xem là điểm cực Đông, nơi đón ánh nắng đầu tiên của nước ta.

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

    Ngọn hải đăng trên mũi Đại Lãnh

  18. Núi Đá Bia
    Tên chữ là Thạch Bi Sơn, dân gian cũng gọi là núi Ông hoặc Đá Chồng, ngọn núi cao nhất trong khối núi Đại Lãnh thuộc dãy Đèo Cả, một thời là cột mốc biên giới của Đại Việt xưa. Đá Bia nằm ở xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, phía Nam tỉnh Phú Yên, nổi tiếng vì tảng đá Bia khổng lồ cao khoảng 80 m trên đỉnh núi, đứng cách xa vẫn nhìn thấy. Có tên như vậy vì tương truyền vào năm 1471, khi thân chinh cầm quân tấn công Chăm Pa, vua Lê Thánh Tông dừng tại chân núi, cho quân lính trèo lên khắc tên, ghi rõ cương vực Đại Việt tại nơi này.

    Núi Đá Bia

    Núi Đá Bia

  19. Bãi Nồm
    Một bãi biển nay thuộc địa phận thôn Hòa An, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên. Hiện nay đây là một điểm đến du lịch nổi tiếng của địa phương.

    Bãi Nồm

  20. Vũng Rô
    Tên cũ là Ô Rô, một vịnh nhỏ thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa. Hiện nay Vũng Rô là một cảng biển lớn, đồng thời là một điểm đến du lịch nổi tiếng của tỉnh Phú Yên.

    Vũng Rô

    Vũng Rô

  21. Chợ Lẫm
    Tên một phiên chợ thuộc thôn Mỹ Huân, xã An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngôi chợ có cây đa cổ thụ tán nhánh tỏa ra che mát cả một vùng. Trước đây chợ nổi tiếng phồn thịnh. Từ ngày chợ Thứ thiết lập, người dân khắp nơi về nhóm họp thì chợ Lẫm thưa dần rồi không tồn tại nữa.
  22. Đà
    Màu nâu sẫm. Ở một số tỉnh miền Trung (Phú Yên, Bình Định...) màu này cũng được gọi là màu dà. Thuốc nhuộm màu dà được lấy từ cây dà.

    Da thuộc màu đà

    Da thuộc màu đà

  23. Bạch thiệt
    Lưỡi trắng (chữ Hán).
  24. Trâu, bò có dấu hiệu yếu, bệnh, không nên chọn.