Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Tằm
    Còn gọi là tằm tơ, ấu trùng của loài bướm tằm. Tằm ăn lá dâu tằm và nhả tơ thành kén. Tằm đã sẵn sàng nhả tơ được gọi là tằm chín, có màu vàng óng hoặc đỏ nâu bóng, trong suốt. Tơ tằm dùng để dệt lụa và có giá trị kinh tế cao.

    Tằm đang ăn lá dâu

    Tằm đang ăn lá dâu

    Kén tằm

    Kén tằm

  2. Đà
    Đã (từ cổ, phương ngữ).
  3. Trạng nguyên
    Danh hiệu của người đỗ cao nhất khoa thi Đình dưới thời phong kiến. Đỗ nhì là Bảng nhãn, đỗ ba là Thám hoa. Các trạng nguyên nổi tiếng nhất trong lịch sử nước ta có thể kể đến: Nguyễn Hiền, Lương Thế Vinh (Trạng Lường), Mạc Đĩnh Chi (Lưỡng quốc Trạng nguyên), Nguyễn Bỉnh Khiêm (Trạng Trình)... Ngoài ra, một số nhân vật trong lịch sử tuy không đạt danh hiệu này nhưng nhờ có tài năng lớn mà cũng được nhân dân tôn làm Trạng (Trạng Ăn Lê Như Hổ, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan, Trạng Quỳnh...)
  4. Còng
    Một loại sinh vật giống cua cáy, sống ở biển hoặc các vùng nước lợ. Còng đào hang dưới cát và có tập tính vê cát thành viên nhỏ để kiếm thức ăn. Ngư dân ở biển hay bắt còng làm thức ăn hằng ngày hoặc làm mắm.

    Con còng

    Con còng

  5. Dao phay
    Dao có lưỡi mỏng, bằng và to bản, dùng để băm, thái.

    Dao phay dùng trong bếp

    Dao phay dùng trong bếp

  6. Tiểu nhân
    Một khái niệm của Nho giáo, chỉ những người hèn hạ, thiếu nhân cách, không có những phẩm chất cao thượng và lí tưởng lớn. Trái nghĩa với tiểu nhân là quân tử.
  7. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  8. Rau đắng
    Cũng gọi là cây càng tôm, cây biển súc, một loại rau hình mũi mác, có vị đắng, thường được dùng làm rau sống hay chế biến nhiều món khác nhau, hoặc làm thuốc.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Lá và hoa cây rau đắng.

    Nghe bài hát Còn thương rau đắng mọc sau hè.

  9. Cá trê
    Tên một họ cá da trơn nước ngọt phổ biến ở nước ta. Cá trê có hai râu dài, sống trong bùn, rất phàm ăn. Nhân dân ta thường đánh bắt cá trê để làm các món kho, chiên hoặc gỏi.

    Cá trê

    Cá trê

  10. Nam Kỳ lục tỉnh
    Tên gọi miền Nam Việt Nam thời nhà Nguyễn, trong khoảng thời gian từ năm 1832 tới năm 1862 (khi Pháp chiếm 3 tỉnh Miền Đông) và năm 1867 (khi Pháp chiếm nốt 3 tỉnh Miền Tây), bao gồm sáu (lục) tỉnh:

    1. Phiên An, sau đổi thành Gia Định (tỉnh lỵ là tỉnh thành Sài Gòn),
    2. Biên Hòa (tỉnh lỵ là tỉnh thành Biên Hòa),
    3. Định Tường (tỉnh lỵ là tỉnh thành Mỹ Tho) ở miền Đông;
    4. Vĩnh Long (tỉnh lỵ là tỉnh thành Vĩnh Long),
    5. An Giang (tỉnh lỵ là tỉnh thành Châu Đốc),
    6. Hà Tiên (tỉnh lỵ là tỉnh thành Hà Tiên) ở miền Tây.

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

    Bản đồ Lục tỉnh năm 1808

  11. Gióng
    Còn gọi là quang, đồ vật làm bằng mây, gồm có đế gióng và 4 hay 6 quai gióng. Gióng được dùng kết hợp với đòn gánh - đòn gánh ở giữa, hai chiếc gióng hai bên, để gánh gạo và các loại nông sản khác.

    Quang gánh

    Quang gánh

  12. Sớt sưa
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Sớt sưa, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  13. Khi hát bài chòi, bài này được dùng để báo con Tứ Gióng.
  14. Chơi ngang
    Có hành động ngang ngược, bất chấp phép tắc.
  15. Ăn trộm có tang, chơi ngang có tích
    Những việc làm phi pháp bao giờ cũng để lại dấu tích, tang chứng, cuối cùng sẽ bị phát hiện. Cũng có thể hiểu là cần phải có tang chứng cụ thể, rõ ràng mới kết tội được.
  16. Đọi
    Cái chén, cái bát (phương ngữ một số vùng ở Bắc Trung Bộ).
  17. Thu thủy, xuân sơn
    Phiếm chỉ người con gái đẹp: ánh mắt lóng lánh trong trẻo ví như dòng nước mùa thu, lông mày phơn phớt đẹp tựa dải núi mùa xuân. Nguyên từ một câu trong tập Tình sử (cổ văn Trung Quốc): Nhãn như thu thủy, mi tựa xuân sơn.

