Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Mủ
    Mụ ấy.
  2. Địt
    Đánh rắm (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  3. Én
    Loài chim nhỏ, cánh dài nhọn, đuôi chẻ đôi, mỏ ngắn, thường bay thành đàn.

    Chim én

    Chim én

  4. Cù lao Chàm
    Một cụm đảo thuộc Hội An, tỉnh Quảng Nam, cách bờ biển Cửa Đại khoảng 15 cây số. Cù lao Chàm bao gồm 8 đảo: Hòn Lao, Hòn Dài, Hòn Mồ, Hòn Tai, Hòn Ông, Hòn Lá, và Hòn Khô chia làm hai: Hòn Khô Mẹ (Hòn Khô Lớn) và Hòn Khô Con (Hòn Khô Nhỏ), trong đó năm đảo lớn nhất là thuộc cụm đảo chính là Hòn Lao (đảo lớn nhất), Hòn Lá, Hòn Dài, Hòn Mồ và Hòn Tai. Đảo Hòn Ông còn gọi là Hòn Nồm nằm tách biệt khỏi cụm này khoảng hai mươi cây số về hướng Đông Nam.

    Hiện nay Cù lao Chàm đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, đồng thời là một điểm du lịch nổi tiếng.

    Phong cảnh cù lao Chàm

    Phong cảnh cù lao Chàm

  5. Có bản chép: cù lao Xanh. Cù lao Xanh là một hòn đảo thuộc Bình Định.
  6. Cá dở
    Một loại cá có nhiều ở vùng biển Quảng Bình. Tên là cá dở, nhưng thật ra thịt cá rất ngon.
  7. Cá ngứa
    Tên gọi ở Quảng Bình của cá nhụ, một trong bốn loài cá được coi là có thịt ngon nhất (chim, thu, nhụ, đé).

    Cá nhụ

    Cá nhụ

  8. Cá buôi
    Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của giảng: Cá buôi là "thứ cá sông tròn mình, nhỏ con mà có nhiều mỡ." Đó là một loại cá có tập tính sống thành bầy đàn. Khi đàn cá trưởng thành, chúng tách ra sống thành từng cặp. Và người đi bắt cá buôi thường bắt một lần được cả cặp, do con cá đi cùng cứ lẩn quẩn bên người bạn tình vừa bị bắt. Cá buôi có đặc điểm là chỉ ăn bọt nước và phiêu sinh vật nhỏ trong nước phù sa nên ruột rất sạch. Người ta chỉ có thể đánh bắt, chứ không câu được.
  9. Ngò
    Còn gọi là ngò rí, rau mùi, loại rau có mùi thơm, thường được trồng làm rau thơm và gia vị.

    Ngò

    Ngò

  10. Câu này thường dùng để chê người đánh cờ dở, hoặc chê bài thấp.
  11. Kẻ Mỏ
    Một làng nay thuộc địa phận xã Sơn Trung, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh.
  12. Chi
    Gì (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  13. Rọng
    Ruộng (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  14. Rú ri
    Rừng rú (phương ngữ Bắc Trung Bộ).
  15. Đỉa
    Một loại động vật thân mềm, trơn nhầy, sống ở nước ngọt hoặc nước lợ, miệng có giác hút để châm vào con mồi và hút máu. Tên gọi này có gốc từ từ Hán Việt điệt.

    Con đỉa

    Con đỉa

  16. Bánh canh
    Một món ăn bao gồm nước dùng được nấu từ tôm, cá và giò heo thêm gia vị tùy theo từng loại. Sợi bánh to, được làm từ bột gạo, bột mì, hoặc bột sắn hoặc bột gạo pha bột sắn. Trảng Bàng (Tây Ninh) là nơi có đặc sản bánh canh có thể xem là nổi tiếng nhất nước ta.

    Bánh canh Trảng Bàng

    Bánh canh Trảng Bàng

  17. Cạnh Đền
    Địa danh nay thuộc xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu.
  18. Trực chỉ
    Nhắm thẳng đến (từ Hán Việt).
  19. Thiên lý
    Một loại cây dây leo, thường được trồng thành giàn lấy bóng mát, lá non và hoa dùng để nấu ăn.

    Hoa thiên lý

    Hoa thiên lý

  20. Giai nhân
    Người con gái đẹp (từ Hán Việt).
  21. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  22. Giang sơn
    Cũng gọi là giang san, nghĩa đen là sông núi, nghĩa rộng là đất nước. Từ này đôi khi cũng được hiểu là cơ nghiệp.
  23. Phong lưu
    Ngọn gió bay (phong), dòng nước chảy (lưu). Từ này vốn nghĩa là phẩm cách, tinh thần riêng của mỗi người, hiểu rộng ra là sung sướng, vui với cảnh, không phải chịu buồn khổ.

    Cõi trần thế nhân sinh là khách cả
    Nợ phong lưu kẻ giả có người vay

    (Nợ phong lưu - Nguyễn Công Trứ)

  24. Rày
    Nay, bây giờ (phương ngữ).
  25. Tàn
    Cũng gọi là tán, đồ dùng có cán dài cắm vào một khung tròn bọc nhiễu hoặc vóc, xung quanh rủ dài xuống, để che cho vua quan thời xưa, hoặc dùng trong các đám rước.

