Ngẫu nhiên

Chú thích

  1. Cồn Hến
    Tên chữ là cồn Thanh Long, vùng đất bồi nằm ở giữa sông Hương, phía bên trái Kinh thành Huế, chia sông Hương chảy qua đoạn này thành hai nhánh. Nhánh phía đông chảy qua phường Vĩ Dạ. Nhánh phía Tây chảy qua các phường Phú Cát, Phú Hiệp. Cồn Hến có tên gọi như vậy vì dân trên cồn trước đây chủ yếu làm nghề cào hến.

    Cồn Hến ngày nay

    Cồn Hến ngày nay

  2. Rớ
    Loại lưới đánh cá lớn. Có hai loại rớ là rớ chồ và rớ thuyền. Rớ chồ rộng khoảng 80 đến 130 mét vuông, bốn góc rớ được cố định bằng bốn cây tre to cắm xuống lòng sông và được kết nối với một trục quay đặt trên một cái chòi qua hệ thống dây tời dài. Để kéo được chiếc rớ khổng lồ này người ngồi trên chòi phải dùng hai chân đạp vào các thang của trục tời để quay cho rớ nổi lên khỏi mặt nước. Khi rớ được kéo lên, người ta bơi một chiếc xuồng nhỏ ra giữa sông, nhẹ nhàng dùng tay vén bụng rớ từ ngoài vào trong để dồn tôm cá vào phía cửa thoát nằm ở ngay dưới bụng rớ. Lúc cá tôm được dồn về một chỗ, họ lại nhẹ nhàng túm lấy miệng cửa thoát kéo thấp xuống để cho cá tôm trút hết vào lòng xuồng. Rớ thuyền là một loại nghề di động, rớ được đặt gọn trên một con thuyền dài khoảng 7 - 8 mét, bơi trên sông để đánh bắt cá.

    Rớ

    Rớ

  3. Trà Nhiêu
    Tên một ngôi làng ở thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Từ thế kỷ 16 đến 17, đây là nơi thông thương nổi tiếng nhờ có vị trí giao nhau thuận tiện của 3 nhánh sông Ly Ly, Thu Bồn và Trường Giang cùng đổ ra cửa biển Đại Chiêm.

    Đường làng Trà Nhiêu

    Đường làng Trà Nhiêu

  4. Giấc mộng Nam Kha
    Những ước mơ, giấc mộng không tưởng, hư ảo. Tiểu sử Nam Kha Thái Thú của tác giả Lý Công Tá đời Đường (Trung Quốc) kể: Thuần Vu Phân say rượu, nằm lăn ra ngủ dưới gốc cây hòe, mơ thấy mình bước vào thân hòe, sang một thế giới khác, ở một nước tên Đại Hòe. Ông đỗ đạt, thăng quan làm Thái Thú ở quận Nam Kha nước này. Nhưng con đường công danh, binh nghiệp chẳng mấy chốc tiêu tan. Thuần Vu Phân tức giận, tỉnh giấc thì lần theo giấc mơ, tìm lại nước Đại Hòe, nhưng trong gốc hòe chỉ thấy một ổ kiến.
  5. Bóng chim tăm cá
    Chim bay trên cao khó thấy bóng, cá lội ở vực sâu khó thấy hình. Chỉ người đi không có tin tức gì.
  6. Hải hồ
    Biển và hồ, chỉ chí khí rộng lớn người con trai trong xã hội phong kiến.

    Lòng tôi phơi phới quên thương tiếc
    Đưa tiễn anh ra chốn hải hồ

    (Giây phút chạnh lòng - Thế Lữ)

  7. Chúng sinh
    Chỉ tất cả con người, động và thực vật (từ Hán Việt).
  8. Cheo
    Khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái khi làm lễ dạm hỏi theo tục lệ xưa.
  9. Chỉ điều
    Cũng viết là chỉ hồng, chỉ thắm, chỉ đỏ... đều chỉ dây tơ hồng mà Nguyệt lão dùng để xe duyên.
  10. Đố
    Thanh tre hay gỗ đóng dọc ở vách, cùng với những thanh ngang gọi là mè, tạo thành "khung xương" cho vách đất.
  11. Bánh chưng
    Một loại bánh truyền thống của dân tộc ta, làm từ gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, lá dong. Bánh thường được làm vào các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt và ngày giổ tổ Hùng Vương, nhằm thể hiện lòng biết ơn của con cháu đối với cha ông và đất trời xứ sở. Theo quan niệm phổ biến hiện nay, cùng với bánh giầy, bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của cha ông ta.

    Bánh chưng

    Bánh chưng

  12. Oản
    Bánh làm bằng xôi nếp hoặc bột bánh khảo nén vào khuôn hình nón cụt để cúng.

    Oản làm bằng xôi

    Oản làm bằng xôi

  13. Bánh đúc
    Bánh nấu bằng bột gạo tẻ hoặc bột ngô quấy với nước vôi trong, khi chín đổ ra cho đông thành tảng, thường được ăn kèm với mắm tôm. Bánh đúc là món quà quen thuộc của làng quê.