    Làn thu thủy, nét xuân sơn
    Hoa ghen đua thắm, liễu hờn kém xanh

    (Truyện Kiều)

  18. Cào cào
    Một loại côn trùng ăn lá, có đầu nhọn (khác với một loại côn trùng tương tự có đầu bằng gọi là châu chấu). Cào cào thường sống ở các ruộng lúa, rau và ăn lá lúa, lá rau, gây thiệt hại tới mùa màng.

    Cào cào

    Cào cào

  19. Đàn cò
    Còn gọi là đàn nhị, một loại đàn có hai dây, chơi bằng cách kéo vĩ. Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải thêm về đàn cò tại đây.

    Kéo đàn nhị

    Kéo đàn nhị

  20. Hén
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Hén, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  21. Đàn bầu
    Còn gọi là đàn độc huyền hoặc gọi tắt là đàn độc, vì chỉ có duy nhất một dây. Hộp đàn làm bằng ống tre hay gỗ, bầu đàn được làm từ một nửa quả bầu khô. Trước đây, dây đàn trước đây được làm bằng tơ, sau này thay bằng dây kim loại. Đàn bầu là một loại nhạc khí truyền thống rất độc đáo của dân tộc ta và chỉ duy nhất người Việt Nam mới có. 

    Xem nhạc sĩ Huỳnh Khải giảng giải về những nét độc đáo của đàn bầu Việt Nam đây và nghe nghệ sĩ ưu tú Thanh Tâm diễn tấu đàn bầu tại đây.

    Đàn bầu Việt Nam

    Đàn bầu Việt Nam

  22. Thơ Sáu Trọng
    Một truyện thơ dân gian khuyết danh được lưu truyền khá rộng rãi ở Nam Bộ vào cuối thế kỉ 19 đến đầu thế kỉ 20. Truyện kể về cuộc đời nhân vật Lê Văn Trọng, một người trượng nghĩa, có hào khí. Truyện cũng phản ánh phần nào diện mạo xã hội và tâm lí chống đối chính quyền thực dân của giới bình dân Nam Bộ thời bấy giờ. Nhà văn Sơn Nam ca ngợi "Thơ Sáu Trọng được truyền tụng, ngoài ý muốn của thực dân Pháp, đã trở thành một loại ca dao, xứng đáng nêu trong bảng liệt kê văn chương bình dân, xứng đáng được ghi trong chương trình Việt văn."
  23. Ở Nam Bộ, hình thức nói thơ khá phổ biến trong dân ca dân gian như: nói thơ Vân Tiên, nói thơ Bạc Liêu, nói thơ Cậu Hai Miêng, nói thơ Thầy Thông Chánh… Dù hình thành chỉ khoảng một thế kỉ nhưng nói thơ đã có một vị trí vững chắc trong lòng người dân Nam bộ bởi tính tự sự, dễ nói, dễ thuộc và là tiếng lòng, thổ lộ nhiều tâm sự trong cuộc sống.

    Các phiên chợ sáng ở những vùng thành thị thường xuất hiện những người ăn xin, ngồi bên lề đường, tay gảy đàn bầu nói thơ Sáu Trọng. Giọng thơ buồn bã, ai oán, vương vấn buồn thương nên được nhiều người đi chợ chú ý, cho tiền. (Đọc thêm)

  24. Đa
    Một loại cây thân thuộc, được coi như biểu tượng của làng quê Việt Nam, cùng với giếng nước và sân đình. Cây đa cổ thụ có tán rất rộng, có nhiều gốc và rễ phụ. Ở một số địa phương, cây đa còn được gọi là cây đa đa, hoặc cây da. Theo học giả An Chi, tên cây bắt nguồn từ đa căn thụ 多根樹 (cây nhiều rễ), “một hình thức dân dã mà văn chương Phật giáo dùng để mô tả và gọi tên cây một cách súc tích nhất có thể có.”