    Cái tàn vàng.

    Cái tàn vàng.

  26. Chín phương trời, mười phương Phật
    Một khái niệm của dân gian Trung Quốc và Việt Nam. Có một số cách giải thích khác nhau về khái niệm này, trong đó có: Chín phương trời (cửu thiên) gồm Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc và trung ương. Mười phương Phật (thập phương chư Phật) gồm có Đông, Tây, Nam, Bắc, Đông Nam, Đông Bắc, Tây Nam, Tây Bắc, trên trời, dưới đất. Cũng có ý kiến cho rằng mười phương Phật gồm có cửu thiên cộng với Niết Bàn.

    Mười phương (thập phương) vì vậy mang nghĩa là rộng khắp, tất cả mọi nơi.

  27. Thiên hạ
    Toàn bộ mọi vật, mọi người. Đây là một khái niệm có gốc từ Trung Quốc (thiên 天 (trời) hạ 下 (ở dưới), nghĩa đen là "dưới gầm trời").

    "Nào ta biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ." (Chữ người tử tù - Nguyễn Tuân)

  28. Hội An
    Một địa danh thuộc tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố trực thuộc tỉnh này. Trong lịch sử, nhất là giai đoạn từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 19, Hội An từng là một hải cảng rất phồn thỉnh. Hiện nay địa danh này nổi tiếng về du lịch với phố cổ cùng các ngành truyền thống: mộc, gốm, trồng rau, đúc đồng... Hội An còn được gọi là phố Hội hoặc Hoài Phố, hay chỉ ngắn gọi là Phố theo cách gọi của người địa phương.

    Vẻ đẹp của Hội An

    Vẻ đẹp của Hội An

  29. Gấm
    Một loại vải dệt từ tơ tằm có nền dày, bóng. Nền gấm thường có hoa văn hay chữ Hán với màu sắc sặc sỡ bằng kim tuyến, ngân tuyến được dệt như thêu. Một tấm gấm thường có nhiều màu, phổ biến là năm màu hay bảy màu, gọi là gấm ngũ thể hay thất thể. Do sợi ngang (tạo hoa nổi lên trên) và sợi dọc (tạo nền chìm ở dưới) đều được nhuộm màu nên khi dưới những góc nhìn khác nhau, gấm sẽ có nhiều màu sắc khác nhau. Gấm có vẻ đẹp lộng lẫy, rực rỡ nên ngày xưa chỉ dành may y phục của vua chúa và quan lại, thường dân không được dùng.

    Gấm

    Gấm

  30. Điều
    Một loại cây nhỏ cho quả có nhiều lông, màu đỏ, trong có nhiều hạt nhỏ. Từ hạt điều chiết xuất được một chất màu vàng đỏ (gọi là màu điều), được dùng để nhuộm vải. Vải được nhuộm điều thường gọi là vải điều.

    Quả và hạt điều

    Quả và hạt điều

  31. Kim Bồng
    Tên cũ là Kim Bồng Châu, nay một phần lớn thuộc xã Cấm Kim, Hội An, tỉnh Quảng Nam, nằm ở hữu ngạn hạ lưu nơi sông Thu Bồn chảy qua Hội An trước khi đổ ra biển. Đây là nơi hình thành nghề thủ công nổi tiếng mang tên nghề mộc Kim Bồng. (Đọc thêm: Làng mộc Kim Bồng).

    Làng mộc Kim Bồng

    Làng mộc Kim Bồng

  32. Trà Nhiêu
    Tên một ngôi làng ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ thế kỷ 16 đến 17, đây là nơi thông thương nổi tiếng nhờ có vị trí giao nhau thuận tiện của 3 nhánh sông Ly Ly, Thu Bồn và Trường Giang cùng đổ ra cửa biển Đại Chiêm.

    Đường làng Trà Nhiêu

    Đường làng Trà Nhiêu

  33. Yếm
    Trang phục mặc trong của phụ nữ ngày xưa. Yếm là một tấm vải hình thoi hoặc hình vuông có sợi dây để quàng vào cổ và buộc vào sau lưng, dùng để che ngực, thường được mặc chung với áo cánh và áo tứ thân. Trong ca dao ta thường gặp hình ảnh yếm đào hay yếm thắm, cùng có nghĩa là yếm màu đỏ.

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

    Yếm đào bên sen trắng - Tranh Phạm Mai Châu

  34. Tô mộc
    Còn gọi là vang, tô phượng, vang nhuộm, co vang, mạy vang, một loại cây thân gỗ nhỏ, rất rắn, có phần đỏ nâu ở phần lõi và trắng ở phần ngoài. Gỗ cây được dùng làm vị thuốc đông y, hay làm thuốc nhuộm đỏ. Ở nước ta gỗ tô mộc còn được sử dụng như một thành phần nấu nước rửa hài cốt khi cải táng. Phần lõi gỗ được dùng trong chạm khắc mĩ nghệ.

    Cây vang

    Cây vang

    Gỗ vang

    Gỗ vang