    Bánh đúc Hà Nội

    Bánh đúc Hà Nội

  14. Bánh tráng
    Miền Trung và miền Nam gọi là bánh tráng, miền Bắc gọi là bánh đa. Đây một dạng loại bánh làm từ bột gạo, tráng mỏng, phơi khô, khi ăn có thể nướng giòn hoặc ngâm sơ với nước cho mềm để cuốn các thức ăn khác. Ngoài ra, bánh tráng còn có thể được làm với các thành phần khác để tạo thành bánh tráng mè, bánh tráng đường, bánh tráng dừa... mỗi loại có hương vị khác nhau.

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

    Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng

  15. Núi Thiên Ấn
    Gọi tắt là núi Ấn, dân gian còn gọi là núi Hó, là một ngọn núi nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, cao chừng 100m, bốn phía sườn có hình thang cân như chiếc ấn niêm cạnh dòng sông nên người xưa gọi là Thiên Ấn Niêm Hà. Cùng với sông Trà, núi Ấn được xem là biểu tượng của Quảng Ngãi, vì thế Quảng Ngãi còn được gọi là vùng đất núi Ấn sông Trà.

    Núi Ấn

    Núi Ấn

  16. Lai hoàn
    Trở về (từ Hán Việt).
  17. Lựu
    Một loại cây ăn quả có hoa màu đỏ tươi, thường nở vào mùa hè. Quả khi chín có màu vàng hoặc đỏ, trong có rất nhiều hạt tròn mọng, sắc hồng trắng, vị ngọt thơm. Vỏ, thân, rễ lựu còn là những vị thuốc Đông y.

    Dưới trăng quyên đã gọi hè
    Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông

    (Truyện Kiều)

    Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Hoa lựu

    Hoa lựu

    Quả lựu

    Quả lựu

  18. Đào
    Loại cây mọc nhiều ở vùng rừng núi phía Bắc, cũng được trồng để lấy quả hay hoa. Hoa đào nở vào mùa xuân, là biểu tượng của mùa xuân và ngày Tết ở miền Bắc. Quả đào vị ngọt hoặc chua, mùi thơm, vỏ quả phủ một lớp lông mịn. Đào xuất hiện rất nhiều trong văn học cổ Trung Quốc và các nước đồng văn. Trong ca dao tục ngữ, hình ảnh đào, lựu, mận, ... thường được dùng với tính ước lệ để chỉ đôi lứa yêu nhau.

    Quả đào

    Quả đào

  19. Một loại cây cho quả ngọt, nhiều nước, thịt hơi xốp. Nước ép quả lê có thể dùng làm thạch, mứt trái cây, hoặc ủ men làm rượu. Gỗ lê là một loại gỗ tốt, được dùng làm đồ nội thất, chạm khắc... Lê là một hình ảnh mang tính ước lệ thường gặp trong ca dao tục ngữ, tượng trưng cho người con trai hoặc con gái.

    Quả lê

    Quả lê

  20. Quế
    Một loại cây rừng, lá và vỏ có tinh dầu thơm. Vỏ quế ăn có vị cay, là một vị thuốc quý (Quế chi) trong các bài thuốc Đông y. Trong văn học cổ, cây quế thường tượng trưng cho sự thanh cao, đẹp đẽ.

    Thu hoạch quế

    Thu hoạch và phơi quế

  21. Rương
    Hòm để đựng đồ (sách vở, quần áo...) hoặc tiền vàng, thường làm bằng gỗ, có móc khóa.

    Cái rương

    Cái rương

  22. Ngày xưa cái giường của người nhà quê là loại giường chõng đóng bằng tre già, lâu ngày bị xiêu lỏng, đụng vào kêu cót két, giống như tiếng chuột kêu chút chít.
  23. Mây
    Tên chung của khoảng hơn 600 loài dây leo thuộc họ cọ, thân có nhiều gai, mọc nhiều ở các vùng rừng núi nước ta. Gỗ mây rất dẻo, được khai thác để sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình như bàn, ghế, đan giỏ đựng... Loài mây được trồng và sử dụng nhiều nhất ở nước ta là mây nếp.

    Dây mây

    Dây mây

  24. Nghèo rớt mùng tơi
    Có hai cách hiểu về câu này. Theo cách phổ biến, mùng (mồng) tơi ở đây chỉ loại dây leo quấn, mập và nhớt, lá dày hình tim, lá và đọt thân non của mồng tơi thường được dùng để nấu canh ăn mát và có tính nhuận trường.

    Rau mùng tơi

    Rau mùng tơi

    Khi nấu canh mùng tơi, lá mùng tơi có nhiều rớt (nhớt) nên khi múc canh vào bát, môi canh trơn tuột, không dính tí gì. Nghèo rớt mùng tơi là nghèo xơ nghèo xác không có chút của cải gì.