    Cây đa Tân Trào

    Cây đa Tân Trào

  25. Thị
    Loài cây thân gỗ, sống lâu năm, cho quả màu vàng, rất thơm, ăn được.

    Trước giờ ra về, bao giờ nó cũng bóc thị ra và hai đứa tôi cùng ăn. Ăn xong, chúng tôi không quên dán những mảnh vỏ thị lên bàn rồi ngoẹo cổ nhìn. Những mảnh vỏ thị được bóc khéo khi dán lên bàn hoặc lên tường trông giống hệt một bông hoa, có khi là hoa quì, có khi là hoa cúc đại đóa, có khi là một loài hoa không tên nào đó màu vàng.
    (Mắt biếc - Nguyễn Nhật Ánh)

    Quả thị trên cây

    Quả thị

  26. Muôn
    Mười nghìn (từ cũ), đồng nghĩa với vạn.
  27. Quan
    Đơn vị tiền tệ cổ của nước ta dùng đến đầu thế kỷ 20. Đối với tiền quý (cổ tiền), một quan bằng 60 tiền (600 đồng kẽm). Với tiền gián (sử tiền), một quan bằng 360 đồng kẽm.
  28. Nhiễu
    Hàng dệt bằng tơ, sợi ngang xe rất săn, làm cho mặt nổi cát.
  29. Dẫn cưới
    Đưa lễ đến nhà gái để xin cưới.
  30. Nghĩa Hành
    Địa danh nay là huyện trung du duy nhất của tỉnh Quảng Ngãi.
  31. Tam Bảo
    Tên một phiên chợ ở xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi. Chợ là nơi buôn bán, trao đổi hàng hóa giữa người Kinh và người Thượng thuộc các quận Nghĩa Hành, Minh Long, Ba Tơ và Sơn Hà. Đây có lẽ là phiên chợ xuất hiện lâu đời nhất tại Quảng Ngãi và còn tồn tại mãi cho đến sau này. Không rõ đích xác chợ xuất hiện lần đầu tiên vào năm nào, và nơi họp đầu tiên là ở đâu, nhưng đến đời vua Tự Đức thì chợ chính thức tọa lạc tại Kim Thành Hạ (Nghĩa Hành). Chợ họp ngày mồng hai và mồng bảy âm lịch mỗi tháng, với nhiều mặt hàng, trong đó nổi tiếng có chè bó, chè búp.
  32. "Tuổi lên ba" và "tuổi lên hai" ở đây là các đốt tay. Bốn ngón nhỏ hơn có ba đốt mỗi ngón, riêng ngón cái (ông già) lại có hai đốt.
  33. Thi thư
    Chỉ sách vở, kinh điển Nho giáo nói chung. Kinh Thi và kinh Thư là hai bộ sách đầu tiên trong Ngũ kinh, năm bộ sách kinh điển của Nho giáo.
  34. Loang toàng
    Như luông tuồng. Lung tung, bừa bãi, không biết giữ gìn.
  35. Trượng phu
    Người đàn ông có khí phách, giỏi giang, hào kiệt.
  36. Danh nho
    Nhà nho có tiếng tăm.
  37. Thần trung tử hiếu
    Bề tôi thì trung, con thì hiếu (chữ Hán).
  38. Quảng Bình
    Tên một tỉnh thuộc vùng duyên hải Bắc Trung Bộ, nằm ở vùng hẹp nhất của nước ta từ Đông sang Tây (chỉ dài độ 50 km). Vào thế kỉ 11, Lý Thường Kiệt là người đã xác định và đặt nền móng đầu tiên của vùng đất Quảng Bình trọn vẹn trong cương vực lãnh thổ Đại Việt. Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh, Quảng Bình bị chia cắt tại sông Gianh. Từ 20/9/1975 đến 1/7/1989, tỉnh Quảng Bình được sáp nhập vào tỉnh Bình Trị Thiên.

    Quảng Bình nổi tiếng với di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, các di tích lịch sử thời Trịnh - Nguyễn phân tranh như thành Đồng Hới, Lũy Thầy... Nơi đây cũng là quê hương của nhiều danh nhân văn hóa - lịch sử như Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Hoàng Kế Viêm, Võ Nguyên Giáp, Ngô Đình Diệm...

    Vường quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

    Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng thuộc Quảng Bình

  39. Phong Nha
    Còn gọi Động Thầy Tiên, Núi Thầy, Động Troóc, Hang Chùa, một hệ thống hang động nổi tiếng thế giới và là danh thắng tiêu biểu nhất của vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, thuộc huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

    Trong lòng động Phong Nha

    Trong lòng động Phong Nha

  40. Mụ Giạ
    Còn gọi là Mụ Gia hay Mụ Già, một đèo trên quốc lộ 12A giáp biên giới Việt Nam-Lào, thuộc huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

    Một đoạn đèo Mụ Giạ

    Một đoạn đèo Mụ Giạ

  41. Sông Gianh
    Còn gọi là Linh Giang hoặc Thanh Hà, con sông chảy qua địa phận tỉnh Quảng Bình, đổ ra biển Đông ở cửa Gianh. Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Trong thời kì Trịnh-Nguyễn phân tranh (1570-1786), sông Gianh chính là ranh giới giữa Đàng TrongĐàng Ngoài.

    Một khúc sông Gianh

    Một khúc sông Gianh