Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Gá nghĩa
    Kết nghĩa (gá nghĩa vợ chồng, gá nghĩa anh em), tiếng miền Nam còn đọc trại thành gá ngãi.
  2. Giày
    Giẫm đi giẫm lại nhiều lần cho nát ra.
  3. Mả tổ
    Mồ mả tổ tiên.
  4. Thất thủ kinh đô
    Một cách gọi của sự kiện lịch sử diễn ra vào hai ngày 4 và 5 tháng 7 năm 1885 tại Huế, bấy giờ là kinh đô nhà Nguyễn, khi quân triều đình do Tôn Thất Thuyết chỉ huy tập kích vào lực lượng Pháp. Trận tập kích thất bại, quân Pháp cướp bóc, đốt phá và giết hại hàng vạn người dân. Triều đình Hàm Nghi rút khỏi kinh thành, bắt đầu phong trào Cần Vương.

    Trận kinh thành Huế

    Trận kinh thành Huế

  5. Nhà dây thép
    Bưu điện. Gửi điện tín được gọi là "đánh dây thép." Từ này xuất hiện từ thời Pháp thuộc, hiện nay ít được dùng.
  6. Sau khi chiếm được Việt Nam, người Pháp bắt đầu xây dựng hệ thống viễn thông ("dây thép") và vẽ bản đồ để phục vụ cho công cuộc cai trị thuộc địa.
  7. Tòa khâm sứ Trung Kỳ
    Còn gọi là tòa Khâm, tòa nhà dùng làm nơi ở và làm việc của khâm sứ Trung Kỳ, viên chức người Pháp đại diện cho chính quyền bảo hộ ở Trung Kỳ dưới thời Pháp thuộc. Tòa nhà được xây từ tháng 4/1876 (năm Tự Đức thứ 28), đến tháng 7/1878, là thủ phủ của chế độ thực dân ở Trung kỳ, chi phối toàn bộ hoạt động của nhà nước phong kiến triều Nguyễn. Ngày nay khuôn viên tòa là Trường Đại học Sư phạm Huế.

    Tòa khâm sứ Trung Kỳ

    Tòa khâm sứ Trung Kỳ

  8. Tấn Tần
    Việc hôn nhân. Thời Xuân Thu bên Trung Quốc, nước Tần và nước Tấn nhiều đời gả con cho nhau. Tấn Hiến Công gả con gái là Bá Cơ cho Tần Mục Công. Tần Mục Công lại gả con gái là Hoài Doanh cho Tấn Văn Công. Việc hôn nhân vì vậy gọi là việc Tấn Tần.

    Trộm toan kén lứa chọn đôi,
    Tấn Tần có lẽ với người phồn hoa.

    (Truyện Hoa Tiên)

  9. Ních
    Nhét cho đầy, cho chặt. Còn có nghĩa là ăn tham, ăn một cách thô tục.
  10. Nhất, nhị, tam... cửu, thập là các số đếm từ 1 đến 10 (từ Hán Việt).
  11. Chùa Tân Thiện
    Chú thích này đang để ngỏ. Nếu bạn có thông tin về Chùa Tân Thiện, hãy đóng góp cho chúng tôi.
  12. Hà Đông
    Vùng đất nay là thành phố Tam Kỳ, thủ phủ của tỉnh Quảng Nam. Huyện Hà Đông thuộc phủ Thăng Hoa của đạo Thừa Tuyên – Quảng Nam, được hình thành từ năm 1471 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Đến năm 1906, đời vua Thành Thái, huyện được nâng lên thành phủ Hà Đông, và sau đó đổi thành phủ Tam Kỳ.
  13. Bao Công
    Tên thật là Bao Chửng, cũng gọi là Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, làm quan dưới thời Tống Nhân Tông, Trung Quốc. Ông nổi tiếng thanh liêm, nghiêm minh, được nhân dân suy tôn là Bao Thanh Thiên (trời xanh). Hình tượng Bao Công trong dân gian được khắc họa là một người mặt đen, trán có hình trăng lưỡi liềm, được nhiều người tài như Công Tôn Sách, Triển Chiêu, Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ theo phò tá. Tuy nhiên, đa số những chi tiết này không có thật trong lịch sử.