    Theo cách giải thích thứ hai, mùng tơi là phần trên của chiếc áo tơi (phần dày nhất và khâu kĩ nhất) - loại áo khoác dùng để che mưa nắng, thường được làm bằng lá cây, thường là lá cọ, khâu chồng thành lớp gối lên nhau, rất quen thuộc trong các gia đình nông dân Việt Nam trước đây. Khi áo tơi rách thì mùng tơi vẫn còn, dùng cho đến khi rớt (rơi) hết mùng tơi chứng tỏ rất nghèo.

    Người mặc áo tơi

    Người mặc áo tơi

  25. Loan
    Theo một số điển tích thì phượng hoàng là tên chung của một loại linh vật: loan là con mái, phượng là con trống. Cũng có cách giải nghĩa khác về loan, mô tả loan là một loài chim giống với phượng hoàng. Trong văn thơ cổ, loan và phụng thường được dùng để chỉ đôi vợ chồng hoặc tình cảm vợ chồng (đèn loan, phòng loan...)

    Nào người phượng chạ loan chung,
    Nào người tiếc lục tham hồng là ai

    (Truyện Kiều)

  26. Phượng hoàng
    Một loài chim trong thần thoại Trung Quốc và các nước chịu ảnh hưởng. Trước đây, con trống được gọi là Phượng (hay phụng) còn con mái được gọi là Hoàng, nhưng ngày nay thì sự phân biệt đực, cái đã gần như không còn, và phượng hoàng được xem là giống cái, trong khi rồng được xem là giống đực. Phượng hoàng là vua của các loài chim, tượng trưng cho sự thanh cao.

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

    Một hình vẽ chim phượng hoàng

  27. Một loài chim ăn thịt, thường kiếm mồi vào ban đêm, có mắt lớn ở phía trước đầu. Người xưa xem cú là loài vật xấu xa, tượng trưng cho những người hoặc việc xấu, việc xui xẻo.

    Cú mèo

    Cú mèo

  28. Mai
    Còn gọi là mơ, một loại cây thân nhỏ, nhiều cành, rất phổ biến các nước Đông Á, nhất là Trung Quốc và Nhật Bản. Cây ra hoa vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Hoa mai nhỏ, mỗi hoa có năm cánh, thường hoa có màu trắng, mặc dù một số giống mai có thể cho hoa màu hồng hay đỏ sẫm. Trong văn học cổ, mai thường được dùng như một hình ảnh ước lệ, đại diện cho người phụ nữ. Lưu ý, cây mai này không phải là loại mai vàng của miền Nam nước ta.

    Hoa mai

    Hoa mai

  29. Nghinh ngang
    Nghênh ngang.
  30. Căn duyên
    Theo giáo lý nhà Phật, hai người gặp nhau được là nhờ duyên nợ từ kiếp trước, hay còn gọi là nhân duyên. Lấy bản tính làm nhân duyên, gọi là căn duyên. Còn lấy ngoại cảnh làm duyên gọi là trần duyên. Cũng có sách gọi căn duyên là tâm duyên.
  31. Thục nữ
    Người con gái hiền dịu, nết na (từ Hán Việt).
  32. Gia Định
    Tên gọi một tỉnh ở miền Nam nước ta dưới thời triều Nguyễn. Tỉnh Gia Định xưa nằm giáp ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, có thủ phủ là thành Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, vào năm 1957, tỉnh Gia Định gồm 6 quận: Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn, Thủ Đức, Nhà Bè, Bình Chánh, đến năm 1970 thêm Quảng Xuyên và Cần Giờ. Đến tháng 6/1975, tỉnh Gia Định (ngoại trừ 2 quận Cần Giờ và Quảng Xuyên) được sáp nhập với Đô thành Sài Gòn, cộng thêm một phần các tỉnh Long An, Bình Dương, Hậu Nghĩa để trở thành thành phố Sài Gòn - Gia Định. Đến ngày 2 tháng 7 năm 1976, thành phố Sài Gòn - Gia Định được chính thức đổi tên là Thành phố Hồ Chí Minh.

    Ngày nay, địa danh Gia Định chỉ còn dùng để chỉ khu vực trung tâm quận Bình Thạnh của Thành phố Hồ Chí Minh.

  33. Nha Trang
    Một địa danh thuộc tỉnh Khánh Hòa, hiện là một thành phố biển nổi tiếng không chỉ ở nước ta mà trên cả thế giới về du lịch biển, đồng thời là một trong những trung tâm kinh tế của cả nước.

    Theo nhiều nhà nghiên cứu, tên "Nha Trang" được hình thành do cách đọc của người Việt phỏng theo âm một địa danh Chăm vốn có trước là Ya Trang hay Ea Trang (có nghĩa là "sông Lau," tiếng người Chăm gọi sông Cái chảy qua Nha Trang ngày nay, vì chỗ con sông này đổ ra biển mọc rất nhiều cây lau). Từ tên sông, sau chỉ rộng ra vùng đất từ năm 1653.

    Vẻ đẹp Nha Trang

    Vẻ đẹp Nha Trang