    Một hình vẽ Bao Công

    Một hình vẽ Bao Công

  14. Qua
    Từ người lớn dùng để tự xưng một cách thân mật với người nhỏ, hoặc cách tự xưng có đôi chút tính chất khách quan, nhưng thân tình (Từ điển từ ngữ Nam Bộ - Huỳnh Công Tín).
  15. Bậu
    Cũng nói là em bậu, tiếng gọi người tiếp chuyện với mình, khác giới tính, có ý thương mến, thân mật. Cách xưng hô "qua, bậu" thường được dùng trong quan hệ vợ chồng, người yêu (phương ngữ Nam Bộ).
  16. Có bản chép: trong.
  17. Bãi Sậy
    Địa danh trước đây bao gồm địa phận các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ thuộc tỉnh Hưng Yên. Đây là nơi nổ ra cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy vào cuối thế kỉ 19 do Nguyễn Thiện Thuật lãnh đạo.
  18. Yên Thế
    Huyện cực bắc tỉnh Bắc Giang, là nơi diễn ra khởi nghĩa Yên Thế kéo dài 30 năm của Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp (1885-1913).
  19. Thanh Khiết
    Tên một làng nay thuộc xã Tư Nguyên, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi.
  20. Sung Tích
    Tên một làng nay thuộc xã Sơn Hội, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi.
  21. Câu ca dao này có sự chơi chữ. Dân Thanh Khiết ngày xưa thường làm nghề trồng các loại rau cải và làm giá (mầm đậu). Dân Sung Tích xưa làm nghề trồng dâu nuôi tằm, lấy tơ dệt lụa. "Cải giá" vừa có nghĩa là cây cải, rau giá, vừa có nghĩa là "lấy chồng lần nữa." "Kén dâu" vừa có nghĩa là kén tằm, cây dâu tằm, vừa có nghĩa là kén chọn cô dâu.
  22. Có bản chép: bồng.
  23. Tam Điệp
    Tên một dãy núi nằm giữa Ninh Bình và Thanh Hóa, chạy ra biển theo hướng Tây Bắc–Đông Nam, gồm có 3 ngọn. Trên dãy núi này cũng có đèo Tam Điệp, con đường thiên lý cổ thời phong kiến từ Thăng Long vào Nam, đi qua 3 đoạn đèo: Đèo phía Bắc, đèo phía Nam, và đèo Giữa. Đèo Tam Điệp cũng có tên dân gian là Ba Dội (dội tiếng Việt cổ nghĩa là đợt, lớp).

    Một đèo, một đèo, lại một đèo,
    Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo.
    Cửa son đỏ loét tùm hum nóc,
    Hòn đá xanh rì lún phún rêu.

    (Đèo Ba Dội - Hồ Xuân Hương)

    Phòng tuyến Tam Điệp

    Phòng tuyến Tam Điệp

  24. Đồn Vàng
    Tên một cái đồn do Pháp lập ra ở huyện lị Thanh Sơn, tỉnh Vĩnh Phú, nay là phố Vàng, thị trấn Thanh Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ.
  25. Hùng Nhĩ
    Địa danh nay là một xã thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Làng Hùng Nhĩ và làng Bảo Vệ là cái nôi của hát ghẹo Phú Thọ. Các cụ kể: Ngày xưa, làng Hùng Nhĩ có nhiều rừng, nhiều gỗ quý nhưng ruộng đất xấu, trồng trọt thu hoạch kém. Làng Bảo Vệ nằm dọc theo sông Thao đất phì nhiêu lại không bị thú rừng phá nên luôn được mùa, nhưng không có rừng, thiếu gỗ làm nhà. Do vậy hai bên kết nghĩa giúp nhau. Hùng Nhĩ mất mùa, Bảo Vệ giúp tiền, giúp lúa. Bảo Vệ cần gỗ làm nhà, Hùng Nhĩ chọn gỗ quý gửi ra. Mối quan hệ giữa hai làng ngày càng gắn bó chặt chẽ. Nhân dân đi lại vui chơi, ca hát thành Hát Ghẹo (theo Người Phú Thọ).
  26. Hung
    Dữ, quá (phương ngữ Trung và Nam Bộ).
  27. Đỗ vàng mơ
    Đỗ (đậu) đã gần chín, nhưng chưa khô hẳn.
  28. Canh
    Đơn vị tính thời gian ban đêm ngày xưa. Người xưa chia một đêm ra thành năm canh (đêm năm canh, ngày sáu khắc). Theo đó, canh một là giờ Tuất (19-21h), canh hai là giờ Hợi (21-23h), canh ba là giờ Tí (23h-1h sáng), canh tư là giờ Sửu (1h-3h), canh năm là giờ Dần (3h-5h). Mỗi lúc sang canh thường có trống điểm, gọi là trống canh.
  29. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  30. Châu Trần
    Việc hôn nhân. Thời xưa ở huyện Phong thuộc Từ Châu bên Trung Quốc có thôn Châu Trần, trong thôn chỉ có hai dòng họ là họ Châu và họ Trần, đời đời kết hôn với nhau.

    Thật là tài tử giai nhân,
    Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.

    (Truyện Kiều)

  31. Lai láng
    Tràn đầy khắp nơi như đâu cũng có. Từ này cũng được dùng để chỉ trạng thái tình cảm chứa chan, tràn ngập.

    Lòng thơ lai láng bồi hồi,
    Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.

    (Truyện Kiều)